Trang chủ Quân Sự Câu chuyện về hai người bạn thân ở hai đầu chiến tuyến...

Câu chuyện về hai người bạn thân ở hai đầu chiến tuyến trong chiến dịch Nguyễn Huệ

Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972 đến 19/1/1973), việc phòng thủ mặt Nam của tiểu khu Bình Long, chỉ rộng không đầy 3km2 được giao cho trung tá Nguyễn Thống Thành chỉ huy. Đó cũng chính là hướng tấn công của Trung đoàn 201A quân Giải phóng do Chính ủy Nguyễn Văn Có phụ trách.

Lịch sử oái oăm: Thiếu tá Nguyễn Văn Có bên tấn công và Trung tá Nguyễn Thống Thành bên phòng thủ, cách đó không lâu lại là một cặp bạn bè thân thiết!

Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972 đến 19/1/1973).
Chiến dịch Nguyễn Huệ (1/4/1972 đến 19/1/1973).

Nguyễn Văn Có – trưởng phòng Hành quân Bộ Tổng tham mưu quân lực VNCH, là một điệp viên Mặt trận Giải phóng đã được cài cắm từ lâu, chính ông là người tham gia soạn bản đồ hành quân chiến dịch Lam Sơn 719. cũng chính ông ta là người thay Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên thuyết trình kế hoạch hành quân sang Hạ Lào cho Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh cao cấp của Mỹ trên Hạm đội 7 trước khi chiến dịch mở màn.

Sau thất bại nặng nề ở Lào, tình báo Mỹ và VNCH tập trung truy tìm các “Việt Cộng nằm vùng”, nhưng đến tháng 3/1972, khi có lệnh bắt giữ để điều tra thì người ta mới phát hiện thiếu tá Nguyễn Văn Có đã biến mất mà không ai hay biết.

Hai tháng sau, tại mặt trận tiểu khu Bình Long, sau khi ăn vài quả đắng, trung tá Nguyễn Thống Thành mới biết được chỉ huy trung đoàn 201A quân Giải phóng (chủ lực miền) đang tấn công mình chính là ông bạn cũ: thiếu tá Nguyễn Văn Có. Việc quân VNCH bị dập tơi bời ở đây chẳng có gì khó hiểu: chính ông Có – trước khi bị lộ – là người tham gia soạn thảo kế hoạch phòng thủ đường 13, mặt trận Bình Long cho quân lực VNCH.

Chính ủy Nguyễn Văn Có đã có một đề xuất táo bạo: cho đặc công bắt cóc Nguyễn Thống Thành nhằm làm nhụt ý chí của binh sĩ địch. Giao nhiệm vụ cho một tổ trinh sát đặc công thiện chiến, vị chính ủy dặn đi dặn lại: “Chỉ được bắt sống. Không bắt được thì hủy nhiệm vụ, tuyệt đối không được giết. Ông ấy là bạn tôi”.

Trước sự phòng thủ dày đặc ở Tiểu khu Bình Long, ý đồ bắt Nguyễn Thống Thành đã không thể thực hiện được. Thay vào đó, tổ trinh sát đã đưa được vào tận phòng ở của viên tỉnh trưởng tại sở chỉ huy tiền phương một bức thư do ông Có tự tay chấp bút. Trong thư, vị chính ủy cảnh báo viên tỉnh trưởng: sự thất bại và sụp đổ của chế độ Sài Gòn là không thể tránh khỏi, chỉ còn tính từng ngày. Ông khuyên bạn cũ nên triệt thoái quân lực để đỡ tốn xương máu của binh sĩ.

Tết Nguyên đán năm 1973, một thùng hàng được thả xuống trận địa quân Giải phóng, ghi rõ “kính gửi ông Sáu Đột (tức Nguyễn Văn Có), Chính ủy Trung đoàn 201”. Khui thùng hàng, tổ trinh sát thấy trong đó có mấy thùng thịt hộp, một ít hoa quả khô, một thùng rượu whisky, 10 cây thuốc lá Ruby… và một số xa xỉ phẩm khác, kèm một phong thư. Chuyển thư cho thủ trưởng xong, sợ bỏ thuốc độc trong quà, anh em khui một hộp thịt, định cho chó ăn thử.

Đúng lúc đó, ông Có xuất hiện, tay cầm phong thư của viên tỉnh trưởng. Ông khoát tay: “Không cần thử. Ông ấy không cùng chiến tuyến, nhưng không phải là hạng tiểu nhân”. Sau đó, ông đưa thư cho trợ lý Nguyễn Mạnh Hồng đọc.

“Kính gửi ông Nguyễn Văn Có (Sáu Đột),

Chính ủy Trung đoàn 201

Nhân dịp Tết đến, Xuân về, tôi, đại tá Nguyễn Thống Thành, Tỉnh trưởng, Tiểu khu trưởng Bình Long, quân lực Việt Nam Cộng hòa xin có mấy lời gửi thăm sức khỏe ông.

Thưa ông, tôi với ông bây giờ hai người đã hai đầu chiến tuyến, gặp nhau chắc chỉ trên chiến địa, trò chuyện cùng nhau chắc chỉ bằng súng đạn. Dù sao, chúng ta cũng đã từng bạn bè thân thiết nhiều năm. Tôi vẫn luôn nhớ còn thiếu nợ ông 1.000.000 đồng chưa trả. Xin hứa danh dự, tôi sẽ gửi lại và cảm ơn đầy đủ bất kỳ khi nào có dịp.

Xin gửi ông một ít quà vui Tết.

Chúc ông sức khỏe và hẹn ông trên chiến địa.

Bạn cũ

Nguyễn Thống Thành”.

Nghe đọc lại thư, ông Có phì cười: “Thằng cha tỉnh trưởng này sợ rồi, nhưng khôn. Ổng sợ tôi cho anh em vào hạ sát, nên viết thư gợi tình xưa nghĩa cũ để mình đừng ra tay đó mà. Ruby cứ hút, thịt hộp, rượu mạnh anh em cứ dùng. Lính tráng bên này bên kia nhưng bạn bè cứ là bạn bè, mình ghi nhận”.

Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, chiến sự Bình Long dịu xuống. Tuy nhiên số phận thế nào, hai người bạn cũ lại đụng độ nhau trên chiến trường Phước Long cuối năm 1974 đầu 1975. Khi đó, trung đoàn 201 của Nguyễn Văn Có phối hợp với các đơn vị địa phương đánh thẳng vào trung tâm thị xã. Quân binh tan tác, Nguyễn Thống Thành (lúc này là đại tá) bỏ chạy ra bờ sông Bé và thiệt mạng khi chạm súng với một đơn vị trinh sát của chính trung đoàn 201.