Câu nói này được gán cho nhiều danh nhân, từ Napoleon đến Winston Churchill, và dùng rất phổ biến như một quan điểm ngụy biện trong các cuộc tranh luận. Nói ngắn gọn là, phần nào của lịch sử mà họ thích thì sẽ giữ lại, còn không thì chỉ đơn giản là phủ định sự kiện đó đi bằng cách gán cho nó cái mác “lịch sử do kẻ thắng viết nên”.
I. SƠ KHAI
Vào thuở đầu của bình minh nhân loại, khi chữ viết còn sơ khai và công nghệ chưa phát triển, thì quả thực lịch sử chúng ta biết ngày nay được viết từ góc nhìn của những người chiến thắng. Nhưng sau đó, khi văn tự đã tương đối hoàn thiện, khi những phát minh về nan hoa (2000 năm TCN), vành bánh xe sắt (1000 năm TCN) thì giao thương liên vùng, liên khu vực đã phát triển mạnh và lịch sử bắt đầu được ghi chép từ những nguồn khác, chẳng hạn như sứ thần và thương nhân.
Tuy vậy, lịch sử chủ đạo thời kỳ này vẫn là của kẻ thắng. Các đế quốc trỗi dậy như La Mã ở phương Tây, như nhà Tần ở phương Đông đều xóa bỏ một cách có hệ thống những “lịch sử không chính thống”, mà vụ đốt sách của Tần Thủy Hoàng có thể xem là tiêu biểu. Lịch sử cũng do người thắng viết nên khi họ hủy diệt hoàn toàn phe thua trận nên không còn tư liệu gì của bên đó nữa, ví dụ như chiến tranh La Mã-Carthage.
II. KHÁCH QUAN
Khi xã hội văn minh dần lên thì chuyện “một tay che trời” càng lúc càng khó khăn. Ở Trung Quốc cổ đại đã có lệ vua không được can thiệp vào việc chép sử, không được xem những gì sử quan viết về chính mình. Sử gia Ngụy Trưng thời Đường có nguyên tắc “làm hiền thần chứ không làm trung thần”. Sử gia Livy của La Mã viết sách không chút kiêng dè nào hết, đây là đánh giá của Livy về vị hoàng đế mà chính ông từng phục vụ: “Khi Augustus lên nắm quyền, một cuộc tắm máu lập tức diễn ra, 12 thành viên thường trực của hội đồng nguyên lão bị giết. Nói chung, người ta muốn làm gì chả được một khi đã nắm trong tay nền cộng hòa”.
Sử quan “nhà nước” đã như thế, các sử gia trong dân gian thì còn tự do hơn nữa. Một số người không chủ ý viết sử, nhưng những gì họ ghi chép vì mục đích thương mại, nhật ký, hồi ký, báo cáo……lại thành tư liệu lịch sử.
Các trường phái sử học trên thế giới trong khoảng 200 năm nay, kể cả sử học Marxist đều nhấn mạnh đến tính khách quan của tư liệu, của phương pháp tiếp cận. Dù có nhiều tranh cãi, các trường phái đều thống nhất rằng đối tượng nhận thức của sử học là một hiện thực đã diễn ra trong quá khứ một cách khách quan. Sự kiện lịch sử được xây dựng nên trước hết bởi những “chất liệu” bất biến. Các yếu tố thời gian, không gian, nội dung chỉ một lần xuất hiện và không lặp lại, đó là “phần cứng” của sự kiện. Các yếu tố này khiến cho bất kì một ý đồ nào muốn làm sai lệch nhận thức thì cũng khó có thể thực hiện.
III. GIỚI HẠN
Dù là do bên thắng hay thua viết, thì lịch sử (nhất là lịch sử hiện đại) cũng có những giới hạn hầu như không thể vượt qua được.
1. Sự kiện (Fact): Xã hội càng văn minh, lượng tri thức mà nhân loại tích lũy được càng nhiều thì càng khó để tạo ra và duy trì một sự kiện giả mà không bị phát hiện. Một vài ví dụ:
– “Sự hiến tặng của Constantine” ngày 30 tháng 3 năm 315 được duy trì trong suốt thời Trung Cổ như trụ cột của quyền lực chính trị và tôn giáo châu Âu. Năm 1441, một linh mục người Ý là Lorenzo Valla đã chứng minh một cách hết sức khoa học rằng tài liệu này là giả.
– Trận Clavijo ngày 23 tháng 5 năm 844 ở Tây Ban Nha được xem là một trong những chiến thắng quan trọng nhất lịch sử bán đảo này, là hư cấu dù được ghi chép tỉ mỉ. Năm 1812 huyền thoại về nó mới chính thức bị bác bỏ.
– Sự kiện Vịnh Bắc Bộ: Tàu Maddox của Mỹ bị tấn công khi đến gần bờ biển đến 8 hải lý (15 km) – như họ thừa nhận sau này, nhưng vẫn tuyên bố là hoạt động trong vùng biển quốc tế (12 hải lý tính từ bờ). Hai ngày sau, họ sáng tác ra một cuộc tấn công thứ hai để lấy cớ tiến hành đánh phá bằng không quân vào miền Bắc Việt Nam. Năm 2008, tài liệu giải mật chính thức của NSA mới xác nhận bản chất vụ việc.
– Bằng chứng về “vũ khí hủy diệt hàng loạt” của Iraq năm 2003 bị nghi ngờ ngay khi công bố và vài năm sau thì chính người Mỹ đã thừa nhận là “thông tin tình báo sai lầm”.
2. Không gian: Chúng ta chỉ có thể thao túng lịch sử của bản thân, không thể thay đổi lịch sử của người khác. Không quốc gia nào có khả năng ra lệnh cho phần còn lại của thế giới phải ghi chép, sửa đổi lịch sử theo ý muốn, nhất là những phần viết về chính quốc gia đó.
3. Thời gian: Ở chế độ phong kiến, các vương triều chỉ tồn tại vài chục đến vài trăm năm. Ngày nay các chính phủ thậm chí có khi chỉ tồn tại vài tháng là đã bị thay thế. Và khi đó, các quan điểm về lịch sử có thể thay đổi tùy theo tư tưởng của những người lãnh đạo mới. Nếu tương thích với dòng chảy chung của lịch sử, nó sẽ được giữ lại, còn không thì về sau sớm muộn cũng sẽ bị thay thế. Theo thời gian, khoa học phát triển (nhất là khảo cổ học) cũng cung cấp những thông tin mới, góp phần phát hiện những thứ bị che giấu một cách vô tình hay cố ý.
III. ĐA CHIỀU VÀ ĐẢO NGƯỢC
Không ít trường hợp lịch sử được tổng hợp từ cả 2 phía, chẳng hạn như Nội chiến Mỹ hay thế chiến I và II. Thậm chí do ưu thế lưu trữ và cung cấp thông tin, đã có những lần lịch sử viết nên bởi bên thua: trận Thermopylae, sự sụp đổ của Constantinople năm 1453……Ví dụ đặc biệt là chiến tranh Việt Nam, phần lớn các tài liệu lưu hành về cuộc chiến này trên thế giới hiện nay, là của người Mỹ chứ không phải người Việt.
Tóm lại, lịch sử được viết nên bởi kẻ thắng, người thua và tất cả những ai có khả năng lưu giữ nó (văn tự, truyền miệng hay như ngày nay là số hóa). Người thắng có ưu thế lớn trong việc kiểm soát mảng lịch sử phổ thông, nhưng vẫn phải chịu các giới hạn và luôn có nguy cơ bị chỉnh sửa nếu đi quá xa sự thực.
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân tác giả – Muitenbac777 -)