Quay lại thời điểm năm 1405, trước khi giặc Minh sang xâm lược, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đã từng có câu nói nổi tiếng trong hội nghị bàn kế sách giữ nước: “Thần không sơ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”. Quả thật câu nói này thể hiện rất chính xác khó khăn mà nhà Hồ phải đối mặt, bị tách rời khỏi nhân dân trong cuộc chiến với giặc Minh, quân đội nhà Hồ trở nên đơn độc và hoang mang trước kẻ địch. Cuộc kháng chiến thất bại của nhà Hồ nước Đại Ngu là bài học lớn trong lịch sử nước ta.
Về khách quan mà nói, nhà Hồ kế thừa đất nước từ triều đại trước với những khó khăn chồng chất. Nước Đại Ngu bị kẹp giữa hai thế lực hiếu chiến và đương lúc hùng mạnh, lại quyết tâm xâu xé nước ta một cách cao độ. Nhưng quan trọng nhất, thất bại trong chiến tranh là hệ quả của một loạt những sai lầm về đường lối chính trị, quân sự, kinh tế của những người lãnh đạo đất nước, cùng với những nhận thức sai lầm về kẻ xâm lược của các tầng lớp nhân dân.
Các sách sử thời phong kiến chỉ trích Hồ Quý Ly rất nặng nề. Thậm chí có lúc cực đoan đến mức coi việc họ Hồ bại vong về tay người Minh là một điều hợp với quy luật. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên bàn: “Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. [Họ Hồ] tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì ngưoời nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng”.
Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thời Nguyễn có lời phê về việc Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt: “Mấy lần lật lọng lời thề nguyền, tính toán lấn cướp ngôi vua một cách xảo quyệt! Đến bây giờ có thể xảo trá để thoát thân được không ? Đạo trời báo ứng, rõ ràng không sai, chả đáng sợ lắm sao?”
Ngay cả một trí thức đầu thế kỷ 20 như Trần Trọng Kim cũng có lời phê bình nặng nề: “Xem công việc của Hồ Quý Ly làm thì không phải là một người tầm thường, nhưng tiếc thay một người có tài kinh tế như thế, mà giả sử cứ giúp nhà Trần cho có thủy chung, thì dẫu giặc Minh có thế mạnh đến đâu đi nữa, cũng chưa hầu dễ đã cướp được nước Nam, mà mình lại được cái tiếng thơm để lại nghìn thu. Nhưng vì cái lòng tham xui khiến, hễ đã có thế lực là sinh ra bụng muốn tranh quyền, cướp nước. Bởi thế Hồ Quý Ly mới làm sự thoán đoạt, và nhà Minh mới có cái cớ mà sang đánh lấy nước An Nam. Cũng vì cái cớ ấy, cho nên lòng người mới bỏ họ Hồ mà đem theo giặc, để đến nỗi cha con họ Hồ thua chạy, bị bắt, phải đem thân đi chịu nhục ở đất nước người !”
Các sách xưa không tiếc lời chỉ trích Hồ Quý Ly là vì sao? Là bởi Hồ Quý Ly đã làm việc mà luân lý Nho giáo đương thời coi là “đại nghịch bất đạo”, tức là bề tôi mà cướp ngôi vua. Thêm nữa, Hồ Quý Ly đã chịu tội cướp ngôi, lại chịu thêm tội danh làm mất nước. Tuy nhiên, thử thoát khỏi lối tư duy Nho giáo mà suy xét, có đôi điều cần nhìn nhận lại.
Điều cần xét lại đầu tiên, trách nhiệm của việc để mất nước không phải chỉ một mình triều nhà Hồ phải chịu. Đất nước đã suy yếu từ rất lâu trước khi Hồ Quý Ly nắm quyền bính, do những cuộc đấu đá nội bộ và sự điều hành yếu kém, sai lầm của các vua cuối đời Trần. Hồ Quý Ly chuyên chính, phần nào đã giúp đất nước giải quyết được khủng hoảng, đáng kể nhất là lấy lại được thế thượng phong khi đối đầu với nước Chiêm Thành. Kinh tế, quân sự thời nhà Hồ vượt trội hơn hẳn cuối thời Trần. Quân Đại Ngu đủ sức khiến nước Chiêm Thành phải cắt đất cầu hòa, chấp nhận triều cống. Đó là điều mà quân Đại Việt cuối thời Trần không bao giờ làm nổi.
Điều thứ hai cần nhìn nhận lại, nếu xét theo quan niệm “chính danh” của Nho gia thì ở nước ta, những triều đại rực rỡ cũng không đáp ứng được tiêu chí “chính danh”. Đinh Tiên Hoàng nhân lúc trung ương suy yếu mà khởi binh ở Hoa Lư, chống nhau với Ngô vương. Trên thực tế, thế lực họ Đinh là sứ quân nổi lên đầu tiên, tức là người khởi loạn chứ không phải chờ các sứ quân khác làm loạn rồi mới ra quân dẹp loạn như một số sách viết theo lối thần tượng hóa nhân vật lịch sử.Đinh Tiên Hoàng cuối cùng thống nhất các sứ quân mà lên ngôi. Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ đều là quyền thần có được ngôi vị nhờ vào vây cánh ủng hộ. Lê Đại Hành nằm quyền quân đội, Lý Thái Tổ thao túng cả triều đình. Nhà Trần lên ngôi cũng do Trần Thủ Độ sắp xếp, họ Trần từng bước nắm hết quyền lực của họ Lý, khi đổi ngôi đã giết hại rất nhiều tôn thất nhà Lý.
Vậy điều khác biệt là ở đâu? Là những họ kia dù cướp ngôi nhưng lập được chiến công chống giặc ngoại xâm, hay có đức dày tạo phúc cho dân nên từ chỗ không “chính danh”, đều trở thành “hợp với mệnh trời”. Còn riêng họ Hồ đã không hoàn thành được sứ mệnh lịch sử, nên bị công luận lên án gay gắt là vậy.
Với luồng tư tưởng mới, sử sách hiện đại có cách nhìn nhận có phần khác biệt các sách sử xưa. Sách Đại cương Lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Giáo dục nhận xét: “Mong sớm giải quyết cuộc khủng hoảng trước nguy cơ ngoại xâm đang đến gần, Hồ Quý Ly đã tiến hành cuộc cải cách về mọi mặt, thậm chí giành lấy ngôi vua, lập triều đại mới để cải cách. Nhà Hồ đã làm được một số việc phù hợp với yêu cầu chung của xã hội ta hồi ấy nhưng lại không xoa dịu được mâu thuẫn sâu sắc vốn có. Một số hành động đàn áp, tàn sát do việc chuyển đổi triều đại gây ra lại tạo thêm khó khăn cho việc giải quyết những mâu thuẫn nói trên…”
Học giả Lê Thành Khôi trong sách Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Thế Kỷ 20 một mặt đánh giá rằng việc thoán đoạt ngôi vua của Hồ Quý Ly đã tạo cớ cho Trung Quốc xâm lược, nhưng mặt khác vẫn dành những mục dài để viết về sự thối nát cuối thời Trần, coi sự sụp đổ của triều đại này là một điều tất yếu. Lê Thành Khôi cũng đánh giá Hồ Quý Ly là một “chính trị gia có đầu óc”đã có nhiều cố gắng và ghi nhận một số thành tựu đáng kể của nhà Hồ trong việc cải thiện kinh tế xã hội.
Như vậy, trong khi sử sách phong kiến coi Hồ Quý Ly thuần túy là một con người vì lòng tham mà thoán đoạt ngôi vua thì sử sách của thời đại mới lại nhìn nhận Hồ Quý Ly là một nhà cải cách đã bị buộc phải dùng đến biện pháp mạnh nhất là giành lấy ngôi vị để cải cách. Đó là công luận các thời kỳ, các độc giả có thể tham khảo để rút ra chính kiến của riêng mình. Tuy nhiên, dù có bào chữa như thế nào thì nhà Hồ cũng không tránh khỏi tội danh làm mất nước vào tay ngoại bang, một lần nữa đẩy dân tộc ta vào ách đô hộ phương bắc. Lần đô hộ này, dân tộc Việt đã chịu nhiều mất mát về con người, của cải, thành tựu văn hóa…
Tuy nhiên, với sức sống của một dân tộc đang vươn lên mạnh mẽ, tổ tiên của chúng ta đã một lần nữa chứng minh ý chí và sức mạnh trước quân xâm lược. Những năm quân Minh chiếm đóng nước ta cũng là những năm ròng chiến đấu không ngơi nghỉ. Quân giặc sẽ còn đổ tốn nhiều xương máu cho tới khi hoàn toàn thất bại.
– Hết Phần 1 –
Quốc Huy/Một Thế Giới