Trang chủ Kiến Thức Cướp biển được nhà nước…..bảo trợ (phần 1)

Cướp biển được nhà nước…..bảo trợ (phần 1)

Kỷ nguyên “hải tặc hợp pháp” chính thức bắt đầu từ năm 1243. Khi đó vua Henry III của Anh đang phải tham chiến cùng lúc với Pháp và Tây Ban Nha, nên rơi vào cảnh ngân khố sạch trơn còn thuế má thì đã quá đủ để dân chúng nổi loạn (nếu định tăng thêm). Ông và các cận thần phải vắt óc nghĩ cách kiếm ra tiền, và ngẫu nhiên ai đó đã đề xuất cho các thuyền trưởng tàu tư nhân quyền cướp bóc tàu địch, rồi chia cho hoàng gia một phần của cải khi quay về. Chiếu chỉ của Henry III viết như sau: “Nay cho phép…..được quyền tấn công kẻ thù cả trên mặt biển lẫn trên đất liền, các khanh phải nộp cho trẫm một nửa chiến lợi phẩm thu được”. Thật là một công đôi việc: triều đình vừa có thu nhập vừa có thêm tàu chiến ngoài biên chế, còn các chủ tàu tha hồ cầm giấy phép đi cướp bóc mà không sợ pháp luật trừng phạt.

Sau khi cuộc chiến đó kết thúc, các đời vua và nữ hoàng Anh tiếp theo vẫn duy trì kiểu cấp phép này (có tên riêng là Letter of Marque -thư nhãn hiệu). Một số giấy phép có hiệu lực cả trong thời bình, chẳng hạn như một nhà buôn từng bị cướp biển tấn công, có thể xin giấy phép để cướp một con tàu của quốc gia bị nghi ngờ là nơi bọn cướp biển xuất phát. Các chủ tàu hoan nghênh nó do nhận thấy cơ hội làm giàu, còn vua chúa chẳng lo buồn khi có thêm cả một hạm đội tư nhân, được ràng buộc chặt chẽ với triều đình bằng lợi ích.

(Một giấy phép cướp bóc thế kỷ 15, ghi chi tiết về những gì được làm và không được làm.)

Những giấy phép loại này thường rất đa dạng, có thể là chiếu chỉ, văn bản ủy quyền, hay thậm chí là luật (năm 1812 quốc hội Mỹ ra luật riêng, cấp giấy phép đi bắt các tàu Anh). Nguồn cấp cũng phong phú: vua, tòa án (Anh), toàn quyền thuộc địa, thống đốc bang, quốc hội, tổng thống (Mỹ)……Đơn đăng ký phải ghi rõ: Tên, hình dáng, tải trọng cùng vũ khí trên tàu, tên và nơi ở của chủ sở hữu, số lượng thuyền viên dự kiến. Lúc đầu thì chính quyền thu 50% của cải cướp được khi về cảng, nhưng sau để tránh hiện tượng tẩu tán hàng hóa, người ta bắt chủ tàu mua trái phiếu bảo đảm với giá rất đắt. Hay nói cách khác, chính quyền thu tiền trước, cấp giấy phép sau; rồi chủ tàu mang nó đi cướp bóc, lời ăn lỗ chịu.

– Nội dung một giấy phép (thư nhãn hiệu – Letter of Marque) chủ yếu có 5 mục sau:

+ Tên người sở hữu, nguyên nhân mà anh ta được phép mang nhóm người vũ trang của mình ra ngoài biên giới quốc gia. 

+ Chỉ định quốc tịch của các mục tiêu sẽ bị tấn công.

+ Cho phép tịch thu hoặc tiêu huỷ nhân lực và vật lực của mục tiêu đó.

+ Mô tả hành động mà chủ tàu được phép tiến hành, chẳng hạn như phải tuân thủ các hiệp ước, luật quốc tế hay luật của quốc gia mà chủ tàu giữ quốc tịch.

+ Các hạn chế về thời gian, loại mục tiêu, khu vực, số lượng mục tiêu…..

Ngoài ra còn rất nhiều quy định phụ khác. Năm 1405, vua Anh cấp giấy phép bắt giữ “bất kỳ kẻ thù nào của nước Anh”. Năm 1411, giấy phép của Anh ghi rằng mọi tàu Pháp đều là mục tiêu tấn công, nhưng số hàng hóa cướp được bị giới hạn trong giá trị 5250 bảng. Năm 1543, do nhu cầu chiến tranh với Pháp và Scotland mà mọi công dân Anh đều được cấp giấy phép miễn phí. Năm 1695, một giấy phép đặc biệt được phát hành chỉ để bắt tên cướp biển William Kidd. Năm 1729, Tây Ban Nha cấp phép để bắt giữ mọi tàu buôn lậu.

(Một tàu lùng của Mỹ đang tấn công tàu Anh trong chiến tranh giành độc lập Mỹ)

Các cá nhân hay tàu biển thực hiện công việc này được gọi là Privateer (tàu lùng, tàu tư hay cướp biển hợp pháp). Khi thương mại hàng hải trở nên phổ biến vào thế kỷ 15-16, nhất là lúc các mỏ vàng bạc ở châu Mỹ bắt đầu khai thác quy mô lớn, cướp biển vùng Caribbean phát triển rất mạnh khiến cho mọi tàu buôn đều phải vũ trang. Nói đến đây thì chúng ta phải phân thành 2 loại: cướp biển và cướp biển hợp pháp, tức là các tàu lùng. Các Privateer (tàu lùng) này chỉ khác tàu cướp biển ở 2 điểm: nó treo quốc kỳ chứ không phải cờ hình đầu lâu xương chéo, và hoạt động theo giấy phép của chính phủ cấp. Trong chiến tranh, tàu lùng được coi là lực lượng tư nhân hỗ trợ hải quân. Tùy theo chính sách giữa các quốc gia châu Âu thời đó mà giấy phép của nước này có thể được nước kia công nhận hay không. Khi bị quốc gia thù địch bắt giữ, nếu giấy tờ được chấp nhận, thủy thủ đoàn tàu lùng sẽ được đối xử với tư cách tù binh; còn nếu không, họ bị xem như cướp biển, sẽ bị xét xử và treo cổ.

Như mọi nghề, cơ hội luôn đi kèm rủi ro. Một tàu lùng hoàn toàn có thể đánh mất tư cách hợp pháp của mình và bị xét xử như tàu cướp biển ngay cả trong thời bình, khi bị phát hiện vi phạm các quy định về thời gian, mục tiêu, địa điểm……Việc vi phạm đôi lúc lại do lỗi khách quan, do đó các chủ tàu thường phải rất thận trọng. Trường hợp dễ thấy nhất là giấy ghi cướp tàu trong chiến tranh, do liên lạc thời xưa rất hạn chế nên nhiều chủ tàu không biết rằng quốc gia của mình đã ký hiệp định đình chiến với nước ghi trong giấy phép, và vẫn tiến hành tấn công mục tiêu khi bắt gặp. Nếu chủ quan lúc về, ông ta và thủy thủ đoàn có thể bị tòa kết án cướp biển và treo cổ.

(Treo cổ cướp biển ở Anh)

Năm 1580, khi hạm đội của cướp biển Francis Drake trở lại Anh sau 3 năm đi vòng quanh thế giới, ông ta không dám cập cảng vì không biết ai đang làm vua hay nữ hoàng, và tình hình châu Âu có gì thay đổi không. Một thủy thủ bí mật lên bờ, tìm gặp vợ Drake và bạn cũ là thị trưởng thành phố Portsmouth để thăm dò tin tức. Sau khi chắc chắn nữ hoàng Elizabeth vẫn tại vị và nước Anh vẫn đang chiến tranh với Tây Ban Nha, Francis Drake mới thở phào và đưa tàu vào cảng.

Trong thời kỳ nội chiến, giấy phép phe này sẽ bị phe kia bác bỏ, dù cùng là một quốc gia phát hành. Ví dụ, một tòa án ở Anh đã từ chối thừa nhận tính hợp pháp của giấy tờ do ngụy vương James II cấp, và treo cổ thuyền trưởng cùng toàn bộ thủy thủ đoàn một tàu lùng. Trong thời kỳ Nội chiến Mỹ, phía Liên bang miền Bắc cũng không công nhận giấy phép của Liên minh miền Nam, và ban đầu kết án treo cổ thủy thủ đoàn bị bắt. Sau khi tổng thống Liên minh miền Nam Jefferson Davis nổi giận và dọa sẽ hành quyết số tù binh là sĩ quan tương ứng, phe miền Bắc mới chịu nhượng bộ và coi những người này là tù binh chiến tranh.

– Dịch và biên tập: Muitenbac777 –