Đây không phải trường hợp bị ngoại bang xâm chiếm mà là chủ động cắt đất để lôi kéo đồng minh…
Trích “Lịch sử Việt Nam: Từ nguồn gốc đến cuối thế kỷ XIX”, Đào Duy Anh:
“Tựu trung, khiến các vua Lê phải đối phó khó nhọc nhất là các bộ lạc người Thái ở miền châu Ngọc Mạ, gọi là Bồn Man. Năm 1437, Lê Thái Tông sai Lê Bôi đi đánh. Từ đó họ chịu triều cống và đến năm 1448 lại xin nội phụ.
Lê Nhân Tông lấy đất của họ đặt làm châu Quy Hợp, sau đổi làm phủ Trấn Ninh.
Nhưng sang đời Lê Thánh Tông, năm 1479, tù trưởng là Cầm Cống lại nổi lên, đem quân Ai Lao vào quấy nhiễu biên giới ta. Lê Thánh Tôn cất năm đạo quân chia đường tiến đánh Ai Lao thừa thắng tiến thẳng tới biên giới Diến Điện. Trong khi ấy thì Cầm Cống lại ngăn đường không cho quân ta qua lại đất Trấn Ninh. Lê Thánh Tông bèn quyết định thân chinh. Cầm Cống đại bại. Thế là các bộ lạc Thái ở phía Tây và phía Tây Bắc đến đời Lê Thánh Tông thì gia nhập hẳn vào bản đồ nước ta”.
Năm 1791, Trấn Ninh có loạn, theo lệnh vua Quang Trung, Trần Quang Diệu mang ba vạn quân đi đánh dẹp, bắt được hai tù trưởng Thiệu Kiểu và Thiệu Đế.
Đến đời Gia Long thì bị cắt cho Vạn Tượng, “Đại Nam thực lục” triều Nguyễn chép ngắn gọn:
“Trấn Ninh vốn là bờ cõi cũ của ta, xưa đức Tiên đế đem cho Vạn Tượng”.
(đây không phải trường hợp bị ngoại bang xâm chiếm mà là chủ động cắt đất để lôi kéo đồng minh)
Đến thời Minh Mạng, nội bộ Trấn Ninh lục đục, con tù trưởng cũ chạy sang xin hàng và phụ thuộc. Năm 1823 nhà Nguyễn đặt Phủ Trấn Ninh gồm 7 huyện để cai trị.
Cuối năm 1831, Xiêm và Việt bắt đầu đánh nhau và kéo dài suốt mười mấy năm. Trấn Ninh bị Xiêm lấn dần. Năm 1850 Xiêm kích động dân địa phương nổi dậy chống nhà Nguyễn, và hơn 16.000 km2 vùng này thuộc về quyền quản lý của Xiêm cho đến khi người Pháp sang.
Theo các điều khoản của Hiệp ước Pháp-Xiêm năm 1893, vùng Xiêng Khoảng tức Trấn Ninh thuộc quyền bảo hộ của Pháp. Khi Pháp chia các xứ Đông Dương thì đất này được xếp thuộc Lào, thậm chí cắt luôn cả phủ Trấn Biên cho Lào khiến bản đồ miền Bắc nhìn vào bị lõm 1 góc.