Ngô Đình Nhu từng tuyên bố rằng ông ấy chống Cộng về mặt học thuyết, và chủ trương tạo ra một hệ thống lý luận riêng để làm đối trọng, quy tụ lực lượng. Nhu viết Chính Đề Việt Nam là tác phẩm thể hiện tư tưởng (trên danh nghĩa) của mình, có lẽ dự định dùng tác phẩm này để đào tạo đội ngũ thân tín cho mình và định hướng công luận cho toàn xã hội. Bài viết không đi sâu vào nhận định, phân tích, nhặt sạn tác phẩm này, chỉ có một điểm đáng lưu ý trong Chính Đề Việt Nam là Nhu chia xã hội làm hai vế, thiểu số lãnh đạo và đa số chịu lãnh đạo. Nhu cho rằng trong thời kỳ bất thường, mâu thuẫn dâng cao, việc thiểu số lãnh đạo huy động nguồn lực của đa số chịu lãnh đạo một các bất thường là cần thiết. Và đôi khi cộng đồng không hiểu được dẫn đến phản tác dụng, gây hậu quả nghiêm trọng. Để chứng minh cho luận điểm của mình, Nhu viện dẫn về Hồ Quý Ly. Xin trích đoạn lại :
“Trong những thời kỳ phải đương đầu với nhiều thử thách quyết liệt, vận mạng của cộng đồng bị đe dọa, thiểu số lãnh đạo bắt buộc phải đòi hỏi ở đa số chịu lãnh đạo nhiều cố gắng phi thường, nhiều hy sinh nặng nề và nhiều đóng góp to tát. Nhưng nếu trong hoàn cảnh đó, đa số chịu lãnh đạo lại không ý thức đúng mức vấn đề của cộng đồng, thì chẳng những sự góp phần của họ sẽ miễn cưỡng và không xứng đáng, mà lại còn sẽ phát sinh một hiện tượng tâm lý rất nguy hiểm cho cộng đồng. Vì tin rằng bị cưỡng bách đóng góp một cách quá đáng vào một công cuộc mà họ không hiểu, đa số chịu lãnh đạo càng ngày càng bất mãn đối với thiểu số lãnh đạo. Và lần lần sự bất mãn biến thành căm thù và cuối cùng vùng lên thành phẫn nộ. Đến cực độ này, đa số chịu lãnh đạo sẽ trở thành một công cụ sắc bén cho bất cứ một kẻ ngoại xâm nào biết thừa cơ hội đứng lên khoác áo nghĩa hiệp giải phóng cho đa số tự cho là bị thiểu số lãnh đạo bóc lột.
Trong lịch sử của chúng ta, sự thất bại của nhà Hồ và cuộc xâm lăng nước ta của quân Minh tiếp theo đó, là một sự kiện lịch sử điển hình cho trường hợp vừa phân tích trên đây. Hồ Quí Ly quyết định thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện cho dân tộc Việt Nam. Xét lại sử liệu, cuộc cách mạng theo nhà Hồ quan niệm, nếu thành công đã thay đổi hẳn cuộc tiến hóa của dân tộc. Nghĩa là con đường nhà Hồ đã vạch ra là con đường vô cùng lợi ích cho cộng đồng. Nhưng Hồ Quí Ly, để thực hiện chương trình, đã cưỡng bách đa số chịu lãnh đạo đóng góp nặng nề, trong khi đa số không ý thức được vấn đề của cộng đồng. Và những biến cố đã xảy ra như ta đã biết: Quân Minh đã lấy danh nghĩa giải thoát dân tộc Việt Nam khỏi tay một tên soán ngôi, để cướp cả nước của chúng ta.”
Nhận định riêng :
Về mặt luận điểm, Nhu không sai khi cho rằng có những trường hợp mục tiêu đúng đắn nhưng thực hiện sai lầm khiến quần chúng phẫn nộ, dẫn đến bị lợi dụng. Ví dụ về Hồ Quý Ly thì có vẻ khập khiểng vì “cuộc cách mạng” của Hồ Quý Ly phần lớn xuất phát từ những động cơ cá nhân, gia tộc. Các chính sách hạn điền, hạn nô của Hồ Quý Ly thực chất là để phá đi gốc rễ của các quý tộc triều đại cũ. Hồ Quý Ly cũng có cố gắng ổn định xã hội và tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng ông ta không có động cơ vì lợi ích cho cộng đồng. Việc cho rằng thất bại của nhà Hồ là do cộng đồng không ý thức được vấn đề là không thỏa đáng. Thất bại của nhà Hồ chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân quân sự, ngoại giao. Việc Nhu lấy quân Minh làm dẫn chứng cho luận điểm “khoác áo nghĩa hiệp” còn có hàm ý ám chỉ Việt Minh, đối thủ mà Nhu và họ Ngô mãi mãi không thể sánh được. Nhưng rốt cuộc thì nhìn lại anh em họ Ngô và đồng minh Mỹ lại giống quân Minh hơn. Trong Chính Đề Việt Nam thì Nhu cũng thường lặp lại luận điểm Việt Nam là nước nhược tiểu, dường như chủ ý để làm cơ sở lý luận cho việc dựa vào Mỹ.
-nguoilytuong90- (bài viết thể hiện văn phong và ý kiến chủ quan của tác giả)