Trang chủ Kiến Thức Thực hư về truyền thuyết “Kinh tế Việt Nam gấp rưỡi Thái...

Thực hư về truyền thuyết “Kinh tế Việt Nam gấp rưỡi Thái Lan năm 1820”.

Từng có những thông tin cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển gấp rưỡi Thái Lan trong năm 1820. Thực hư về thông tin này như thế nào?

Nguồn duy nhất về việc này là số liệu ước tính trong Dự án Maddison. Mà bản thân Maddison lại là 1 chương trình đang hoàn thiện. Tác giả cố gắng đưa ra những thống kê ngay cả khi thiếu tư liệu, về những thời đại xưa và rất xưa. Nếu thống kê sai, những học giả khác đọc được sẽ khiếu nại, để rồi Maddison sẽ…sửa lại. Ông coi đây là 1 “chiến thuật” để chọc tức, nhằm kích những người khác góp tư liệu cho mình hoàn thiện Dự án.

Rồi, giờ ta sẽ dùng các số liệu KIỂM CHỨNG ĐƯỢC.

1. “Đại Nam thực lục chính biên” chép về năm Minh Mạng thứ nhất (1820):
– Nhân đinh (nam giới ở tuổi lao động): 620.240 người
– Ruộng đất: 3.076.300 mẫu + 26.750 khoảnh
– Thuế thóc: 2.266.950 hộc
– Tiền thuế thu được: 1.925.920 quan = 687.828 lạng bạc = 42.989 lạng vàng.
– Vàng: 580 lạng có lẻ
– Bạc: 12.040 lạng = 752.5 lạng vàng
(1 lượng vàng = 16 lượng bạc. 1 lượng bạc = 2,8 quan tiền. 1 quan = 10 tiền; 1 tiền = 60 đồng)

Vậy tổng số vàng của năm 1820 mà nhà Nguyễn có là 44.321 lạng. Một lạng thời Nguyễn có nhiều cách quy đổi, tạm lấy số lớn nhất là bằng 39.05 g, thì số vàng sẽ là 1.730.735 g = 1.370 kg = 1.37 tấn.

1.37 tấn vàng trong kho (chưa tính chi tiêu nội bộ của năm đó) đủ giàu nhất khu vực và gấp rưỡi Thái chưa?

2. Thái giàu đến mức nào? Hãy xem 1 pho tượng bằng vàng khối của họ, đúc cách thời Minh Mạng hơn nửa thế kỷ.

Năm 1765-1767 chiến tranh nổ ra. đại quân Miến Điện diệt nhà Ayutthaya. Sợ bức tượng vàng sẽ bị hôi của, người Thái trước đó đã trát bùn đất, thạch cao lên. Cố đô Ayutthaya hoa lệ sụp đổ. Tượng lăn lóc giữa đống đổ nát mà ít ai để ý. Gần 200 năm sau, đến năm 1954, khi tu sửa chùa, người ta vô tình làm bong lớp thạch cao và bất ngờ trước kho báu vô giá này.

Tượng được cấu thành từ 9 bộ phận ghép lại, nặng 5,5 tấn, cao khoảng 3 m. Lượng vàng nguyên chất lên đến 40% (2,2 tấn vàng), có phần tới 99%.

Nguồn: https://www.thaiwaysmagazine.com/bangkok/bangkok-city-tours/thai-temples/the-temple-of-golden-buddha-or-wat-traimit.html

3. Miến Điện giàu đến đâu?

Năm 1790, vua Bodawpaya cho xây Mantalagyi (Đại bảo tháp Hoàng gia), ngôi chùa được thiết kế cao tới 150 m. Mỗi ngày cần 1 vạn nhân công. Công trình hoàn thành được 1/3 thì dừng lại năm 1819 khi vua Bodawpaya qua đời.

Cũng vào thời Bodawpaya, năm 1810, người Miến đúc được chuông Mingun, nặng 90.718 kg, là quả chuông lớn nhất thế giới cho đến năm 2000. Chuông không hoàn toàn bằng đồng khi trong quá trình đúc, các Phật tử cung tiến thêm rất nhiều vàng bạc để bỏ vào, tương tự ngày nay.

Theo cuốn “Một lịch sử của Miến Điện”, Maung Htin Aung (1967), nhà xuất bản Đại học Cambridge. trang 212, 214, 215 thì đến năm 1826, Miến bại trận phải trả bồi thường cho Anh tổng cộng một triệu bảng (quy đổi ra giá vàng khi đó mua được khoảng 2.2 tấn vàng, bằng bức tượng của Thái).