Trang chủ Kiến Thức Bạn có biết: Nhà Nguyễn là triều đại có nhiều cuộc nổi...

Bạn có biết: Nhà Nguyễn là triều đại có nhiều cuộc nổi dậy nhất lịch sử Việt Nam

Thời nhà Nguyễn có khoảng 400 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ (“Lịch sử Việt Nam (1427-1858), tr. 166-173), là triều đại có nhiều cuộc nổi dậy nhất.

Các nguyên nhân tạm liệt kê ra:

1. Do có diện tích lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt.

2. Bất ổn về mặt chính trị khi thống nhất sau hơn 200 năm đất nước bị chia cắt. Quan điểm của các trí thức, người dân cũng như cả người nước ngoài giai đoạn đó là Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai nước khác nhau, có thể cùng chủng tộc nhưng văn hóa và chế độ chính trị khác nhau.

Đến thời Tây Sơn khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc đánh Trịnh thì hầu hết người Đàng Ngoài từ vua, các quan cho đến người dân đều coi Tây Sơn là quân đội nước ngoài, kể cả khi Quang Trung xưng đế thì điều này cũng không thay đổi nhiều. Đến khi Gia Long thống nhất đất nước, thì về cơ bản người Bắc Hà vẫn coi là bị nước ngoài chiếm đóng, lòng người thì vẫn hướng về nhà Lê, nên vẫn có ý chống đối triều Nguyễn, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là bùng phát.

“Hoàng Lê Nhất Thống Chí” có đối thoại giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh:

________________________

Lúc ấy, Chỉnh nói với Bình rằng:

‘Ngài vâng mệnh ra lấy Thuận Hoá, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là “thời”, hai là “thế”, ba là “cơ”; ba điều ấy đều có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà, tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói: “Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong”. Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ!’

Bình đáp:

‘Bắc Hà là một nước lớn, có nhiều người tài. Lời xưa có nói: “Con ong có nọc”, há có thể khinh thường được ư?’

Chỉnh nói:

‘Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại!’

Bình vốn khéo dùng ngôn ngữ để bẻ người, liền đùa rằng:

‘Không nghi ngại người nào khác, chả hoá ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư?’

Chỉnh tái mặt mà tạ rằng:

‘Sở dĩ tôi tự nêu lên cái ngu hèn của mình như thế, chẳng qua cũng chỉ để nói quá rằng nước tôi tuyệt nhiên không có người tài đó mà thôi! (ý Chỉnh muốn nói chữa, ngoài Bắc chỉ có Chỉnh là tài mà Chỉnh cũng chỉ xoàng như vậy thì quả là ngoài Bắc không còn có người tài nữa)’

Bình lại an ủi mấy câu, rồi tiếp:

‘Một nước đã trải bốn trăm năm, nay bỗng chốc mình đến cướp lấy, người ta sẽ gọi đạo quân ấy là đạo quân gì?’

___________________

Bản đồ Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng (năm 1835).
Bản đồ Việt Nam dưới triều vua Minh Mạng (năm 1835).

3. Bất ổn về xã hội và kinh tế. Trừ thời Gia Long ra thì kể từ Minh Mạng về sau Đại Nam bị lôi kéo vào nhiều cuộc chiến khá quyết liệt với Xiêm La và Chân Lạp, lại kéo dài liên miên.

Sức ép về huy động nhân lực và vật lực là rất lớn. Xã hội Việt Nam trải qua ba mươi năm chiến loạn thời Tây Sơn đã suy kiệt khá nhiều, chưa kịp hồi phục thì lại bị vắt kiệt lần nữa, đó là cơ hội thuận lợi cho những lực lượng chống đối nhà Nguyễn, đặc biệt là ở Bắc Hà.

4. Chia rẽ trong nội bộ vương triều. Điển hình là loạn Lê Văn Khôi, bắt nguồn từ xích mích giữa Minh Mạng và Lê Văn Duyệt. Cái này thì triều đại nào cũng có thôi, bắt nguồn từ việc bình định thiên hạ nên dẫn đến một số cá nhân nắm trong tay quyền lực quá lớn, và đời vua sau phải tìm cách kiềm chế.

5. Triều Nguyễn còn giữ được khá nhiều sách vở tư liệu gốc, ít bị chiến tranh ảnh hưởng như các triều đại trước (chẳng hạn trong thời thuộc Minh chúng ta gần như mất hết tài liệu giai đoạn Đinh-Tiền Lê-Lý-Trần).

6. Lý do khác.

Dĩ nhiên trong các lý do trên đây có số ít-số nhiều, chứ không cào bằng chủ nghĩa. Tuy nhiên để sắp xếp theo % như vậy thì tư liệu mình không đủ, nên đem ra cho bà con bàn luận.