Trang chủ Kiến Thức Câu chuyện về người An Nam đầu tiên làm cao bồi tung...

Câu chuyện về người An Nam đầu tiên làm cao bồi tung hoành ở miền viễn Tây Hoa Kỳ

Nếu như Bùi Viện được coi là sứ giả Việt đầu tiên sang Hoa Kỳ kết mối bang giao hòa hiếu đồng minh, thì có một người Việt Nam đã sang Hoa Kỳ trước đó 20 năm để trở thành cao bồi. Ông là Trần Trọng Khiêm quê Phú Thọ.

Theo như nghiên cứu của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821 quê làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, nay là xã Xuân Lũng (Lâm Thao, Phú Thọ). Năm ông 21 tuổi, vợ ông Khiêm bị một viên chánh tổng âm mưu làm nhục rồi giết hại. Trần Trọng Khiêm trong cơn uất hận đã ra tay giết chánh tổng báo thù cho vợ. Sau đó, ông phải trốn xuống Phố Hiến (Hưng Yên) làm việc trong một tàu buôn ngoại quốc.



Suốt 12 năm ròng, từ 1842 – 1854, Trần Trọng Khiêm đi qua nhiều vùng đất mà chưa người Việt Nam từng tới. Năm 1849, ông đặt chân đến TP New Orleans (Hoa Kỳ), bắt đầu chặng đường cho bốn năm phiêu bạt ở đất Hoa Kỳ. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, sau khi đến Hoa Kỳ, Trần Trọng Khiêm cải trang thành một người Hoa và đổi tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Tây Hoa Kỳ. Sau đó, ông trở về TP San Francisco và làm ký giả cho tờ Daily News trong vòng 2 năm.

Trong một cuốn sách xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1937, có tác giả đã kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch vào giữa thế kỷ XIX. Họ đến từ nhiều nước rồi hợp thành đoàn đi sang miền Tây tìm vàng. Miền Tây – đó bang California, nơi mà cuộc sống luôn bị rình rập bởi những hiểm nguy do thú dữ, núi lửa, động đất và đấu súng. Trong gần 2 năm, Lê Kim đã sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Ông tham gia đoàn đào vàng do một người Canada tên là Mark làm thủ lĩnh.

Để tham gia đoàn người này, tất cả các thành viên phải góp công của và tiền bạc. Lê Kim đã góp 200 Mỹ kim vào năm để mua lương thực và vũ khí. Đoàn của Lê Kim có 60 người nhưng Lê Kim đặc biệt được thủ lĩnh Mark yêu quý và tin tưởng. Do biết rất nhiều ngoại ngữ, ông được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lĩnh Mark và thông ngôn các thứ tiếng trong đoàn gồm tiếng Hòa Lan, tiếng Trung, tiếng Pháp. Ông cũng thường xuyên nói với mọi người rằng ông biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt Nam nhưng không cần dùng đến. Lê Kim nói ông không phải người Hoa nhưng đất nước nằm ngay cạnh nước Tàu.

Ông và những người tìm vàng đã vượt sông Nebraska, qua núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City. Họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ để đến California tìm vàng. Sốt rét và rắn độc đã cướp đi mất quá nửa số thành viên trong đoàn. Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ XIX, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm và trộm cướp nhưng Lê Kim nhanh chóng xin được công việc chạy tin tự do cho nhiều tờ báo rồi làm biên tập cho tờ nhật báo Daily Evening.

Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8/11/1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Hoa Kỳ John A. Sutter. Tướng Sutter vốn là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, ông đã được tướng Sutter giúp đỡ. Sau khi bị lật đổ, Sutter bị tâm thần và sống lang thang ở khắp các bến tàu để xin ăn, không ai đoái hoài đến. Khi tình cờ gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 Mỹ kim. Ông đã chê trách thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của người dân San Francisco và nước Mỹ đối với tướng Sutter, điều mà theo ông là đi ngược với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ông.

Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống hỗn loạn ở Hoa Kỳ, Lê Kim tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng ông cũng đã kịp để lại nước Mỹ dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Hoa Kỳ.

Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt Nam vẫn dưới cái tên là Lê Kim. Vì vẫn bị truy nã nên ông không trở về quê nhà Phú Thọ mà phải lấy thân phận là người Minh Hương đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Trong di chúc để lại, ông dặn tất cả con cháu đời sau đều phải lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ ở làng Xuân Lũng. Trong bức thư bằng chữ Nôm gửi về cho người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Hoa Kỳ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định Tường.

Gần 10 năm sau, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Lê Kim đã từ bỏ nhà cửa, ruộng đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười. Tài bắn súng học được trong những năm tháng ở miền Tây Hoa Kỳ cùng với kinh nghiệm xây thành đắp lũy đã khiến ông trở thành một vị tướng giỏi. Năng khiếu ngoại ngữ cũng giúp Lê Kim cảm hóa được một nhóm lính Pháp và dùng chính nhóm lính này tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới khiến cho quân giặc điêu đứng.

Năm 1866, trong một đợt truy quét của thực dân Pháp do tướng De Lagrandière chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim cũng tuẫn tiết theo đồng đội. Trong gia phả nhà họ Lê gìn giữ ghi lại lời trăng trối thì trước khi chết, ông căn dặn vợ lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi con; đồng thời căn dặn các con giữ đạo trung hiếu, đừng trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ ngãi. Nghĩa quân chôn Lê Kim ngay dưới chân Giồng Tháp. Năm đó ông vừa tròn 45 tuổi. Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối: “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.

Như vậy, không chỉ là người đầu tiên đặt chân lên đất Hoa Kỳ, Lê Kim còn là một trong những nhà yêu nước. Dù cuộc khởi nghĩa của ông “không thành công nhưng cũng thành nhân” như lời của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học đã nói.

Cuộc đời sinh động và bi hùng của Trần Trọng Khiêm được hai nhà văn hư cấu nghệ thuật trong hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề: La rueé vers l’or (Đổ xô đi tìm vàng) của Rene Lefebre (Nhà Xuất bản Dumas, 1937) và Con đường thiên lý của Nguyễn Hiến Lê (năm 1972).

Theo Nguyễn Quang Đạt