Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày 20/3/1815: Napoleon vào Pari, bắt đầu thời kỳ “Một trăm ngày”

Ngày 20/3/1815: Napoleon vào Pari, bắt đầu thời kỳ “Một trăm ngày”

Napoleon trở về từ đảo Elba.
Napoleon trở về từ đảo Elba.

Trong buổi dạ hội đêm 7 tháng 3 năm 1815, ở triều đình Áo, người ta tổ chức một cuộc khiêu vũ để chiêu đãi các vua chúa và đại diện của các cường quốc châu Âu đang họp ở Vienna. Cuộc vui đang tưng bừng hứng thú nhất thì bỗng nhiên các quan khách thấy đám cận thần của hoàng đế Francis I lộ vẻ bối rối cực độ, mặt mày xanh xám, hốt hoảng, các đình thần chạy vội xuống cầu thang chính, tưởng như có cháy trong cung điện. Chỉ trong nháy máy, cái tin không ngờ sau đây đã bay khắp các cung, phòng, làm mọi người hốt hoảng rụng rời bỏ cuộc khiêu vũ: một đạo tin vừa báo rằng Napoleon đã rời đảo Elba, đổ bộ lên đất Pháp và tay không khí giới, tiến thẳng về Pari.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2 năm 1815, quyết định trở về nước Pháp và phục hưng đế chế đã bắt đầu được xác lập rõ rệt trong đầu óc Napoleon. Mẹ mình – bà Letizia là người đầu tiên được Napoleon thổ lộ tâm tình: “Con không thể chết ở hòn đảo này được đâu và con cũng không thể kết thúc cuộc đời con bằng sự nghỉ ngơi yên tĩnh chẳng xứng đáng với con” – Napoleon nói với mẹ – “Quân đội đang trông đợi con. Chắc chắn là con có thể gặp những trở lực không lường trước trên con đường con đi, có thể con sẽ gặp một tên sĩ quan trung thành với dòng họ Bourbon, nó sẽ ngăn chặn bước đi của chúng con và lúc đó sau vài tiếng đồng hồ, con sẽ ngã xuống. Nhưng cái kết thúc đó tốt hơn là chuỗi ngày dài đằng đẵng trên hòn đảo này với tương lai đã vạch là cái chết. Vì vậy mà con còn muốn đi và lao mình vào may rủi một lần nữa. Ý mẹ thế nào, mẹ thân yêu của con?”

Letizia vô cùng sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ ấy mà bà không thể trả lời ngay được. “Con hãy để cho mẹ suy nghĩ một lát bằng tình cảm của người mẹ và rồi sau đó mẹ sẽ cho con biết”. Sau một lúc im lặng, bà nói: “Đi đi, con trai mẹ, đi đi, và theo đuổi định mệnh của con. Có lẽ con sẽ thất bại khi mưu toan của con tan vỡ, cái chết sẽ sát bên con. Nhưng con không thể ở lại đây được, đó là điều làm mẹ đau đớn. Mà cũng cầu mong rằng thượng đế đã từng che chở cho con trong bao nhiêu trận thì nay Người hãy còn che chở cho con một lần nữa”. Rồi bà ôm chặt lấy con trai. Ngày 26 tháng 2, Napoleon bí mật rời đảo cùng các sĩ quan trung thành và 1000 lính hộ tống.

Tàu buồm của người Anh và của hải quân hoàng gia Pháp thường xuyên đi lại trên hải phận đảo Elba, đó là nguy cơ đầu tiên. Một chiến hạm Pháp đi sát qua, một sĩ quan trên hạm giơ loa cất tiếng hỏi viên thuyền trưởng của Napoleon: “Ông vĩ nhân ấy có khỏe không?” “Khỏe lắm!”, người thuyền trưởng đáp. Và cuộc chạm trán ấy kết thúc. Chiến hạm của nhà vua không thấy được binh sĩ của Napoleon ẩn kín trong tàu. May mắn thay, cũng không phải gặp tàu Anh nào nữa. Cuộc vượt biển kéo dài gần ba ngày, vì gió đã yếu dần. Ngày 1 tháng 3 năm 1815, hồi ba giờ chiều, hạm đội vào vịnh Golfe-Juan và đổ bộ an toàn.

Hành trình 19 ngày về Pari là cả một sự kỳ diệu, hầu như tất cả các đạo quân, thống chế, tướng tá được vua Pháp cử đi bắt hay chặn Napoleon đều chạy ngay đến gặp ông và tình nguyện phục vụ hoàng đế. Không có bất cứ sự kháng cự nào, không có súng nổ, thậm chí chính Napoleon đã nói “Ta chỉ cần gõ hộp thuốc lá vào cổng thành là cổng phải mở ra”.

Sáng ngày 7 tháng 3, Napoleon đến thị trấn La Muya. Ở đằng xa, quân đội của vua Pháp đã dàn sẵn đội hình chiến đấu, ngăn bước tiến của đạo quân bên cạnh ông và phá cầu để cản họ. Napoleon dùng ống nhòm quan sát hồi lâu lực lượng quân địch đang triển khai. Sau đó, ông hạ lệnh cho binh sĩ chuyển súng qua bên phải, cắp vào nách, chúc nòng xuống đất. “Tiến”, ông phát lệnh. Và ông đi đầu hàng quân tiến trước mũi súng của viên đoàn tiền vệ quân đội nhà vua. “Hỡi các bạn, đừng bắn!” – Các kỵ binh kêu gọi – “Hoàng đế đang tiến đến đấy”. Tiểu đoàn dừng lại. Lúc ấy Napoleon đến sát bên họ, binh lính vẫn đứng im không động đậy, mũi súng chĩa thẳng, mắt chăm chăm nhìn vào con người mặc áo màu xám, đầu đội chiếc mũ nhỏ, đang một mình tiến về phía họ với bước đi chắc nịch.”Hỡi binh sĩ thuộc trung đoàn thứ năm! – Những tiếng ấy cất lên giữa sự im lặng khủng khiếp – Ta là hoàng đế của các người. Có thừa nhận ta không?” -“Có, có, có!”. Những tiếng ấy liền vang dậy trong hàng quân. Napoleon bèn vạch áo và phanh ngực ra: “Nếu trong các người, có ai là người lính muốn bắn vào hoàng đế của mình, thì đây, ta đây!”- Những người được chứng kiến cảnh đó đã suốt đời không quên được những tiếng hoan hô vang trời dậy đất của binh lính khi giải tán hàng ngũ để chạy đến xúm quanh Napoleon. Họ vây chặt lấy hoàng đế, hôn tay, hôn đầu gối ông và bị một thứ cuồng nhiệt chung kích động, họ khóc lên vì vui mừng. Nhân viên tình báo Anh ở đó đã phải kinh ngạc, và sau viết báo cáo tường thuật lại rằng đây là một sự mê muội.

Ở thành phố Lyon, để biểu dương lòng trung thành của binh sĩ đối với vương triều Bourbon, thống chế Jacques MacDonald yêu cầu binh sĩ chào mừng bá tước Artois, em trai và phái viên của nhà vua, bằng cách hô khẩu hiệu: “Hoàng thượng muôn năm!”. Đáp lời của Jacques MacDonald là một sự im lặng như chết. Sợ hãi rụng rời, bá tước Artois lật đật bỏ cuộc duyệt binh và ba chân bốn cẳng chuồn khỏi Lyon. Tay thống chế bèn ở lại điều khiển công việc phòng ngự một mình. Binh lính trầm lặng và làm việc với tinh thần bất đắc dĩ. Một lính công binh đến gần thống chế, nói: “Thưa ngài, làm thế này thì thật là hoàn hảo, nhưng là một người dũng cảm như vậy thì ngài nên bỏ bọn Bourbon, chúng tôi sẽ đưa ngài đến với hoàng đế, đến gặp ngài chắc hoàng đế sẽ vui mừng lắm!” MacDonald không đáp. Khi kỵ binh của Napoleon vào thành, MacDonald dẫn quân ra giao chiến, nhưng các trung đoàn của ông ta nhất là quân kỵ binh đi đầu vừa trông thấy đối phương đã chạy đến đón và hô lớn: “Hoàng đế muôn năm!”. Để khỏi bị chính binh sĩ của mình bắt làm tù binh, thống chế MacDonald thúc ngựa chuồn thẳng.

Ở Lyon, Napoleon nhắc lại những lời ông đã từng nói đi nói ở Grenoble, cũng như trước khi đến và sau khi rời khỏi Grenoble: ông sẽ đem hoà bình cho nước Pháp, tự do ở trong nước và hòa bình ở nước ngoài. Ông trở về để bảo vệ và củng cố những nguyên tắc của cuộc Đại cách mạng, ông hiểu rằng thời cuộc đã thay đổi, và từ nay trở đi, bằng lòng với một nước Pháp, ông từ bỏ hẳn tư tưởng xâm lược. Napoleon cũng ký lệnh truất phế vương triều Louis XVIII và hiến pháp hiện hành, giải tán quốc hội, cách chức tất cả những viên chức tư pháp do triều đình bổ nhiệm và bổ nhiệm những quan tòa mới.

Ở Pari, khi biết tin Napoleon đang tiến về với 14 vạn quân theo sau (toàn bộ số được huy động để đi bắt ông), triều đình Bourbon sợ hãi rụng rời. Vua Louis XVIII phản đối việc bỏ trốn, vì như vậy là nhục nhã và mất ngai vàng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Đám quần thần nổi tiếng vì ngu ngốc của ông vua này bèn thảo luận nghiêm túc cái kế hoạch chiến lược sau đây: vua Louis XVIII sẽ lên xe và rời bỏ thành phố, đi theo là quan chức, linh mục, hoàng tộc. Khi đến cổng thành, cái bầu đoàn ấy sẽ dừng lại và sẽ chờ đợi kẻ thoán nghịch tới, trông thấy ông vua chính thống, cái ông già đầu tóc bạc phơ, mạnh mẽ vì nắm pháp lý trong tay, bạo dạn đem thân ra cản đường không cho kẻ thoán nghịch vào thủ đô, thì chắc chắn y sẽ hổ thẹn vì hành động của y và sẽ rút lui. Cũng may là Louis XVIII còn đủ tỉnh táo để chọn cách lên xe chạy khỏi thủ đô, thay vì nghe theo kế hoạch ngu dại đó.

Ở Pari, báo chí của chính phủ hoặc thân cận với giới cao cấp đã từ thế bình chân như vại một cách ngu xuẩn đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, rồi cuối cùng là khiếp đảm ra mặt. Trong thời kỳ này, những báo chí ấy có đặc điểm là biểu thị thái độ bằng những lời chê, khen Napoleon liên tiếp thay đổi theo bước tiến về phía Bắc của ông.

– Thời kỳ thứ nhất: “Con rắn đảo Corsica đã đổ bộ lên vịnh Juan”.
– Thời kỳ thứ hai: “Con quỷ tiến về Grenoble”.
– Thời kỳ thứ ba: “Kẻ thoán nghịch tiến vào Grenoble”
– Thời kỳ thứ tư: “Bonaparte đã chiếm Lyon”.
– Thời kỳ thứ năm: “Napoleon đến gần Fontainebleau”.
– Thời kỳ thứ sáu: “Đức Hoàng đế hôm nay đang được thủ đô trung thành của người chờ đón”.

11 giờ đêm 19 tháng 3, vua Pháp cùng tất cả hoàng gia trốn khỏi Pari, chạy về phía biên giới Bỉ. Ngày 20 tháng 3 năm 1815, hồi 9 giờ đêm, Napoleon tiến vào Pari. Bạt ngàn quần chúng đón chờ ông ở cung điện Tuileries, và những tiếng reo hò vang dậy của những dòng thác người xô theo sau xe của Napoleon từ rất xa vang vọng tới quảng trường mỗi lúc một mạnh mẽ, và dần dần biến thành một tiếng ầm ĩ đầy hoan hỉ thì khối người đứng chật như nêm quanh cung điện đã ùa ra đón hoàng đế. Bị bao vây tứ phía, chiếc xe không thể tiến lên được. Kỵ binh hộ vệ đã uổng công mở đường. Về sau, những người lính cận vệ kể rằng: “Họ reo hò, khóc lóc, lăn xả vào chân ngựa, trèo lên xe, bất chấp tất cả. Khối quần chúng cuồng nhiệt ấy đổ xô tới hoàng đế, chen bật cả đoàn tùy tùng, lôi hoàng đế ra khỏi xe, rồi, giữa những tiếng hoan hô không dứt, họ chuyền Napoleon từ tay người này sang tay người khác cho đến tận cung điện, rồi qua cầu thang chính lên đến tầng cao nhất”.

Sau những thắng lợi to lớn nhất, sau những chiến dịch huy hoàng nhất, sau những cuộc xâm lược các vùng đất rộng lớn và trù phú nhất, Napoleon cũng chưa hề bao giờ được tiếp đón ở Pari như đêm 20 tháng 3 năm 1815 đó. “Những con người không vụ lợi đã dẫn tôi về Pari. Hạ sĩ quan và binh lính đã làm tất cả. Tôi hoàn toàn chịu ơn nhân dân và quân đội” – Napoleon nói. Sau khi người ta đã phải khó nhọc lắm mới khuyên nổi dân chúng giải tán, Napoleon lại trở về phòng làm việc cũ khi xưa và lao ngay vào công việc, đối mặt với ông sẽ là liên quân của toàn bộ châu Âu – liên minh lớn nhất trong lịch sử tính đến trước thế chiến I.

Ngày 13 tháng 3 năm 1815, các cường quốc châu Âu gặp nhau tại hội nghị Vienna đã phản ứng kịch liệt đối với sự quay về của Napoleon. Bằng một tuyên bố chung, đại diện của Anh, Pháp, Nga, Áo, Phổ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thụy Điển đặt Napoleon ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 25 tháng 3, bốn cường quốc Anh, Nga, Áo và Phổ ký hiệp ước liên minh, trong đó mỗi nước cam kết cung cấp 15 vạn quân. Các quốc gia khác tham gia hiệp ước này trong những tuần tiếp theo, đẩy tổng số liên quân lên đến 1.068.000 người (dân số cả châu Âu chỉ có 75 triệu). Con số này gấp hơn 3 lần lực lượng Napleon có thể huy động. Chính phủ Anh tuyên bố chi tài trợ 9 triệu bảng trong suốt thời kỳ chiến tranh (gần gấp đôi cả năm 1814). Bất chấp những nỗ lực của Napoleon để trấn an châu Âu về hòa bình, các nước liên minh tỏ ra quyết tâm chưa từng thấy.và từ chối mọi đề nghị đàm phán. Ngày 12 tháng 6, Napoleon rời Pari cùng quân đội, đánh những trận cuối cùng trong sự nghiệp của mình.