Trang chủ Nhân vật lịch sử Chuyện hoạt động của nữ thiếu tá tình báo Đinh Thị Vân

Chuyện hoạt động của nữ thiếu tá tình báo Đinh Thị Vân

Thiếu tá Đinh Thị Vân (tên thật Đinh Thị Mậu) là chỉ huy một lưới tình báo trong nội thành Sài Gòn. Bà bị bắt khi đóng vai người đi buôn (do chỉ điểm hoặc sơ suất của một thành viên trong lưới, tùy nguồn), nhưng giữ kín được thân phận cho đến khi được trả tự do.

Đánh đòn không thu được gì, bà bị chính quyền Diệm chuyển sang biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú. Đây là một trại theo mô hình trại giam của “Đoàn công tác đặc biệt miền Trung”, chuyên sử dụng những biện pháp “mềm” để làm thay đổi tư tưởng của tù chính trị.

Nữ thiếu tá tình báo Đinh Thị Vân (đứng giữa) cùng các đồng đội của mình.
Nữ thiếu tá tình báo Đinh Thị Vân (đứng giữa) cùng các đồng đội của mình.

Trong hồi ký “Tôi đi làm tình báo”, bà kể:

“Ai vào đây cũng không bị đánh đập, trái lại được ăn uống rất ngon lành. Trí thức được chăm sóc đặc biệt. Cán bộ càng cao, càng được chiều chuộng. Nếu là tỉnh ủy viên thì trưởng ban trực tiếp đến mắc màn cho, pha cà phê bưng tới, sáng sớm đã mò đến hỏi thăm giấc ngủ. Những công việc như thế tiến hành rất kiên trì, không thay đổi, không nản lòng…”

Thi thoảng, những người tù đã “hồi chánh” được cử đến thuyết phục Đinh Thị Vân. Mỗi lần như thế, bà lại giơ ra những vết thương còn chưa lành và trả lời rằng “đánh như thế này mà bảo khoan hồng à?”. Có ai thuyết giảng về sự khoan hồng với tù chính trị thì bà một mực nói rằng bà chỉ là người đi buôn không cần biết chính sách khoan hồng gì cả.

Mỗi sáng thứ 2 tổ chức chào cờ vàng ba sọc đỏ, tù nhân ở trong phòng giam cũng bị bắt phải đứng hết dậy chào cờ. Riêng bà cứ nằm một chỗ. Có hỏi thì bà bảo là tù thì không còn quyền công dân nên không chào với lại bà không chào cờ của cái chế độ bắt giữ và đánh đập bà oan ức.

Cuối năm 1963 đầu năm 1964, Sài Gòn rối loạn vì hết đảo chính lại đến chỉnh lý. Những người bị giam ở trại Lê Văn Duyệt và Sở Thú đều bị xét hỏi lại. Nhờ lúc chính quyền vừa thay đổi còn nhiều sơ hở, với bản hồ sơ “người đi buôn bị bắt oan” và nỗ lực vận động của các đồng đội nên đến ngày 18/5/1964, Đinh Thị Vân được trả tự do.

Lưới tình báo của bà đã trực tiếp chuẩn bị giao liên dẫn đường cho lực lượng ở bên ngoài đánh vào Sài Gòn, thăm dò được khả năng hiểu biết của VNCH về kế hoạch Mậu Thân, và cung cấp một phần sơ đồ phòng thủ của quân khu đô thành Sài Gòn…

Ngày 25/8/1970, Đinh Thị Vân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau 1975, bà nhận nhiệm vụ đặc biệt là giúp các cơ quan xác minh để trả lại sinh mạng chính trị cho những điệp viên trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn. Bà mất tại Hà Nội ngày 11/12/1995, thọ 79 tuổi.