Trang chủ Kiến Thức QUAN HỆ GIỮA ĐẾ QUỐC OTTOMAN VÀ ĐẾ QUỐC BYZANTINE (1299 –...

QUAN HỆ GIỮA ĐẾ QUỐC OTTOMAN VÀ ĐẾ QUỐC BYZANTINE (1299 – 1453) [PHẦN I]

Đặng Văn Chương, Trần Đình Hùng

(Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)

I. Vài nét về đế quốc Byzantine và Ottoman

Đế quốc Byzantine tồn tại từ năm 330 đến năm 1453, thủ đô được đặt ở Constantinople. Trước khi thành lập, phạm vi của Byzantine nằm trong lãnh thổ của Đế chế La Mã. Đến thời trị vì của hoàng đế Constantine I (306-337), ông đã cho chuyển kinh đô từ Roma về thành phố Constantinople. Năm thành lập kinh đô mới (11/05/330) được xem là năm khởi đầu của Byzantine. Khi Constantine I mất, đế quốc bị các con trai ông phân chia thành hai miền Đông (thủ đô đặt tại Constantinople) và Tây (thủ đô ở Roma).

Trong khi Romulus Augustus, hoàng đế cuối cùng của đế quốc phía Tây bị một thủ lĩnh người Germain tiêu diệt, đế quốc Tây La Mã sụp đổ (476), thì đế quốc phía Đông vẫn tiếp tục tồn tại, từng bước vươn lên thành một cường quốc có vai trò quan trọng ở châu Âu và được xem là một trong những trung tâm của Kitô giáo lúc bấy giờ. Dưới thời Justinian, vị hoàng đế cầm quyền từ năm 527 đến năm 565, lợi dụng lúc các vương quốc “man tộc” (barbarian) ở Tây Âu chưa ổn định, Byzantine đã tiến hành mở rộng bờ cõi sang Bắc Phi, Đông Nam Tây Ban Nha và bán đảo Italia. Nhà nước Byzantine phát triển theo con đường chế độ phong kiến trung ương tập quyền, tiến hành củng cố và cải cách quân đội, thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo như giữ gìn mối quan hệ hữu hảo với vương quốc Franc hùng mạnh ở phía Tây.

Bản đồ đế chế Byzantine năm 555 Công Nguyên

Từ nửa sau thế kỷ thứ XI trở đi, Byzantine không chỉ là một cường quốc hùng mạnh mà còn là một trung tâm về tôn giáo – Chính thống giáo (Orthodoxe) và dưới ảnh hưởng của Byzantine nhiều dân tộc như Bulgari, Nga… đã đi theo dòng nhà thờ Chính thống. Nhưng từ cuối thế kỷ XI trở đi, do sự mâu thuẫn, suy yếu từ trong nội bộ, lãnh thổ chiếm đóng trước đây của đế quốc Byzantine bị thu hẹp nhiều trước sự xuất hiện của người Norman từ Bắc Âu và người Seljuks từ vùng Trung Á. Từ thế kỷ XIV trở đi, đế quốc Byzantine bước vào thời kì khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng.

Nhà nước Ottoman ra đời vào thời kì mà ở vùng Trung Cận Đông đang diễn ra những biến chuyển lớn. Những cuộc thiên di của các tộc người từ Tây sang Đông và ngược lại, các quốc gia – dân tộc hình thành rồi bị tiêu diệt, các đế quốc hưng thịnh rồi lại tiêu vong,…đã tạo nên những xáo trộn lớn ở Trung Cận Đông. Quốc gia Ottoman hình thành là kết quả của sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của những biến động ấy, nhất là sự hình thành rồi diệt vong của đế quốc Thổ Đại Seljuks và cuộc tây chinh của người Mông Cổ (Mongols). Từ thời tiền sử, có một nhóm người di trú khắp vùng Trung Á trên một địa bàn rộng lớn từ Pamir đến Yenissei đến Volga và núi T’ien Shan. Đây là những cộng đồng người có tổ chức lỏng lẽo nói tiếng Finno Ugric, Turkish và Mongolia [8]. Một tộc người trong những cộng đồng ấy có được gọi là Prototukic (nghĩa là Người Thổ đầu tiên) đã đến định cư ở phía Tây và Tây Bắc Trung Quốc. Họ chính là tổ tiên của người Thổ ngày nay. Lần đầu tiên lịch sử nhắc đến sự hiện diện của người Thổ ở Trung Quốc là khoảng năm 200 TCN. Chữ viết sớm nhất của họ cũng đã được tìm thấy ở khu vực này, có niên đại vào khoảng năm 730 [9]. Người Thổ sống cuộc đời du mục, chăn nuôi cừu, ngựa và lạc đà. Không chịu sống dưới ách thống trị của nhà Đường, họ đã di chuyển dần sang phía Tây. Cuộc thiên di của người Thổ không gặp một trở lực đáng kể nào, trái lại còn gặp hoàn cảnh thuận lợi là đế quốc Ảrập Baqda (vương triều Abbasid) và đế quốc Byzantine thống trị ở Trung Cận Đông đều đang suy yếu và trên bước đường tan rã.

Bản đồ Đế chế Ottoman qua các thời kỳ

Gốc của dân tộc Ottoman là người bộ tộc Kai thuộc tộc Oğuz Turks, là một nhánh của người Thổ du mục đã di trú sang phía Tây từ miền Trung Á vào thế kỷ thứ X. Trong quá trình sinh sống, người Thổ ở Tây Anatolia (Tây Tiểu Á) đã đồng hoá với cư dân địa phương (chủ yếu là người Hi Lạp) để tạo nên lớp người Thổ mới. Tên gọi chính thức người Thổ Ottoman được dùng khi Osman I (tiếng Ả rập là Uthman) – con của Ertuğul, tuyên bố sự độc lập của nhà nước Thổ vào năm 1299 [12]. Sự ra đời của Nhà nước Ottoman chứng tỏ một thế lực mới đang hình thành ở vùng Cận Đông và dần dần chi phối vùng đất này trong nhiều thế kỷ.

II. Về quan hệ giữa hai đế quốc (1299 – 1453)

Mối quan hệ của hai đế quốc diễn ra trong vòng 154 năm kể từ khi thành lập Nhà nước Ottoman (1299) cho đến khi đế quốc Byzantine hoàn toàn sụp đổ (1453). Lịch sử dân tộc Thổ là một sự nối dài giữa quá trình thiên di với chiến tranh và xâm chiếm đất đai của các dân tộc khác. Nhà nước Ottoman ra đời cũng là sản phẩm của bối cảnh lịch sử ấy.

Có thể nói trong dòng máu người Ottoman đã mang nặng tư tưởng bành trướng. Osman I (tiếng Thổ là Osman Oğlu) khi đã trở thành vua của tiểu quốc nhỏ ở tận cùng phía Tây Tiểu Á (The West of Asia Minor) đã sớm bộc lộ tham vọng lớn lao, ở trong nước thì dẹp yên những cuộc xung đột, ở bên ngoài thì ra sức mở rộng đất đai, mà trước hết là nhằm vào lãnh thổ của đế quốc Byzantine. Đế quốc Byzantine mặc dù đã suy yếu nhưng vẫn là một đế quốc giàu có với nền kinh tế phát triển nhất châu Âu thời bấy giờ, quan trọng hơn là nó nằm vào một vị thế chiến lược trọng yếu, là cầu nối hai lục địa Á – Âu và án ngữ con đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, mà bất cứ thế lực nào cũng muốn chiếm lấy.

Quá trình mở rộng đất đai của người Thổ Ottoman gặp điều kiện hết sức thuận lợi: Có khả năng may mắn nhất trong số những người thừa hưởng cơ nghiệp Seljuks ở Tiểu Á, người Ottoman – định cư ở tỉnh Bithynie, đối diện với Constantinople qua eo biển có thể mở rộng lãnh thổ về phía Tây đế quốc Byzantine khi đế quốc này đang suy yếu nghiêm trọng; dân chúng ở vùng này vốn đã thù ghét những viên chức hà khắc và bất lực của các viên quan lại Byzantine, hướng về người Ottoman. Nhiều người Hi Lạp ở đây đã cải sang Hồi giáo. Quan trọng hơn, chiến tranh chống lại Byzantine của vua Ottoman được người dân Thổ ủng họ vì xem đó là cuộc “Thánh chiến” chống lại “dị giáo” (Cơ đốc giáo). Người Ottoman âm mưu thay thế vai trò của đế quốc Byzantine ở vùng Trung Cận Đông. Còn đối với người Byzantine, trước dã tâm của Ottoman, họ hết sức lo sợ. Các hoàng đế Byzantine tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại của quốc gia, kéo dài quyền cai trị của họ. Vì vậy, dòng chính yếu trong quan hệ giữa hai đế quốc là sự đối địch nhau, là sự đấu tranh để “giữ” và “giành” giữa họ với nhau.

Để chống lại nguy cơ bị thôn tính, theo chúng tôi các hoàng đế Byzantine đã thực hiện hai phương cách chủ yếu sau đây:

– Thứ nhất, Byzantine dựa vào Ottoman, chấp nhận thân phận của một nước chư hầu. Hằng năm, Byzantine phải cống nạp cho đế quốc Ottoman và phải xuất binh trợ chiến trong các cuộc chiến tranh của Ottoman khi hoàng đế Ottoman yêu cầu cùng những yêu sách khác… Đổi lại, hoàng đế Ottoman sẽ “bảo hộ” cho Byzantine. Ví như năm 1353, theo lời thỉnh cầu của hoàng đế Byzantine, Jonh Cantacuzene hay Jonh VI, quân Thổ đã xuất binh đánh bại quân Serbi (một trong những kẻ thù của Byzantine). Vào các năm 1379, 1391, vua Byzantine, Jonh V nhờ Ottoman giúp đỡ để giành lại vương quyền [5]. Tuy nhiên, phương thức này là một sợi chỉ mong manh nên rất dễ tan vỡ, vì người Thổ trước sau như một muốn thôn tính toàn bộ đế quốc Byzantine, đặc biệt là kinh thành Constantinople tráng lệ. Nhưng trong một thời gian dài người Ottoman mãi vướng bận việc chinh phục vùng Đông Nam châu Âu. Mặt khác quân đội Ottoman chưa đủ sức để công phá thành Constantinople rất kiên cố và hiểm yếu, cho nên, họ tạm thời chấp nhận Byzantine làm nước chư hầu để thu lợi và tăng cường lực lượng cho đế quốc của mình.

– Thứ hai, các hoàng đế Byzantine tìm kiếm sự giúp đỡ từ Giáo hoàng La Mã và các nước phong kiến phương Tây để chống lại đế quốc Ottoman. Byzantine tìm kiếm phương thức này, vì họ nhận thức được ý đồ thôn tính nguy hiểm của người Thổ nên buộc họ phải tìm cách dựa vào thế lực của phương Tây – Thiên chúa giáo (mà họ cũng không ưa thích gì vì đã có nhiều mâu thuẫn và xung đột trong quá khứ). Cụ thể, vào năm 1369, Jonh V diện kiến Giáo hoàng ở Avignon (Pháp) và đồng ý hợp nhất với giáo hội La Mã nhằm đổi lại sự hậu thuẫn của phương Tây trong việc chống lại quân Thổ. Năm 1439, tại Công đồng Florence, hoàng đế Jonh VIII đến Italia chấp nhận hợp nhất với La Mã, chủ yếu theo điều khoản của Giáo hội La Mã, để đổi lấy sự trợ giúp. Điều này làm dân chúng Byzantine, chủ yếu là người Hy Lạp chống đối, hoàng đế Byzantine đã không đủ quyền lực để áp đặt sự thống nhất các giáo hội lên dân chúng, nhiều tín đồ Chính thống giáo thà chịu sự thống trị của người Thổ Ottoman hơn là khuất phục những người phương Tây Thiên chúa giáo. Các hoàng đế Byzantine đã cố gắng một cách tuyệt vọng và không thành công để thuyết phục phương Tây giúp đỡ về quân sự nhằm chống lại Ottoman. Chính sách hai mặt của các hoàng đế Byzantine không mang lại kết quả do cả phương Tây và Ottoman đều có tham vọng xâm chiếm Byzantine. Trên thực tế, Byzantine đã bị kẹp giữa hai thế lực Đông – Tây mà không cách nào thoát ra được.

Đế quốc Ottoman dần dần xâm chiếm và cuối cùng nuốt chửng Byzantine

Quan hệ Byzantine và Ottoman đã diễn ra trong khoảng thời gian khá lâu dài, theo chúng tôi đã có thể chia quá trình đó thành các giai đoạn chính:

1. Từ năm 1299 đến năm 1331:

Cho đến năm 1299, Osman I đã chiếm một phần lãnh thổ của Byzantine ở Tiểu Á với diện tích khoảng 5000 km². Năm 1302, Osman I chiếm trọn vùng bình nguyên phì nhiêu Bithynia của Byzantine. Năm 1326, người Ottoman chiếm pháo đài Brus rồi chuyển kinh đô đến Bursa và thiết lập bước đầu chế độ chính trị của một quốc gia. Với nhiều chiến công hiển hách, Osman I – Nhà sáng lập vương quốc, đã được tặng danh hiệu là “Kara” (dũng cảm) hay “người chiến sĩ đấu tranh vì niềm tin”[1, tr.112]. Ông được ngưỡng mộ như một nhà cai trị mạnh mẽ và năng động trong suốt một thời gian dài sau khi qua đời. Người Thổ đã lưu truyền một câu nói nổi tiếng: “May he be as good as Osman” (Tạm dịch là: Có lẽ anh ấy tốt như Osman)[13]. Danh tiếng của Osman I còn được ca tụng trong những câu chuyện của người Thổ ở thời Trung cận đại mang tên “Giấc mơ của Osman”, một câu chuyện thần thoại kể về thời trẻ của Osman I và những chiến công chinh phục đất đai, mở rộng lãnh thổ của ông.

Con trai của Osman I là Orkhan (1326-1359) tiếp tục mở rộng đất đai cho tiểu quốc vùng biên địa. Orkhan đã tổ chức ra một đội quân hùng mạnh trong đó chủ lực là bộ binh, bộ phận nòng cốt là quân nô lệ thường trực Janissaries (nghĩa là “lính mới”), kị binh (được vũ trang

Lính Janissary (giữa) vào thế kỷ 14. Tranh minh họa của Osprey.

nhẹ với thanh kiếm cong nổi tiếng) và pháo binh yểm trợ. Nhờ có lực lượng quân sự mạnh, Orkhan và những người kế nghiệp đã xâm chiếm Tiểu Á và phần lớn bán đảo Balkans. Orkhan đã chiếm các thành phố lớn của Byzantine như Nikea và Nikomedia (Izmit)* . Đến năm 1331, chính quyền Osman đã làm chủ toàn vùng bộ khu vực kinh tế quan trọng Tiểu Á của Byzantine, kéo dài từ Bursa đến Tolkat [4, tr.105].

Giai đoạn từ 1299 đến 1331 đánh dấu sự ra đời và bước đầu bành trướng của Ottoman trên phần đất bán đảo Tiểu Á của Byzantine, mở ra sự đối đầu trong quan hệ giữa hai quốc gia. Sau khi làm chủ được phần lớn Tiểu Á trước sự bất lực của Byzantine, người Thổ quyết định tiến xa hơn vào đất đai của Byzantine ở bán đảo Balkans. Từ 1331 đến 1363: Vào giữa thế kỷ XIV, biên giới nhà nước Ottoman ở Tiểu Á đã chạm biên giới của các vương quốc Thổ hùng mạnh hơn: Karaman và Ghermin. Chiến tranh với các nước này không phải dễ dàng và càng không thể giành thắng lợi nhanh. Vì vậy, đối tượng xâm lược của Ottoman là lãnh thổ của Byzantine ở bên kia eo biển Dardanell và Bosphore.

Năm 1354, nhân cơ hội một hoàng thân lưu vong Byzantine nhờ người Ottoman giúp đỡ, quân đội Ottoman đã vượt qua eo biển Dardanell, đánh chiếm bán đảo Galipoli. Chẳng bao lâu, người Thổ chiếm phần lớn tỉnh Thrace gần đó. Năm 1362, người Thổ chiếm được Adrianopol của Byzantine và năm 1363, họ thiên đô về Adrianopol, một thành phố châu Âu, bỏ Constantinple lại phía sau. Constantinople giờ bị người Thổ bao vây tứ phía và chỉ còn liên lạc với phương Tây bằng đường biển.

Đến nửa sau thế kỷ XIV, lãnh thổ Byzantine chỉ còn kinh thành Constantinople, vùng phụ cận và một vài đảo nhỏ. Để tồn tại, các hoàng đế Byzantine phải kí các thỏa ước thua thiệt và đôi khi phải chịu thần phục các vua Thổ. Đế quốc Byzantine tồn tại đến năm 1453, phần lớn là vì người Thổ mãi lo chinh phục vùng Balkans trước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Ngọc Thái (chủ biên), “Văn minh nhân loại những bước ngoặt lịch sử”, NXB Văn hóa thông tin, H., 2002.

2. J.M. Roberts, “History of the World”, Oxford university press, Great Britain, 2003.

3. Đặng Đức An, Phạm Hồng Việt, “Lịch sử thế giới trung đại”, quyển 1, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, Hà Nội, 1978.

4. Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn, “Lịch sử Trung Cận Đông”, NXB Giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000,