Trang chủ Quân Sự Trận Hasting – Sự khởi đầu của nước Anh

Trận Hasting – Sự khởi đầu của nước Anh

Tranh minh họa trận Hasting.
Tranh minh họa trận Hasting.

Ngày 14/10, năm 1066, Công tước William của xứ Normandy (người được mệnh danh là William Nhà Chinh Phục) giao chiến với vua Harold của người Anglo-Saxon. Chiến thắng của William không chỉ lập nên một vương triều mới mà còn làm thay đổi toàn diện văn hóa, ngôn ngữ của nước Anh. Con cháu của ông nối tiếp nhau cai trị Anh quốc cho đến tận ngày nay, tức là đã gần một thiên niên kỉ.

Hoàn cảnh và lực lượng đôi bên:

– Harold là một quý tộc giàu có và được bầu chọn làm vua của người Anglo-Saxon. Ngay sau khi lên ngôi, ông bị tấn công từ hai mặt: vua Viking Hardrada đổ bộ lên phía Bắc, và William của xứ Normandy đổ bộ lên phía Nam nước Anh. Harold đánh bại người Viking vào ngày 25/9, rồi lập tức hành quân về phía Nam để chống lại người Norman. Dân Anglo-Saxon không có truyền thống về kị binh, do đó vua Harold mang khoảng 7000 bộ binh đến trận chiến.

– William là Công tước xứ Normandy. Normandy về danh nghĩa là nằm trong nước Pháp, tuy nhiên thời phong kiến thì các lãnh chúa có quân đội riêng. William muốn có một ngai vàng cho riêng mình. Nhận thấy vương quốc Anglo-Saxon đang bất ổn, ông mang 10.000 quân vượt biển, trong số đó khoảng một nửa là bộ binh, còn lại là kị binh và cung thủ.

– Trang bị phổ biến của cả 2 bên: áo giáp lưới dài đến gối, mũ sắt che nửa đầu, giáo dài, kiếm, chùy, khiên dài hoặc tròn, cung ngắn.

Trận chiến:

Ngày 14/10/1066 hai đội quân gặp nhau trên cánh đồng Hasting. Người Anglo-Saxon dàn trận trên một ngọn đồi để phòng thủ. Họ sử dụng đội hình “bức tường khiên”: Các chiến binh đan khiên vào nhau để chống tên bắn, đồng thời tạo ra một bức tường vững chắc để chống kị binh. Người Norman bắn tên, rồi cho bộ binh xáp chiến, rồi cho kị binh xung phong, nhưng vẫn không thể phá vỡ được đội hình của đối phương.

Đến chiều, quân Norman bắt đầu mỏi mệt và rút lui. Một số sử gia cho rằng đây là mưu kế của William để dẫn dụ người Anglo-Saxon ra khỏi đội hình. Cho dù có chủ ý hay không, nó mang lại hiệu quả: các chiến binh Anglo-Saxon bỏ đội hình và đuổi theo quân Norman đang rút lui. Khi người Anglo-Saxon đã xuống khỏi ngọn đồi, William liền dẫn kị binh lãnh đạo cuộc phản công. Người Anglo-Saxon nhanh chóng bị bao vây, vua Harold trúng tên chết tại trận, số còn lại bỏ chạy.

Giết được Harold, William tiến quân về London, chấp nhận sự đầu hàng của các quý tộc Anglo-Saxon rồi lên ngôi vua, lập ra vương triều Plantagenet.

Hệ quả:

– Về văn hóa: William đưa nhiều người từ Pháp sang định cư, hình thành một tầng lớp quý tộc mới. Sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, tiếng Pháp cổ và tiếng Anh cổ hòa trộn, tạo ra tiếng Anh ngày nay.

– Về quân sự: chế độ phong kiến kiểu Pháp du nhập, mang theo nền văn hóa hiệp sĩ. Người Anh bắt đầu tổ chức kị binh và cung thủ, và trở thành một thế lực quân sự mạnh ở châu Âu.

– Về chính trị: Một tình huống bất thường xảy ra: nhà vua của Anh đồng thời cũng là một Công tước của Pháp. Thời gian đầu triều Plantagenet phục tùng ngai vàng Pháp, nhưng xung đột sớm xảy ra, dẫn tới Chiến tranh Trăm năm nổ ra giữa hai nước.