Sau chiến tranh Nga-Nhật, hiệp ước Portsmouth cho phép Nhật Bản thuê lại chi nhánh đường sắt Nam Mãn Châu. Tuyến đường sắt này tuy thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng gần như đã bị nhượng cho Nga do một hiệp ước bất bình đẳng từ năm 1896 quy định người Nga có hầu hết chủ quyền ở đây. Bởi vậy, lính Nhật được phép đóng quân dọc tuyến để đảm bảo an ninh đường sắt, đối mặt với các doanh trại biên phòng Trung Quốc ở khu vực đó.
Trong tiếng Nhật, Gekokujō ( 下克上) là một thuật ngữ dùng để chỉ hành vi vượt quyền của cấp dưới, hay còn gọi là “hạ khắc thượng”. Tuân theo tinh thần này và quan niệm rằng xung đột ở Mãn Châu sẽ tạo ra lợi ích tốt nhất cho Nhật Bản, một nhóm sĩ quan đã lên kế hoạch tạo sự cố để có cớ gây chiến với Trung Quốc.
Nhóm sĩ quan này gồm đại tá Seishirō Itagaki, trung tá Kanji Ishiwara , đại tá Kenji Doihara, thiếu tá Suemori Komoto và thiếu tá Takayoshi Tanaka. Họ bí mật đặt chất nổ trên đường sắt ở 1 vị trí hẻo lánh (đến nỗi nó không có tên trong bản đồ) cách doanh trại Trung Quốc chỉ 800m và kích nổ lúc 22h20 ngày 18/9/1931. Do tính toán sai lượng nổ, chỉ có 1,5m đường bị hư hỏng, không đủ để làm trật bánh một đoàn tàu từ Trường Xuân đi qua ngay sau đó. Mặc dù vậy, đây là cái cớ để ngày hôm sau nhóm sĩ quan này cho 2 đơn vị pháo binh bắn phá và chỉ huy khoảng 500 lính Nhật tấn công doanh trại Trung Quốc ở Phụng Thiên (nay là Thẩm Dương).
Dù có tới 7000 người (đông gấp 12 lần) nhưng lính Trung Quốc trang bị kém, huấn luyện tồi và tinh thần thấp, còn quân Nhật thời điểm đó đã đáp ứng phần lớn tiêu chuẩn quân sự châu Âu. Sau 1 ngày giao tranh, quân Trung Quốc bỏ doanh trại rút lui, để lại khoảng 500 xác chết. Phía Nhật chỉ có vài thương vong. Tướng Shigeru Honjō – tư lệnh đạo quân Quan Đông của Nhật sau khi biết tin, rất ngạc nhiên vì cấp dưới đã giao tranh mà không hề có sự cho phép của mình. Nhưng rồi báo cáo của trung tá Kanji Ishiwara đã thuyết phục được tướng Shigeru Honjō về sự “gây hấn” của đối phương, nguyên do là tuyến đường sắt bị “tấn công” có tầm quan trọng lớn về công nghiệp và kinh tế.
Giận dữ vì sự “phá hoại”, tướng Shigeru Honjō bèn gọi thêm viện quân từ Hàn Quốc sang, ra lệnh đánh chiếm tất cả các thành phố và vị trí chiến lược tại Mãn Châu để trả đũa. Tướng Quốc dân đảng là Trương Học Lương, với sự đồng ý ngầm từ Tưởng Giới Thạch, liên tiếp rút quân mà không hề kháng cự. Lúc đó Trương đang dùng cố vấn Nhật trong một số lĩnh vực, và những người này chỉ việc tuồn tin về hướng tiến quân của Nhật để Trương ra lệnh thu dọn kho tàng rút lui mà thôi. Mặc dù có sự chống cự từ các nhánh quân địa phương ở Hắc Long Giang và Cát Lâm, nhưng diễn ra lẻ tẻ và không kéo dài được lâu. 5 tháng sau sự cố, đất Mãn Châu đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Nhật Bản.
Việc rút lui của Trương Học Lương bị chỉ trích rất mạnh mẽ (báo chí gọi ông ta là “Tướng khuất phục”), dù lệnh không kháng cự này là từ chính phủ trung ương ban hành xuống. Ở vùng Đông Bắc lúc ấy, tư lệnh Trương Học Lương có trong tay 250.000 quân chính quy, một số xe tăng, 60 máy bay chiến đấu, 4000 súng máy và 4 tiểu đoàn pháo binh. Đối mặt với họ chỉ là 11.000 quân Nhật với trang bị nhẹ, vốn chỉ có nhiệm vụ duy trì an ninh đường sắt.
Năm 1932, chính quyền Quốc dân đảng có rất nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết. Trận lụt khủng khiếp ở sông Dương Tử năm 1931 đã khiến 200.000 người chết và 28.5 triệu người bị ảnh hưởng. Ba đợt bao vây tấn công cứ địa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều bị đẩy lui với tổn thất nặng nề. Ở Quảng Châu, Hồ Hán Dân thành lập chính phủ riêng đối lập với Tưởng. Do đang dồn các nguồn lực để khắc phục hậu quả lũ lụt và tổ chức đợt bao vây tấn công thứ tư, Tưởng Giới Thạch đã quyết định “buông” Mãn Châu để tránh phải sa vào một cuộc xung đột vũ trang với Nhật Bản. Dĩ nhiên điều này không được công khai. Trong hội nghị ngày 20 tháng 11 năm 1932, phe Quảng Châu công kích Tưởng dữ dội và đòi Tưởng từ chức vì để mất một vùng đất đai rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản. Ngày 15 tháng 12, Tưởng từ chức chủ tịch và được thay thế bởi Tôn Khoa – con trai Tôn Trung Sơn.
Trung Hoa dân quốc đưa vụ việc ra khiếu nại tại Hội Quốc Liên từ ngày 19 tháng 9. Ngày 24 tháng 10, Hội Quốc Liên ra nghị quyết yêu cầu Nhật Bản rút quân về vị trí cũ, bắt đầu từ ngày 16 tháng 11. Nhật bác bỏ nghị quyết này và nhấn mạnh vào các cuộc đàm phán song phương với chính phủ Trung Quốc, vốn chậm chạp và chẳng mang lại kết quả gì.
Ngày 7 tháng 1 năm 1932, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Henry Stimson công bố Học thuyết Stimson, trong đó tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào được thành lập nhờ các hành động quân sự của Nhật Bản tại Mãn Châu. Vào ngày 14 tháng 1 năm 1932, một ủy ban của Hội Quốc Liên, đứng đầu là bá tước Anh Victor Bulwer-Lytton xuống tàu biển đến Mãn Châu để điều tra. Tuy nhiên đến tháng 3, Nhật đã thành lập xong cái gọi là Mãn Châu Quốc, do hoàng đế bù nhìn Phổ Nghi làm lãnh đạo.
Bất chấp vị thế cao của Nhật Bản trong Hội Quốc Liên, báo cáo của Lytton tuyên bố Nhật Bản là thế lực xâm chiếm, Mãn Châu Quốc là “một nước do bộ tham mưu Nhật tạo ra”, yêu cầu hoàn trả Mãn Châu cho Trung Quốc, dù có khéo léo dung hòa lợi ích bằng việc từ chối khẳng định người Nhật là chủ mưu vụ đánh bom đường sắt. Trước khi báo cáo có thể được bỏ phiếu tại Đại hội đồng Hội Quốc Liên, chính phủ Nhật Bản tuyên bố ý định tiến xa hơn nữa vào lãnh thổ Trung Quốc. Báo cáo được Đại hội đồng thông qua với kết quả 42–1 vào năm 1933 (chỉ Nhật Bản bỏ phiếu trống), song thay vì rút binh sĩ khỏi Trung Quốc, Nhật Bản quyết định rời bỏ Hội Quốc Liên.
Sử gia người Anh Charles Mowat khi đó viết rằng ý tưởng về an ninh tập thể và pháp quyền đã bị đánh bại. Hội Quốc Liên không có lực lượng vũ trang riêng để buộc các nước thành viên thực thi nghị quyết của mình. Sau thế chiến I, các cường quốc đều không muốn dính líu vào một cuộc xung đột quân sự xa xôi. Cấm vận kinh tế cũng không hiệu quả, do Mỹ không phải thành viên Hội Quốc Liên nên Nhật có thể buôn bán trực tiếp với nước này qua ngả Thái Bình Dương. Người Nhật lập ra một chính phủ quân chủ lập hiến – trên danh nghĩa là chính phủ cai trị đất Mãn Châu, tuy nhiên các cố vấn Nhật (giữ vai trò thứ trưởng) là người quyết định mọi việc. Nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc được các đồng minh của Nhật công nhận (28 quốc gia), trở thành bàn đạp quan trọng cho việc xâm chiếm lãnh thổ Trung Quốc về sau.
(Mãn Châu Quốc năm 1939)
– Muitenbac777 –