Một bức ảnh chỉ là một bức ảnh, nhưng đặt bức ảnh ảnh vào bối cảnh thì không chỉ là một bức ảnh.
Cùng xem lại bức ảnh về cái bắt tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng thuộc địa Pháp Marius Moutet sau khi ký Tạm ước Việt – Pháp vào ngày 14/9/1946.
Nhìn vào bức ảnh, có thể nhận ra 2 điểm đặc biệt sau:
1. Phía sau là một bức tượng có nguồn gốc Việt Nam bị Pháp lấy đi.
2. Cái bắt tay khiên cưỡng của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn thấy ảnh buổi ký kết thì càng rõ hơn thái độ khiêu khích công khai mà Chính phủ Pháp dành cho Hồ Chủ tịch. Chúng ta cùng đưa bức ảnh về bối cảnh của nó để thấy được những điểm đáng quan tâm của bức ảnh.
Nói về khiêu khích, trong mấy tháng lăn lộn của đoàn Việt Nam DCCH tại sự kiện Fontainebleau 1946, sử ta thường nhắc về 2 vụ khiêu khích mà Pháp cho tổ chức tại Việt Nam là cho lập Chính phủ Nam kỳ Tự trị và tấn công chiếm Phủ Toàn quyền cũ tại Hà Nội.
Đọc sử tây thì biết thêm những chiêu thức khiêu khích khác của Pháp, được dùng ngay trong thời gian đàm phán tại Paris như cắt giảm nghi thức ngoại giao, vắng mặt trong các phiên họp, sử dụng báo chí cánh hữu vu cáo Hà Nội là tay sai của Moscow… Đến những ngày cuối, khi phái đoàn chính thức của Việt Nam đã ra về thì Chính phủ Pháp cũng cắt luôn tiền khách sạn của Hồ Chí Minh, người mà trước đó họ mời sang với tư cách thượng khách, ép Cụ phải ra ngoại ô để ở nhờ nhà bạn.
Đó là chưa kể ngay trong chính những người Cộng sản Pháp và một bộ phận người Cộng sản Việt Nam khi đó, mà có thể coi là “đồng chí máu xương” với Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh cũng bày tỏ thái độ này kia. Riêng đoạn này, vì sự đoàn kết trong Đảng và phong trào XHCN quốc tế nên một thời gian dài ta không hề đề cập đến.
Một mình Hồ Chủ tịch đã phải bám trụ chiến đấu tới đêm ngày 15/9 để ký được bản Tạm ước đề ngày 14/9, nhằm kéo dài thời gian cho cách mạng Việt Nam. Bây giờ nhìn thấy ảnh buổi ký kết mới thấy, đại diện phía Pháp là Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet, cũng có thể coi là một người bạn cũ của Nguyễn Ái Quốc, lại cho trưng ngay một bức tượng cổ của Việt Nam ngay trong phòng đàm phán. Bức tượng chính là điển hình cho những văn vật của Việt Nam mà đã bị Pháp, bằng cách này hay cách khác cướp đoạt về “Mẫu quốc”. Ngụ ý chắc không nằm ngoài thông điệp mà phía Pháp đã khăng khăng ở Fontainebleau: Việt Nam không thể trở thành một nước độc lập khỏi Pháp.
Về cái bắt tay khiên cưỡng của ông cụ, vừa bị áp lực không được ra về tay trắng. Vừa bị áp lực khi ký Tạm ước sẽ phải nhận sự phẫn nộ từ những người chống Pháp cứng rắn trong nước. Cụ đã hủy đàm phán, nhưng cũng chính Cụ chủ động nối lại đàm phán chỉ sau đó mấy tiếng, giữa đêm. Lúc đó không có gì được đảm bảo chắc chắn cả.
Quả là một giai đoạn quá sức khó khăn.
Nguồn: Ảnh hiếm Việt Nam