Toa Đô sai sứ đi thăm bệnh vua Indravarman V, thực chất là đi do thám. Bảo Thoát Thốc Hoa cũng biết điều này nhưng không thể từ chối vì sẽ làm lộ kế hoạch hoãn binh, quân Nguyên sẽ tấn công ngay trong khi quân Chiêm Thành chưa hoàn toàn sẵn sàng. Để đối phó, Bảo Thoát Thốc Hoa ngầm kêu hai con tin về trước báo cáo với vua Chiêm bàn cách đối phó, không cho sứ Nguyên vào căn cứ, còn mình dẫn sứ Nguyên theo sau. Sứ giả của quân Nguyên cùng Bảo Thoát Thốc Hoa vừa đi vào núi 2 dặm đã bị quân canh ngăn lại. Bảo Thoát Thốc Hoa bấy giờ tỏ vẻ như bị vua Chiêm dối gạt và muốn trở giáo theo quân Nguyên, ông ta vờ nói với Lâm Tử Toàn: “Quốc chủ dùng dằng không chịu ra hàng, nay lại phao lời là muốn giết tôi, ông hãy về thưa với tỉnh quan rằng quốc chủ đến thì đến, không đến thì tôi sẽ bắt đem nộp”. Bọn Lâm Tử Toàn tưởng thật bèn quay về báo lại với Toa Đô, để cho Bảo Thoát Thốc Hoa trở về căn cứ quân Chiêm Thành. Vua Chiêm hạ lệnh giết một số kiều dân người Hoa, đề phòng những người này báo tin cho quân Nguyên.
Ngày 8.3.1283, Bảo Thoát Thốc Hoa lại đến trại Toa Đô tiếp tục nhiệm vụ. Ông ta dùng lời nói xấu vua Chiêm với Toa Đô, rồi vờ xin áo mũ của người Nguyên để đi chiêu dụ người Chiêm, bắt cha con vua Indravarman V. Toa Đô tưởng thật nên cũng thuận theo.
Ngày 15.3.1283, Bảo Thoát Thốc Hoa dẫn theo một số quan lại cao cấp của Chiêm Thành đến trại Toa Đô “xin hàng”. Bấy giờ trong trại Toa Đô có một người Hoa là Tăng Diên mấy ngày trước thoát khỏi sự giết hại của vua Chiêm, đã đến khai báo với Toa Đô việc vua Chiêm trữ binh, đắp thành, phát chiếu cần vương đến các châu quận. Toa Đô sai Tăng Diên ra đối chất với Bảo Thoát Thốc Hoa. Cuối cùng, bằng lý lẽ sắc bén, Bảo Thoát Thốc Hoa đã làm chủ được tình thế, khiến Toa Đô tin rằng quân Chiêm đã tan vỡ gần hết, không còn ý chí chống cự. Tăng Diên bị bắt trói.
Lấy được lòng tin của địch rồi, Bảo Thoát Thốc Hoa lại “hiến kế” cho Toa Đô, khuyên Toa Đô sai người dụ các châu quận ở Chiêm Thành hàng, còn ông ta sẽ dẫn Toa Đô “đi bắt quốc chủ, Bổ Đích và đánh thành”. Toa Đô nghe kế, một mặt sai Lâm Tử Toàn dẫn quân theo Bảo Thoát Thốc Hoa đi bắt vua Chiêm, mặt khác tự dẫn quân đóng ở tháp Bán Sơn làm hậu viện. Bảo Thoát Thốc Hoa dẫn quân của Lâm Tử Toàn đến Chà Bàn thì cưỡi voi tìm đường trốn vào núi, bỏ mặc quân Nguyên. Nhiệm vụ trá hàng, hoãn binh của Bảo Thoát Thốc Hoa đến đây kết thúc với thành công mỹ mãn.
Trong thời gian khoảng 1 tháng mà Bảo Thoát Thốc Hoa dùng mưu trí để kéo dài được, thái tử Harijit đã dựng xong một thành gỗ vững chắc ở núi Nha Hầu với nhiều lớp hầm hào, cạm bẫy vòng ngoài bố trí chờ đón quân Nguyên. Các châu quận của Chiêm Thành đem quân tới cứu viện, tổng số hơn 2 vạn người. Quân của các địa khu Indrapura, Amaravati thì đang trên đường tới hội quân. Nước Đại Việt cũng đem 2 vạn quân, 500 chiến thuyền lên đường sang tiếp viện cho Chiêm Thành (theo Nguyên sử).
Bảo Thoát Thốc Hoa về rồi, Toa Đô mới nhận ra mình bị mắc lừa, liền tổ chức tấn công. Quân Nguyên do tướng Trương Ngung chỉ huy tiến thẳng đến thành gỗ mới xây của quân Chiêm. Trên đường đi hiểm trở, quân Nguyên bị kháng cự dữ dội từ mọi hướng. Phía Chiêm Thành dùng bẫy đá, gỗ từ trên dốc cao thả xuống, rồi xua quân mai phục tấn công vào cả hai cánh và phía sau quân Nguyên. Lần này quân Nguyên đại bại, Trương Ngung mở đường máu cùng một số tàn binh chạy về doanh trại. Chịu tổn thất nặng nề và vô vọng trong việc tổ chức tấn công căn cứ vững chắc của người Chiêm Thành, Toa Đô buộc phải chuyển sang chiến lược mới.
Quân Nguyên từ Chà Bàn rút về ven biển Quy Nhơn, dựng lại thành gỗ để toan đồn trú lâu dài. Toa Đô tung quân đi cướp phá lương thực các nơi để tích trữ, chia quân phòng giữ và chờ đợi thêm quân tiếp viện từ Nguyên triều. Nhận thấy thế lực của quân Nguyên đã suy yếu, Chiêm Thành tổ chức tổng tấn công. Quân Chiêm Thành từ vùng núi kéo xuống kịch chiến với quân Nguyên một trận ở gần thành gỗ. Lần này, khả năng đánh dàn trận của quân Nguyên lại phát huy tốt, đánh bại được quân Chiêm Thành. Thái tử Harijit lại phải hạ lệnh rút lui về cố thủ trong núi. Toa Đô thắng trận nhưng lực lượng chịu tổn thất nặng, cũng đành cho đóng quân cố thủ trong thành gỗ chờ viện binh.
Quân Chiêm Thành không đủ sức tấn công quân Nguyên trong một trận chiến quyết định, chuyển sang chiến lược tiêu hao, phát động chiến tranh nhân dân. Quân dân Chiêm Thành chia làm nhiều toán nhỏ thường xuyên quấy rối, phục kích những toán quân Nguyên đi kiếm lương thực. Thế quân Chiêm Thành lại dần tăng lên, thế quân Nguyên ngày càng suy sụp.
Với quyết tâm thôn tính Chiêm Thành, Nguyên triều lại điều động quân tiếp viện cho Toa Đô. A Lý Hải Nha được phái làm Bình chương hành tỉnh Kinh Hồ – Chiêm Thành, yêu cầu Đại Việt cho chúng mượn đường đi đánh Chiêm Thành. Đại Việt liền từ chối. Nguyên triều phải lựa chọn tiếp viện bằng đường biển. Tuy nhiên, việc phu dịch, thuế má quá khổ sở đã vượt quá sức chịu đựng của dân chúng các vùng phía nam nước Nguyên mà chúng mới chiếm được từ Nam Tống không lâu. Các cuộc khởi nghĩa, nổi loạn đã làm gián đoạn kế hoạch tăng viện cho Toa Đô.
Quân Nguyên ở Chiêm Thành không chịu nổi đói khát, cực khổ dẫn tới lớp chết lớp đào ngũ. Toa Đô nhận thấy tình thế không thể tiếp tục đóng trú tại Quy Nhơn được nữa, bèn hạ lệnh cho quân lính bỏ thành đem binh thuyền men theo bờ biển tiến về phía bắc Chiêm Thành, vùng giáp giới với Đại Việt. Toa Đô đánh chiếm hồ Đại Lãng (thuộc địa khu Indrapura, tức Thừa Thiên-Huế ngày nay) làm chỗ trú quân. Y sai lính dựng thành bằng gỗ, tự làm đồn điền để tự túc, đồng thời nhiều phen cho người vượt biển đưa thư xin tiếp viện.
Trong khi đó, đến tận tháng 3.1284 Nguyên triều mới điều động được viện binh gồm 3 vạn quân và vài trăm thuyền, do A Tháp Hải (Ataqai) chỉ huy. Đội quân này không biết quân của Toa Đô đã kéo ra bắc nên cứ nhằm vùng gần quốc đô Chiêm Thành mà tiến. Binh thuyền của A Tháp Hải đến Quy Nhơn vào tháng 4.1284 thì mới biết là Toa Đô đã không còn ở đó. A Tháp Hải cùng đội viện binh bèn giong thuyền lên phía bắc tìm Toa Đô, dọc đường đi bị bão đánh tan tác gần hết. Tàn quân từ Chiêm Thành chạy về nước đều vô cùng chán ngán sóng gió phương nam nhưng lại bị triều đình điều động trở lại Chiêm Thành. Vì vậy, chúng trở nên bất tuân lệnh, rủ nhau làm thổ phỉ, làm loạn cả một vùng.
Bấy giờ ở Chiêm Thành, Toa Đô hoàn toàn hết hy vọng đánh chiếm đất đai, thành trì của quân Chiêm mà chỉ có khả năng phòng thủ, cố gắng tự nuôi quân. Phía bên kia chiến tuyến, vua và thái tử Chiêm Thành cũng không dám mạo hiểm tấn công quân Nguyên, mà sai sứ đến điều đình xin Toa Đô rút quân về nước. Toa Đô không đồng ý rút quân mà vẫn cố nấn ná chờ đợi tiếp viện. Toa Đô sai người mang thư về Nguyên triều xui cất quân đánh Đại Việt trước: “Giao Chỉ liền đất với các nước Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến, có thể lập tỉnh ngay trên đất ấy và đóng quân trấn giữ ở ba đạo Việt Lý (1), Trì Châu (2), Tỳ Lan (3), lấy lương hướng ở đấy cấp cho quân lính, tránh được việc khó nhọc chuyển vận bằng đường biển”.
Hốt Tất Liệt vốn đã có ý lăm le thôn tính Đại Việt từ lâu, nhưng trước vẫn nghĩ rằng có thể dễ dàng đánh chiếm Chiêm Thành trước để làm bàn đạp đánh tập hậu Đại Việt. Nay hắn cũng nhận thấy việc đánh Chiêm Thành gặp phải nhiều trở ngại do đường biển xa xôi, bèn thay đổi kế hoạch. Tháng 8.1284, Hốt Tất Liệt phong cho con trai thứ 9 của mình là Trấn Nam Vương Thoát Hoan làm nguyên soái, Bình chương A Lý Hải Nha làm phó tướng chuẩn bị việc đánh Đại Việt để thông đường trên bộ hòng dễ dàng tiến xuống phương nam và nhiều nước khác.
Cho đến đầu năm 1285, cuộc chiến Nguyên Mông – Đại Việt nổ ra. Toa Đô chia quân cho Diệp Hắc Mê Thất (Yigmis) đồn trú ở phía bắc Chiêm Thành, còn hắn dẫn phần nhiều hơn quân lính tiến vào lãnh thổ phía nam Đại Việt, tạo thành gọng kìm phối hợp với Thoát Hoan và Á Lý Hải Nha ở phía bắc. Vận mệnh của Chiêm Thành từ đây phụ thuộc vào cuộc chiến đấu của quân dân Đại Việt.
Quốc Huy/Một Thế Giới
(1) : Việt Lý tức vùng Quảng Trị ngày nay. Ý Toa Đô là chỉ vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành thời bấy giờ.
(2) Trì Châu (có sách ghi Triều Châu) là đất thuộc Quảng Đông, Trung Quốc.
(3) Tỳ Lan thuộc đảo Hải Nam, Trung Quốc.