Trong hai năm 1076-1077, nước Đại Việt dưới thời vua Lý Nhân Tông đã phải chiến đấu chống lại một liên minh gồm ba nước Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp. Tình hình lúc bấy giờ rất khốn khó cho quân dân Đại Việt khi phải căng mình nghênh địch trên cả hai mặt trận bắc nam. Trong đó, chỉ riêng quân Tống thôi đã đông đến 10 vạn lính chiến đấu, 20 vạn dân phu. Đây là một đạo quân khổng lồ nếu xét theo quy mô thế kỷ 11, lại được trang bị những vũ khí tối tân. Tuy nhiên, cơ hội giành chiến thắng của Đại Việt không phải là không có, bởi liên minh chống Đại Việt không hề chặt chẽ.
Trong ba nước liên minh, ngoại trừ nước Tống là nước có sức mạnh vượt trội thì cả hai nước Chiêm Thành, Chân Lạp lúc bấy giờ đều có thực lực kém hơn rất nhiều. Về quân sự, có thể nói cả hai nước phương nam này đều yếu hơn Đại Việt, bởi đặc thù về dân cư và xã hội không cho phép họ có thể huy động những đạo quân đông đúc và đồng nhất như người Việt. Chiêm Thành lại liền năm chiến tranh loạn lạc, tuy đã có sự phục hồi nhất định dưới sự cai trị của Harivarman IV nhưng về quân lực vẫn còn khá mỏng. Vả lại, dù đã kết liên minh nhưng Chiêm Thành vẫn phải để quân trong nước đề phòng người Chân Lạp trở giáo thình lình. Vua Harivarman IV chỉ huy động 7.000 thủy quân tham chiến.
Vua Harshavarman III nước Chân Lạp thì tham gia cuộc chiến đúng với vai trò kẻ dấy máu ăn phần. Ông chỉ phái một đạo quân nhỏ đi cùng với vua Chiêm Thành và chờ đợi diễn biến cuộc chiến trước khi tung ra những lực lượng hùng mạnh. Rõ ràng, hai nước phương nam đã ỷ lại vào quân Tống. Chiêm Thành và Chân Lạp cho rằng với đạo quân khổng lồ được trang bị mạnh, nước Tống sẽ chắc thắng Đại Việt và họ chỉ việc tràn vào cướp bóc, chia chác lãnh thổ cùng chiến lợi phẩm với đồng minh phương bắc. Riêng nước Chân Lạp còn có toan tính sâu xa hơn là vừa kiếm lợi từ cuộc chiến với Đại Việt, vừa giữ được thế mạnh khống chế nước Chiêm Thành về sau. Nhưng diễn biến cuộc chiến đã không như toan tính của họ. Binh hùng tướng mạnh của nước Tống đã không thắng nổi ý chí và sức mạnh của quân dân Đại Việt. Thái úy Lý Thường Kiệt đã phán đoán đúng và đưa ra những lựa chọn chính xác. Trọng tâm của cuộc chiến rốt cuộc vẫn là ở chiến trường phía bắc Thăng Long. Những lực lượng hùng mạnh nhất của nước Đại Việt đã được bố trí ở đó để ngăn chặn bước tiến của quân Tống. Trong khi ở mặt trận phía nam, chỉ có những lực lượng mỏng yếu, phối hợp với dân quân đánh cầm chừng với liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp.
Trận Như Nguyệt diễn ra từ giữa tháng 1/1077 đến cuối tháng 2/1077 kết thúc với chiến thắng thuộc về quân Đại Việt đã trở thành chìa khóa quyết định cục diện cuộc chiến. Sau gần 2 tháng chiến đấu, tướng Tống là Quách Quỳ đã buộc phải giảng hòa với Đại Việt, tránh cho mình nguy cơ toàn quân bị diệt. Cho đến thời điểm Tống – Việt nghị hòa, liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp đã chiếm được khá nhiều vùng đất phía nam nước Đại Việt. Các châu Minh Linh, Bố Chính, Lâm Bình đều thất thủ. Liên quân dưới sự chỉ huy của vua Harivarman IV đã tiến đến châu Nghệ An. Trong khi đó, ở Chân Lạp vua Harshavarman III đang chuẩn bị phái một đạo quân thứ hai sang chi viện cho quân Chiêm Thành. Nhưng đó là tất cả những gì liên quân Chiêm Thành – Chân Lạp có thể làm được. Nghệ An lúc bấy giờ là một châu quan trọng, quân Đại Việt quyết tâm phòng thủ ngăn chặn kẻ địch. Trong năm 1077, sau khi nghị hòa xong xuôi với Tống, Thái úy Lý Thường Kiệt liền tổ chức phản công toàn diện. Lúc này thì liên quân không phải là đối thủ của quân Đại Việt. Rất nhanh chóng, quân Chiêm Thành và Chân Lạp bị đánh bật khỏi những vùng đất mới chiếm được. Quân Đại Việt thừa thắng đuổi sang đất Chiêm, chiếm lấy kinh thành Vjiaya. Đất nước Chiêm lại một phen chấn động. Vua Harivarman IV cùng các lực lượng thân tín phải rút lên vùng cao nguyên cố thủ và gởi sứ giả đến doanh của Thái úy Lý Thường Kiệt để cầu hòa. Quân Đại Việt tuy đang thế mạnh, nhưng việc chiếm đóng đất đai Chiêm Thành ắt sẽ lại dẫn đến một cuộc chiến dài ngày hao người tốn của. Đây là điều mà triều đình Thăng Long không mong muốn bởi đất nước vốn đã chịu nhiều vết thương chiến tranh. Sau khi cân nhắc, ngài Thái úy chấp nhận hòa đàm với điều kiện vua Chiêm phải chịu thuần phục và triều cống nước Đại Việt. Vua Harivarman IV lập tức đồng ý điều kiện đó và quân Đại Việt rút lui trên thế chiến thắng, hai nước đã thiết lập lại hòa bình.
Trong khi hai nước Đại Việt – Chiêm Thành đạt được thỏa thuận hòa bình thì đạo quân tiếp viện của Chân Lạp đã tiến sang đóng ở đất Panduranga của nước Chiêm. Chủ tướng của Chân Lạp là hoàng thân Sri Nandanavarmadeva khi hay tin Chiêm – Việt nghị hòa đã lấy cớ nước Chiêm Thành phản bội đồng minh mà chiếm luôn thành Panduranga. Từ chỗ là đồng minh của nhau, hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp bỗng chốc lại đổi thành kẻ thù. Thật ra đây là một sự trở mặt của chính người Chân Lạp, với những toan tính nước đôi từ ban đầu. Một nhánh quân Chân Lạp tiến đánh miền bắc Chiêm Thành, tàn phá thánh địa Mỹ Sơn. Từ cả hai hướng bắc và nam, quân Chân Lạp hình thành thế gọng kìm bao vây kinh thành Vjiaya của Chiêm Thành. Vua Harivarman IV một mặt lãnh đạo các lực lượng quân dân người Chiêm chống trả quyết liệt, mặt khác gởi thư cầu cứu triều đình Đại Việt. Với tư cách là nước bảo hộ, Đại Việt chấp nhận gởi quân sang cứu nước Chiêm. Một lần nữa Thái úy Lý Thường Kiệt lãnh trọng trách dẫn quân nam tiến. Được sự giúp đỡ của quân Đại Việt, vua Harivarman IV nhanh chóng lật ngược tình thế và đuổi đánh quân Chân Lạp chạy dài. Quân Chiêm Thành thừa thắng đuổi sang tận lãnh thổ Chân Lạp, hoàng thân Chiêm Thành là Pramabhodisattva cầm quân viễn chinh tận diệt đội quân của Sri Nandanavarmadeva trong một trận thủy chiến trên Biển Hồ. Thất bại này khiến cho Chân Lạp mất đi đáng kể những thành phần tinh túy trong quân đội của mình. Kế đó, quân Chiêm chiếm được thành Shambhupura của Chân Lạp và đốt phá tan hoang thành phố này.
Giai đoạn này có thể thấy trong khu vực liên tiếp diễn ra những cuộc chiến tranh đẫm máu lôi kéo hàng loạt quốc gia. Ngọn lửa chiến tranh đã liên tục dịch chuyển từ nước này sang nước khác. Sau khi thực hiện những đòn trả đũa mạnh mẽ đối với nước Chân Lạp, quân Chiêm Thành rút đi với số chiến lợi phẩm nhiều vô kể. Vua Harivarman IV từ đó bắt tay vào cuộc tái thiết đất nước và ngăn chặn những nguy cơ nội loạn, ly khai trong nước. Các đền đài và kinh đô được khẩn trương xây dựng lại. Nước Đại Việt kể từ sau cuộc chiến với Tống cũng đã tập trung vào việc xây dựng đất nước, củng cố nội trị. Vua Lý Nhân Tông với sự phò tá của Linh Nhân hoàng thái hậu, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành đã mở ra một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử Việt Nam. Về phía Chiêm Thành, dưới thời kỳ cai trị của vua Harivarman IV, nước Chiêm Thành thực hiện đường lối ngoại giao mềm mỏng với Đại Việt, chấp nhận vị thế nước phiên thuộc để đổi lấy hòa bình. Qua đó, Chiêm Thành cũng được rảnh tay mạn bắc mà đề phòng nước Chân Lạp, vốn cũng là một nước lớn trong khu vực thời bấy giờ, mặc dù binh lính không tinh nhuệ như Đại Việt nhưng đất rộng, người đông. Với những thành tựu về xây dựng và bảo vệ đất nước, vua Harivarman IV trong ký ức người Chăm cũng được xem là một vị vua anh hùng.
Quốc Huy/Một Thế Giới