Trang chủ Nổi bật Lịch Sử Nam Tiến Người Kinh Việt (Phần 1) – Kỳ 5...

Lịch Sử Nam Tiến Người Kinh Việt (Phần 1) – Kỳ 5 : Thời kỳ “nước Hoàn Vương” trong lịch sử người Chăm

Kỳ 4

Kể từ giữa VII, những biến động lớn đã khiến sử sách Trung Hoa về sau không còn gọi đất nước của người Chăm là Lâm Ấp mà dùng những tên gọi khác. Thật ra, cái tên Lâm Ấp chỉ là cách gọi của sử Trung Hoa và về sau sử Việt chép theo tên gọi này. Ngày nay chúng ta tạm chấp nhận vì hiện tại vẫn chưa thể tìm hiểu chính xác quốc hiệu thuở ban đầu của đất nước Chăm là gì.

Theo đặc thù địa lý bị chia cắt bởi những dãy đồi núi và sông, phần đất đai chính thống của người Chăm vốn chia làm năm xứ :

– Xứ Indrapura bao gồm đất đai tương ứng với ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay. Xứ này thường xuyên bị chiếm qua chiếm lại giữa người Chăm và các thế lực đô hộ phương bắc ( về sau này đến lượt người Việt tranh chấp với người Chăm ). Cư dân vùng này là sự pha trộn giữa người Việt cổ và người Chăm cổ.

– Xứ Amaravati tương ứng với hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Xứ này từng là vùng trung châu của người Chăm qua nhiều thế kỷ.

– Xứ Vijaya tương ứng với tỉnh Bình Định ngày nay là vùng thương cảng quan trọng của cả đất nước

– Xứ Kauthara tương ứng với tỉnh Khánh Hòa ngày nay

– Xứ Panduranga tương ứng với hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Xứ này có cư dân pha trộn với người Phù Nam. So với nhóm cư dân phía bắc họ có một số khác biệt nhất định về nhân chủng và ngoại hình nhưng vẫn được coi là người Chăm bởi có chung cội nguồn văn hóa và lịch sử.

Ngoài năm xứ này thì đất Tây Nguyên là vùng ảnh hưởng của người Chăm. Nơi mà họ khai thác tài nguyên, chăn bắt người làm nô lệ và rút lui về thủ hiểm khi gặp địch họa. Một số tộc người Thượng (Chu Ru, Ba Na, H Rê) có mối quan hệ tốt với người Chăm, thường được các quý tộc Chăm tin tưởng gởi gắm của cải và làm hậu phương cho quân đội Chăm. Một số tộc người khác thì là đối tượng bóc lột của các triều đại người Chăm.

Từ lâu thì trong mỗi xứ đều có những tiểu vương giữ quyền tự trị nhất định và phục tùng triều đình trung ương nước Lâm Ấp. Nhưng kể từ khi quân đội của nhà vua thất bại muối mặt trước quân Tùy, tình hình đã trở nên không thể kiểm soát.

Cuộc chiến đẫm máu với quân đội nhà Tùy năm 605 đã khiến nền tảng của nước Lâm Ấp bị lung lay tột độ. Nước Lâm Ấp bị mất đi thành Phật Thệ (Kandapurpura) cùng với phần lãnh thổ quan trọng ở phía bắc. Lưu Phương chẳng những chiếm đóng thành Phật Thệ mà còn xua quân cướp phá kinh thành Sư Tử (Simhapura) khiến vua Lâm Ấp bấy giờ là Phạm Chí ( hay Phạm Phạn Chi tức Sambhuvarman) phải bỏ thành chạy, quân dân người Chăm thương vong không thể kể xiết. 10 năm sau, nhà Tùy suy yếu, Phạm Chí đem quân chiếm lại được thành Sư Tử. Một vài năm sau nữa, người Chăm nổi dậy chiếm lại thêm một số phần đất đã mất khi nhà Tùy sụp đổ. Tuy nhiên, triều đình Lâm Ấp đã không còn giữ được sự thống nhất của đất nước nữa.

Các tiểu vương ở các xứ vừa bất mãn triều đình, vừa nhân cơ hội triều đình suy yếu mà nổi lên tự giữ lấy đất đai. Lâm Ấp từ đó bước vào thời kỳ phân liệt. Mãi sang thế kỷ thứ VIII, xứ Panduranga trở nên hùng mạnh và khuất phục được các xứ còn lại. Tiểu vương xứ Panduranga là Bhadravarman II sau khi thống nhất đất nước đã lên ngôi, xưng là Prithi Indravarman vào năm 758. Quốc hiệu mà nhà vua đặt cho đất nước mình là Champa ( hoặc Campa ), và nhiều khi cũng tự xưng quốc hiệu là Panduranga vốn là tên lãnh địa của mình. Sử sách Trung Hoa từ đây trở đi gọi đất nước của người Chăm là “nước Hoàn Vương”. Kinh đô của nước này sau đó được dời từ Simhapura sang kinh thành mới là thành Hùng Tráng (Virapura, thuộc Ninh Thuận ngày nay).

Thời kỳ nước Hoàn Vương, người Chăm phía nam chiếm ưu thế, tạo nhiều ảnh hưởng lên các cộng đồng người Chăm phía bắc. Văn hóa Ấn vốn được người Panduranga tiếp thu mạnh mẽ từ nước Phù Nam xưa kia, nay được lan truyền mạnh mẽ khắp cả nước khiến cho dân tộc Chăm vốn đã trải qua những giai đoạn Ấn hóa, nay lại càng Ấn hóa nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc người Chăm dứt bỏ hoàn toàn lớp áo của văn hóa Hán, chính thức bước vào hàng ngũ những nước theo văn minh Ấn Độ. Cùng với đó, những bản sắc của cư dân Chăm cổ đại vẫn tồn tại và duy trì.

Các vua Hoàn Vương không còn giữ thái độ hiếu chiến với phương bắc như trong thời kỳ Lâm Ấp mà chủ động kết bang giao với đế quốc Đường. Đây là một trong những nền tảng hưng thịnh cho nước Hoàn Vương. Thế nhưng thế kỷ VIII là thời mà hai thế lực hiếu chiến khác vươn lên mạnh mẽ. Người Khmer sau khi diệt nước Phù Nam vẫn tiếp tục đà bành trướng, luôn chực chờ đánh cướp Hoàn Vương từ hướng tây và hướng nam. Ngoài phía biển, người Java (thuộc Indonesia ngày nay) dưới triều các vị vua Cailendra luôn coi mình là vua của thiên hạ và tìm cách đứng chân trên đất liền. Nhà Cailendra luôn nhòm ngó những vùng đất duyên hải giàu có của người Chăm. Đó quả thực là những mối đe dọa thường trực và nghiêm trọng.

Năm 774, quân đổ bộ cướp phá hai xứ Kauthara và Panduranga. Vua Prithi Indravarman chết trong chiến trận khiến quân Chăm tan vỡ, các quý tộc Chăm phải chạy về vùng núi phía tây. Quân Java thả sức cướp phá các đền đài. Đền thờ Po Nagar, niềm kiêu hãnh của người Chăm bị cướp đi rất nhiều tượng vàng, châu báu. Ngay sau đó, vị vua mới lên thay thế  là Satyavarman dựa vào sự hỗ trợ của các tộc người Thượng đã tập họp lại lực lượng, tiến hành phản công. Quân Chăm cuối cùng đánh đuổi được quân Java, khôi phục lại các vùng đất đã bị chiếm và dùng thủy quân rượt đuổi quân giặc chạy dài trên biển.

Năm 787 vương quốc Java lại cất quân xâm lược nước Hoàn Vương. Quân Java tràn vào cướp phá kinh đô Virapura, bắt cóc phụ nữ và giết hại rất nhiều. Vua Indravarman I phải bỏ kinh thành mà chạy về hướng tây. Một cuộc chiến trường kỳ đã diễn ra. Mãi đến 799 quân Chăm mới có thể đánh đuổi giặc biển ra khỏi bờ cõi.

Sang thế kỷ thứ IX, nước Hoàn Vương trở nên hùng mạnh và không còn bị uy hiếp bởi giặc biển như trước, trái lại các vua Hoàn Vương là Harivarman I và Vikrantavarman III còn nhân đà cường thịnh cất quân chinh phạt khắp nơi để trả đũa và cướp bóc các nước lân bang. Quân đội Hoàn Vương còn nhân cơ hội đế chế Đường suy yếu cất quân chiếm lại phần đất phía bắc, đưa biên giới người Chăm đến phía nam dãy Hoành Sơn. Sau đó, quân Chăm còn tràn sang cướp châu Hoan và châu Ái. Đến năm 809, thái thú nhà Đường là Trương Chu đem quân đánh bại được quân Hoàn Vương, người Chăm rút về giữ đất phía nam Hoành Sơn.

Lúc này đế quốc Khmer cũng bước vào giai đoạn cực thịnh, trở thành mối đe dọa chính cho người Chăm. Nhiều trận chiến giữa hai bên đã nổ ra để tranh giành vùng cao nguyên Đồng Nai thượng. Cuộc chiến dai dẳng này đã khiến đất nước quốc lực cả hai bên hao tổn. Nhất là những xứ phía nam nước Hoàn Vương bị tàn phá nặng nề. Điều này tạo cơ hội cho dòng vương tôn phía bắc vươn lên nắm giữ vị thế cao trong triều.

Năm 854, vua Vikrantavarman III mất mà không có con nối. Nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp ngai vàng, trong khi quân Khmer vẫn uy hiếp biên cương. Lúc bấy giờ, vương tôn Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin xứ Indrapura đã lãnh đạo quân dân kiên cường chống giặc, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Do đó, các vương tôn và triều thần đã tôn Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin lên ngôi vua vào năm 859. Vị vua mới lấy hiệu là Indravarman II, mở ra một triều đại mới. Quốc hiệu Champa vốn đã có từ trước, dưới thời vua Indravarman II được người Trung Hoa biết đến sau những chuyến đi sứ của người Chăm. Kể từ đó, trong sử sách Trung Hoa và sử Việt về sau gọi đất nước của người Chăm là nước Chiêm Thành.

Thời kỳ “nước Hoàn Vương” có thể coi là thời kỳ quá độ, chuyển mình từ thời kỳ Lâm Ấp sang thời kỳ Chiêm Thành. Dù đều là quốc gia của người Chăm, nước Lâm Ấp bên cạnh việc tiếp tục văn hóa Ấn Độ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hán và gần gũi với cư dân người Việt cổ hơn. Còn nước Chiêm Thành về sau thì là một quốc gia Ấn hóa thực thụ. Nước Chiêm Thành ban đầu theo Phật giáo Đại thừa. Kinh đô Đồng Dương (Indrapura) được xây dựng đồng thời cũng là một trung tâm tôn giáo mới. Các vị Đạt ma và tu viện được coi trọng hơn bao giờ hết, được vua miễn không phải đóng thuế.

Một thời kỳ mới trong lịch sử Chăm mở ra với kinh thành Đồng Dương tráng lệ. Kể từ thời vua Indravarman II, nước Chiêm Thành đã hùng mạnh và đủ khả năng chống đỡ cũng như phản công không khoan nhượng trước những thế lực hiếu chiến trong vùng là Khmer và Java. Nhưng chẳng bao lâu sau, một sự kiện lớn đã diễn ra ở phía bắc Chiêm Thành. Năm 938, Ngô Quyền với đại thắng Bạch Đằng đã khôi phục lại nền độc lập cho dân tộc Việt, kết thúc hơn 1000 năm bắc thuộc đầy khổ nhục, tù túng. Vùng lãnh thổ một thời gian dài là một châu quận xa xôi của các triều đại phương bắc chuyển mình thành một quốc gia với những sức mạnh mới. Trong khi đó, người Chăm vẫn có thói quen đánh cướp các vùng đất phía nam Giao Châu cũ để cướp của, bắt nô lệ. Việc này sẽ là mầm mống cho những mối binh đao tàn khốc về sau.

Quốc Huy/Một Thế Giới

Tiếp theo : Kỳ 6