1. Thái độ của Đại Việt với cuộc chiến Tống – Nguyên
Đế chế Mông Cổ ghi dấu ấn đậm nét lên trang sử thế giới thế kỷ 13 bằng biết bao nhiêu máu và nước mắt. Tại Đông Á, vó ngựa Nguyên Mông dẫm nát hai đế chế văn minh và giàu có bậc nhất thời bấy giờ là Kim và Tống, gây nên cái chết của hàng chục triệu người. Quả thực, bất kỳ nước nào cũng không muốn phải đối đầu với Nguyên Mông trong một cuộc chiến tranh, trừ trường hợp đó là sự lựa chọn cuối cùng. Đại Việt cũng không nằm ngoài lẽ đó. Nước ta đã cố gắng thi hành một chính sách ngoại giao mềm mỏng, cố gắng tránh khỏi chiến tranh.
Mặc dù vậy, triều đình nhà Trần hiểu rõ rằng dã tâm của đế quốc Nguyên là không có điểm dừng. Qua những lần cho khách buôn, sứ thần tới lui ở cả lãnh thổ Nam Tống, Nguyên Mông thì triều đình nước Đại Việt nắm khá chắc tình hình và mưu toan của Hốt Tất Liệt. Vì vậy, Đại Việt đã nhiều lần từ chối việc cung cấp nhân lực, vật lực cho quân Nguyên tấn công Nam Tống, và hoàn toàn không có sự phối hợp nào với quân Nguyên dù được yêu cầu. Vua tôi triều Trần hiểu rằng nếu Nam Tống diệt vong thì Đại Việt sẽ mất đi một vùng đệm lớn ở phía bắc. Việc giáp với một đế quốc cuồng bạo, tham lam như Nguyên Mông ở toàn tuyến biên giới phía bắc rõ ràng là một nguy cơ lớn đối với bất kỳ quốc gia nào. Nhìn chung trong cuộc chiến Tống – Nguyên, Đại Việt đã giữ mối quan hệ thân thiện với Nam Tống, cho Tống một biên thùy phía nam yên ổn, tạo điều kiện cho nước này có thể dồn toàn lực cho biên thùy phía bắc. Nhưng Nam Tống đã không thể tận dụng sự thuận lợi ấy để bảo vệ đất nước mình khỏi họa diệt vong. Đến gần cuối cuộc chiến, binh lực ở những vùng phía nam như Hoài, Chiết, Mân, Quảng mới được điều động đến thì đã muộn.
Suốt hơn hai thập niên giao tranh giữa hai đế chế Nguyên Mông và Nam Tống, đã có nhiều người Tống trốn sang nước Đại Việt tị nạn. Trong số họ có cả quan lại, binh lính và thường dân. Người Tống đem theo cả tài sản, gia đình theo và thường được Đại Việt bao dung đón tiếp. Triều đình nhà Trần tổ chức sắp đặt nơi ăn chốn ở cho người Tống, đối xử với họ như thần dân Đại Việt. Những quan lại, tướng lĩnh người Tống có tài năng thì được ban cho quan chức. Binh lính người Tống cũng được chiêu mộ vào quân đội Đại Việt. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là người tinh thông nhiều ngôn ngữ nên trong quân của ông có rất nhiều người Tống.
2. Cận cảnh ngoại giao Đại Việt – Nguyên Mông thời kỳ đầu
Nhìn chung, thái độ của vua tôi nước Đại Việt đối với Nguyên Mông là biết người biết ta, cốt để có được hòa bình. Tuy nhiên, triều đình Đại Việt không phải chỉ biết nhường nhịn mà đã tỏ ra rất tự chủ trong những vấn đề can hệ đến chủ quyền, thể diện quốc gia. Đại Việt chấp nhận vị thế của một nước nhỏ với nước lớn, nhưng không hề chấp nhận sự áp đặt của đế quốc Nguyên biến nước ta thành nước lệ thuộc. Hai thập niên hòa bình để củng cố và phát triển đất nước, cũng là hai thập niên đấu tranh ngoại giao với Nguyên triều để khẳng định vị thế tự chủ của đất nước.
Ngay sau cuộc chiến năm 1258, vua Trần Thái Tông rất căm giận sự tàn ngược của quân Mông Cổ nên đã ra lệnh bắt trói và đuổi hai sứ giả Mông Cổ về nước. Tuy nhiên, qua cơn thịnh nộ ngài đã nhận ra mình nên làm gì. Bấy giờ nước Tống ở Giang Nam bị vây bức dần yếu thế, ngay cả những quan lại Tống triều cũng tìm đường sang Đại Việt nương nhờ. Triều đình Đại Việt đã sớm phán đoán việc quân Mông diệt Tống là chuyện sớm muộn. Mông Cổ đã diệt nước Kim, nếu thôn tính được cả nước Tống thì sẽ trở thành bá chủ Đông Á. Vì vậy, Đại Việt dù ở vị thế chiến thắng những đã sớm chủ động tiến hành bang giao.
Sứ đoàn thứ 3 do Nguyên Mông phái tới sau cuộc chiến đã được triều đình Đại Việt tiếp đón. Trái với thái độ thân thiện của phía Đại Việt, sứ Nguyên Mông lại cậy thế hùng cường, đòi hỏi yêu sách đủ điều. Ban đầu, Đại Việt chấp nhận gửi các lễ vật cho nhà Nguyên. Được thể, Nguyên Mông lại phái sứ sang đòi thêm lễ vật, yêu cầu Đại Việt phải nộp cống phẩm hằng năm. Lễ vật mà sứ Nguyên Mông đòi cứ ngày một tăng thêm, lung tung không cố định. Triều đình Đại Việt muốn giữ hòa khí, nhưng khó mà đáp ứng theo những đòi hỏi vô chừng của sứ Mông. Vì vậy, vua Trần Thái Tông đã phái một sứ đoàn do Lê Phụ Trần làm chánh sứ, Chu Bác làm phó sứ để sang đàm phán với nhà Nguyên Mông về định lệ nộp cống phẩm. Chuyến đi đã đạt được thỏa thuận 3 năm một lần cống, với số cống phẩm vừa phải, không làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước Đại Việt.
Lúc này, Đại Việt vừa nộp cống cho nhà Nguyên Mông vừa giữ quan hệ tốt với nước Tống. Trong mấy trăm năm kể từ triều Lý, Đại Việt vẫn thường cử nhiều sứ giả sang tặng cống phẩm cho Tống và nhiều thương nhân sang buôn bán, trao đổi hàng hóa. Mậu dịch với Tống là một mắc xích quan trọng đối với nền thương mại Đại Việt. Khi vua Trần Thái Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Hoảng (Trần Thánh Tông), ngài sai sứ sang Tống báo tin và tặng một cặp voi. Về sau vì vị nể uy thế của Nguyên Mông, triều đình ta buộc phải lựa chọn. Quan hệ ngoại giao giữa hai triều đình Tống – Việt nguội lạnh dần, mặc dù dân chúng hai nhà nước Việt – Tống vẫn thường xuyên buôn bán qua lại cho tới khi triều Tống bị diệt.
Sau khi phái đoàn của Lê Phụ Trần về nước không lâu, biết tin vua Trần Thánh Tông lên ngôi thì Ngột Lương Hợp Thai ở Vân Nam sai sứ giả là Nạp Thích Đinh (Nurid Din) sang đưa thư, đòi vua Trần phải đích thân sang chầu. Thư viết đại ý: “Ngày trước nước Mông Cổ sai sứ sang thông hiếu, thì sứ thần bị bắt không được trở về, vì thế mới có cuộc hành quân năm trước. Đến khi sai hai sứ thần sang chiêu an, lại bị trói đưa trả lại. Nay đặc phái sứ thần sang hiểu dụ một lần nữa, nếu quyết lòng xin phụ thuộc vào Trung Quốc thì vua phải thân hành sang chầu” (theo Cương mục).
Do quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Nguyên Mông mới thiết lập mà quan tướng nhà Nguyên lại hấp tấp, không hiểu truyền thống ngoại giao của Đại Việt nên có nhiều lời lẽ quá trớn. Ngột Lương Hợp Thai thấy nước ta nộp cống, có lẽ đã nghĩ rằng Đại Việt đã sợ Nguyên Mông đến mức chấp nhận đánh đổi sự độc lập lấy sự yên ổn, không hiểu rằng chính sách “trong Đế ngoài Vương” là truyền thống của Đại Việt khi ngoại giao với nước lớn phương bắc. Tất nhiên không đời nào mà “thực lòng phụ thuộc”, và sẽ không có chuyện vua Đại Việt đích thân sang chầu nước khác. Vua Trần Thánh Tông áp dụng kế hoãn binh triệt để đối với Nguyên Mông. Vua trả lời thư của Ngột Lương Hợp Thai bằng lời lẽ lấp lửng: “Nước nhỏ thành tâm thờ bề trên thì nước lớn đối đãi lại như thế nào?” (theo Nguyên sử).
Thư của vua Trần Thánh Tông tới Vân Nam vào năm 1260 thì Ngột Lương Hợp Thai đã rời khỏi để về bắc hội quân với Hốt Tất Liệt. Trấn giữ Vân Nam lúc này là thân vương Bất Hoa (Buqa). Y không dám tự quyết mà vẫn sai người chạy trạm báo lại với Ngột Lương Hợp Thai. Nhận tin, Ngột Lương Hợp Thai chỉ thị cho Bất Hoa phái Nạp Thích Đinh sang nhắc lại lời trong thư năm trước, tiếp tục đòi vua Trần sang chầu. Vua Trần vẫn dùng kế cũ, muốn kéo dài thời gian bèn trả lời rằng: “Đợi khi nào có chiếu chỉ của Thiên tử, lúc ấy sẽ cho ngay con sang làm con tin” (theo Cương mục). Nạp Thích Đinh không có thẩm quyền quyết định việc chiếu chỉ, đành quay về báo cáo lại. Bất Hoa ngay khi nhận được hồi đáp từ Đại Việt rất tức tối, lập tức sai người chạy trạm báo về cho Hốt Tất Liệt ở kinh đô Khai Bình (thuộc vùng Nội Mông ngày nay).
Hốt Tất Liệt bấy giờ đang bận cuộc tranh ngôi hãn với A Lý Bất Ca, ngay cả việc đánh Tống còn phải dừng, nói gì đến việc cứng rắn với Đại Việt. Nhận được tấu trình của thuộc cấp, năm 1261 Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp làm chính sứ, Lễ bộ thị lang Lý Văn Tuấn làm phó sứ mang chiếu chiêu an đến Đại Việt, không hề nhắc gì đến việc đòi vua Trần sang chầu hay gửi con tin. Chiếu thư đại ý: “Quan lại, sĩ thứ nước An Nam, phàm áo mũ lễ nghi đều được theo chế độ cũ nước mình. Trung triều đã hạ lệnh răn bảo quan lại ở ngoài biên giới không được tùy tiện đem quân xâm nhiễu, vậy hai bên đều nên giữ việc trị an như cũ” (theo Cương mục).
Năm 1262, Trần Thánh Tông sai Thông thị đại phu Trần Phụng Công, Ký ban Nguyễn Thám cùng Ngoại lang Nguyễn Diễn đi sứ sang Nguyên Mông để đáp lễ, định lễ vật cống 3 năm một lần. Hốt Tất Liệt cũng tặng lại Đại Việt vàng, gấm và công nhận vua Trần Thánh Tông là An Nam quốc vương. Mùa đông năm 1262, sứ đoàn 10 người của Nguyên Mông do Mã Hợp Bộ (Mahumud) dẫn đầu sang Đại Việt thăm hỏi. Năm 1263, ngoài việc đòi tặng phẩm, nhà Nguyên còn đòi cống học trò, thầy thuốc, thầy bói. Đại Việt chấp nhận sự triều cống nhưng lờ đi việc cống người. Bấy giờ Hốt Tất Liệt cũng chưa bận tâm hạch hỏi đến việc này. Y cử Nạp Thích Đinh sang làm Đạt lỗ hoa xích. Thông thường chức này đi kèm với bộ máy cai trị mà Mông Cổ đặt tại những nước lệ thuộc. Tuy nhiên Nạp Thích Đinh ở Đại Việt thì không có thuộc cấp, và hoàn toàn không có quyền hành gì mà chỉ mang tính tượng trưng. Vua Trần lại sai Dương An Dưỡng đi sứ để “tạ ơn”. Hốt Tất Liệt cũng đáp lễ bằng một số quà tặng. Nhìn chung những năm này quan hệ Đại Việt và Nguyên Mông khá ấm áp. Nhờ đó mà nước ta có nhiều thời gian củng cố binh bị, xây dựng đất nước.
Quốc Huy/Một Thế Giới