Trang chủ Kiến Thức Tổ, Tông và Đế hay là Cách gọi tên các vị vua...

Tổ, Tông và Đế hay là Cách gọi tên các vị vua Việt Nam

Tổ, Tông và Đế hay là Cách gọi tên các vị vua Việt Nam
Tổ, Tông và Đế hay là Cách gọi tên các vị vua Việt Nam

Chỉ sau khoảng 10 phút dạo quanh quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chúng ta có thể đi qua bốn con phố Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ và Quang Trung. Điều đáng nói là bốn vị vua này được gọi tên theo những cách hoàn toàn khác nhau:

– Ngô Quyền: Tên riêng, họ Ngô tên Quyền, không có tôn hiệu
– Đinh Tiên Hoàng: Họ Đinh + tôn xưng Tiên Hoàng (vị vua đã mất)
– Lê Thái Tổ: Họ Lê + miếu hiệu Thái Tổ
– Quang Trung: Niên hiệu của vị vua có tên thật là Nguyễn Huệ

Tại sao lại có những cách gọi khác nhau như trên? Trước hết hãy tìm hiểu về niên hiệu và miếu hiệu.

Niên hiệu là tên gọi do hoàng đế đặt ra khi lên ngôi, ví dụ như Thuận Thiên, Nguyên Phong, Hồng Đức, Gia Long, Minh Mạng… Tất cả các hoàng đế đều có niên hiệu.

Miếu hiệu là tên hiệu trong tông miếu dành cho các vị quân chủ sau khi họ qua đời, thường là do vị vua tiếp theo đặt cho vị vua trước. Miếu hiệu thường ngắn và có một trong hai từ Tổ hoặc Tông, đi trước nó là một tính từ miêu tả công đức của vị vua đó, ví dụ như Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông…. Phần lớn các hoàng đế từ thời Lý trở về sau có miếu hiệu, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Bây giờ hãy trở lại trường hợp của 4 vị nói trên.

– Ngô Quyền: Chỉ xưng Vương, không xưng Đế, sách sử thường gọi ông là Tiền Ngô Vương. Con cháu Ngô Quyền sau này cũng không đặt miếu hiệu cho ông nên hậu thế chỉ có thể gọi ông là Ngô Vương/Ngô Vương Quyền/Ngô Quyền.

– Đinh Tiên Hoàng: Tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, xưng đế và đặt niên hiệu là Thái Bình, nhưng con cháu không đặt miếu hiệu nên sử sách chỉ gọi là Đinh Tiên Hoàng.

– Lê Thái Tổ: Tên thật Lê Lợi, xưng đế với niên hiệu Thuận Thiên, về sau được tôn miếu hiệu là Thái Tổ.

– Quang Trung: Tên thật Nguyễn Huệ, xưng đế với niên hiệu Quang Trung, miếu hiệu là Thái tổ, thuỵ hiệu là Vũ Hoàng Đế.

Như vậy danh xưng Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng là dễ hiểu. Nhưng câu chuyện của Lê Thái Tổ và Quang Trung lại đưa đến một kết luận khác: từ thời Lê trung hưng trở về trước, các hoàng đế Việt Nam hầu như luôn luôn được gọi bằng miếu hiệu (Lý/Trần/Lê + Thái Tổ/Thái Tông/Thánh Tông/Nhân Tông….), còn từ sau thời Lê thì họ được nhắc đến qua niên hiệu (Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Duy Tân, Hàm Nghi….). Vì sao?

Bởi vì từ Lý đến Lê, các hoàng đế Việt Nam thường sử dụng nhiều niên hiệu trong suốt thời gian trị vì. Các vua nhà Lý thường có 5-6 niên hiệu, nhà Trần có 2, nhà Lê có 2-3… do đó việc sử dụng niên hiệu để gọi tên một vị vua đương nhiên không khả thi. Nếu dùng niên hiệu thì Lê Tư Thành có thể được gọi là vua Quang Thuận hoặc vua Hồng Đức, Trần Khâm có thể được gọi là Trùng Hưng hoặc Thiệu Bảo, còn nếu dùng miếu hiệu thì hai vị đó đơn giản là Lê Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Cá biệt như Lý Thái Tông có tới 6 niên hiệu (Thiên Thành, Thông Thụy, Càn Phù Hữu Đạo, Minh Đạo, Thiên Cảm Thánh Vũ, Sùng Hưng Đại Bảo).

Kể từ Tây Sơn, các hoàng đế Việt Nam (trừ Nguyễn Quang Toản) đều chỉ có một niên hiệu. Nguyễn Huệ có niên hiệu Quang Trung, Nguyễn Phúc Ánh có niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Đảm có niên hiệu Minh Mạng, Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy có niên hiệu Bảo Đại…. Do đó các sử gia dùng niên hiệu để gọi các vị này cho tiện.

Đến đây lại nảy sinh một câu hỏi nữa, vì sao kể từ Tây Sơn thì các hoàng đế Việt Nam chỉ dùng một niên hiệu? Vì phép đặt niên hiệu của hoàng đế Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoàng đế Trung Hoa.

Từ Hán đến Tống, thuyết thiên nhân cảm ứng được đề cao nên các hoàng đế Trung Hoa thường xuyên thay đổi niên hiệu mỗi khi nước nhà bị hạn hán, lũ lụt… hoặc đơn giản là cảm thấy đang gặp nhiều vận đen. Nói nôm na là “đổi tên để mong đổi vận”. Kể từ triều Minh, vai trò của thuyết thiên nhân cảm ứng được hạ thấp nên các hoàng đế chỉ đặt một niên hiệu, bắt đầu từ Hồng Vũ Đế Chu Nguyên Chương. Nhà Thanh vào Trung Nguyên và tiếp thu phần lớn chế độ của triều Minh, bao gồm cả cách đặt niên hiệu. Vì học theo phép đặt niên hiệu của hai triều Minh – Thanh nên các hoàng đế nhà Nguyễn cũng chỉ có một niên hiệu duy nhất.

Tóm lại, vì chịu ảnh hưởng của các triều đại Trung Hoa từ Hán, Đường đến Tống nên các triều đại Việt Nam từ Lý, Trần, Lê thường dùng nhiều niên hiệu, khiến sử gia phải dùng miếu hiệu để gọi các hoàng đế, từ đó tạo ra những tên đường như Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông… . Vì học theo hai triều Minh, Thanh nên vua nhà Nguyễn chỉ có một niên hiệu, từ đó chúng ta có những con đường như Thành Thái, Duy Tân, Hàm Nghi… Đó có lẽ cũng là một điểm thú vị của tên các con phố Hà Nội.

Nguồn: Truong Quang Hai/Hội những người thích tìm hiểu Lịch Sử