Trang chủ Ngày này năm xưa 6/6/1944: D-Day – Cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử chiến...

6/6/1944: D-Day – Cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh

Cách đây đúng 76 năm, ngày 6/6/1944, quân Đồng minh mở chiến dịch đổ bộ lớn nhất lịch sử từ trước tới nay mang mật danh “Overlord”, từ bãi biển Normandy của Pháp đang bị Đức chiếm. Cuộc đổ bộ huy động số lượng khổng lồ binh sĩ và khí tài quân sự, đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Âu giai đoạn cuối Thế chiến II.

Lực lượng Đồng minh huy động 6.939 phương tiện từ hải quân của 8 quốc gia cho cuộc hành quân từ Anh sang Pháp, gồm 1.213 chiến hạm các loại, 4.126 tàu vận tải và xuồng đổ bộ, 736 tàu hậu cần và 864 tàu buôn. Lực lượng không quân được huy động cho chiến dịch rất đông đảo với 11.000 tiêm kích, oanh tạc cơ, vận tải cơ và tàu lượn chở quân dù.

Ảnh: Chiến trường Normandy ngày D-Day
Ảnh: Chiến trường Normandy ngày D-Day

Ngoài hai triệu lính chính quy, quân Đồng minh cũng nhận được sự yểm trợ từ khoảng 350.000 quân kháng chiến trên khắp lãnh thổ Pháp. Họ có nhiệm vụ tập kích mục tiêu của Đức, gây rối loạn hàng ngũ địch trước khi quân Đồng minh đổ bộ.

Phe đồng minh dự định mở màn cuộc đổ bộ ngày 5-6-1944, nhưng do thời tiết bất lợi, chiến dịch phải lùi 24 giờ.

Chiến dịch bắt đầu vào rạng sáng 6/6 với cuộc đổ bộ của ba đơn vị lính dù gồm Sư đoàn số 82 và 101 lục quân Mỹ, cùng Sư đoàn dù số 6 của Anh. Lực lượng đổ bộ đường biển được chia thành 5 hướng tới các bãi biển mang mật danh Sword, Juno, Gold, Omaha và Utah.

Quân Mỹ phụ trách bãi biển Utah và Omaha, trong khi các sư đoàn Anh tập trung vào Gold và Sword. Sư đoàn bộ binh số 3 Canada nhận nhiệm vụ đánh bãi biển Juno.

Trong đợt đổ bộ đầu tiên lên bãi Utah, quân Đức kháng cự khá yếu ớt, cho phép lính Mỹ đánh chiếm và rời bãi biển trước buổi trưa. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lực lượng tăng thiết giáp khiến quân Mỹ bị Đức ghìm chân ở bãi Omaha và chịu thiệt hại rất nặng.

Các phương tiện thiết giáp của Anh và Canada giúp binh sĩ hai nước nhanh chóng vượt qua hỏa lực Đức ở bãi biển Gold và Juno. Họ bắt đầu thọc sâu vào đất liền trong buổi chiều, nhằm tới những mục tiêu chiến lược như thị trấn Bayeux và Caen. Tại bãi Sword, bộ binh Anh hội quân với các đơn vị lính dù và nhanh chóng chiếm được khu vực.

Tới đêm 6/6, khoảng 132.000 quân Đồng minh đã đặt chân lên Normandy. Số này tăng lên hơn hai triệu người thuộc 39 sư đoàn vào cuối tháng 8, thời điểm chiến dịch Overlord kết thúc và phe Đồng minh bắt đầu tiến công vào sâu trong đất liền.

Cả hai bên đều hứng chịu thiệt hại nặng nề sau chiến dịch. Phe Đồng minh có hơn 226.000 người thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích, hơn 4.100 máy bay và 4.000 xe tăng thiết giáp bị phá hủy. Các sử gia ước tính khoảng 288.000-530.000 lính Đức chết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh, cùng 2.100 máy bay và 2.400 xe thiết giáp bị tiêu diệt trong chiến dịch.

Không chỉ có các chiến binh bị thương vong, mà dân thường Pháp cũng chết nhiều vì bom đạn. Khoảng 15.000 – 20.000 người Pháp thiệt mạng, hàng nghìn người phải bỏ nhà lánh nạn.

Chiến dịch Overlord được đánh giá là thành công khi đẩy lùi được Đức khỏi bờ biển Pháp, tạo ra vị trí tập kết lực lượng và bàn đạp để phe Đồng minh phản công tại Tây Âu, phối hợp với Hồng quân Liên Xô nhằm tiêu diệt quân đội Đức.

Thất bại ở trận Normandy báo hiệu ngày tàn của Đức. Chưa đầy một năm sau cuộc đổ bộ lịch sử lên bờ biển nước Pháp, Đức bị đánh bại, châu Âu được giải phóng hoàn toàn.

Ngày nay, tên gọi “D-Day” thường được sử dụng để nói về chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy của quân đội Đồng minh.