Suốt thời kỳ đưa quân sang tham chiến trực tiếp, quân đội Mỹ đã bí mật mang đến Việt Nam một số vũ khí mới nhất của họ để thử nghiệm. Dù vài ý tưởng quả thực rất sáng tạo, nhưng vẫn không thể ứng dụng được vào thực tế và giờ chúng chỉ còn là những hiện vật trong bảo tàng mà thôi.
I. BALÔ PHẢN LỰC
Balô phản lực (Jetpack) được quân đội Mỹ nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1968.
Các nhà thiết kế kỳ vọng trang bị này có thể giúp binh lính di chuyển linh hoạt, vượt địa hình có cao độ đến 100 feet (hơn 30m), bất ngờ tiếp cận vị trí chiến đấu, thậm chí uy hiếp tinh thần đối thủ và thoát khỏi vòng vây trong thời gian ngắn. Vũ khí trang bị cho người lính mang balô được thiết kế có độ giật thấp để khi bắn cả người không bị đẩy lùi về phía sau, giảm độ chính xác.
Mục đích thứ hai của balô phản lực là dùng rải truyền đơn, mang vác vật thể nhẹ, phát thanh tâm lý chiến….
Tuy nhiên như rất nhiều “ý tưởng” khác, thiết bị này không được chấp thuận. Nguyên nhân là nhiên liệu quá đắt và thời gian vận hành rất hạn chế (chỉ khoảng 30s nếu người đeo nó mang đủ vũ khí, trang bị và cơ số đạn chiến đấu).
II. VŨ KHÍ CÔN TRÙNG
Thiết bị này thuộc một trong các dự án quân sự bí mật nhất của Mỹ ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1963: sử dụng côn trùng trong chiến tranh rừng rậm.
Với tên gọi: “dụng cụ cảm biến sinh học”, bên trong thiết bị là hộp chuyên dụng chứa côn trùng (các loại ong như ong bắp cày, hoặc kiến). Ý tưởng là khi đã quen với mùi đặc trưng của mồ hôi hay chất thải “Việt Cộng” (sau thời gian huấn luyện), đám côn trùng này sẽ phản ứng với những mùi đó khi bắt gặp. Âm thanh chúng phát ra được thu và khuếch đại đến tai người mang thiết bị, nhờ đó trên lý thuyết anh ra có thể phát hiện được một cuộc phục kích hay dấu vết đối phương để lại trong rừng.
Báo cáo cuối cùng ghi “thiết bị không đủ tin cậy cho các nhiệm vụ chiến đấu”.
Vẫn chưa bỏ cuộc, người Mỹ tiếp tục tìm cách khác. Các lọ hóa chất nhỏ, khó phát hiện và dễ vỡ được rải ở bất cứ nơi nào du kích có thể ẩn náu. Nếu bị va hay dẫm phải, những cái lọ này sẽ vỡ ra và hóa chất phát tán khiến cho các loại côn trùng quanh đó bu đến cắn, đốt nạn nhân. Loại nhẹ hơn thì chỉ kích thích côn trùng bám vào người, khiến du kích dễ bị lộ khi vào các làng mạc, thành phố.
Một tác nhân khác được nghiên cứu rải vào những khu vực nghi là có kho lương thực của đối phương để thu hút động vật mang mầm bệnh đến.
Dự án này cũng thất bại và toàn bộ chương trình côn trùng bị đóng vào tháng 9 năm 1966. Khoảng 35.000 USD (215.000 USD tính theo tỉ giá 2016) đã được chi ra mà chẳng đem lại kết quả nào.
III. “PHÂN CHÓ”
Máy phát tín hiệu T-1151, biệt danh “Dog Doo”, dài khoảng 12 cm, được ngụy trang dưới hình dạng….một cục phân.
Hiện vật trưng bày ở bảo tàng không quân Mỹ, Phát triển từ 1970, thiết bị này được không quân Mỹ thả số lượng lớn xuống đường mòn Hồ Chí Minh, và sẽ tự động gửi tín hiệu về các trạm khi có rung động xung quanh. Pin niken-cadmium giúp nó hoạt động được ít nhất 1 tháng.
IV. “MÁY ĐÁNH HƠI”
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đưa quân viễn chinh sang tham chiến ở Việt Nam, người Mỹ đã nhận ra lợi thế của rừng rậm được đối phương tận dụng triệt để. Vì vậy, máy dò cầm tay được Lầu Năm Góc đặt hàng, và tập đoàn General Electric cung cấp mẫu đầu tiên (XM-2) năm 1967. Chiến dịch được đặt tên là Snoopy!
Trên lý thuyết, XM-2 gồm một balô đeo lưng chứa ắc quy và đầu dò cảm biến đặc biệt, cùng 1 ống hút khí có dây gắn vào nòng súng, thiết bị này có thể phát hiện nước mắt, mồ hôi hay chất thải trong phạm vi 300 mét nhờ phân tích chỉ số amoniac và amoni clorua trong không khí.
Theo báo cáo thì thiết bị này và cả bản nâng cấp của nó (XM-3 dùng trên trực thăng) chỉ thành công trong giai đoạn đầu, còn về sau thì…..vô hại:
– Máy lệ thuộc vào hướng gió, lại không thể phân biệt được đâu là mồ hôi hay chất thải của lính Mỹ, đâu là của “Việt Cộng”. Một người đeo máy, đi thuận gió mà đổ mồ hôi sẽ khiến máy kêu inh ỏi.
– Nó hoàn toàn vô dụng khi phục kích do âm thanh phát ra, và thậm chí khi đi càn quét, vì âm thanh lớn coi như chuông báo động cho đối phương.
– Nó không thể phân biệt được chất thải của con người và động vật. Đã có trường hợp không quân Mỹ được gọi đến san bằng một khu rừng chỉ để nhận ra họ vừa thảm sát một đàn voi.
– Về sau, khi “Việt Cộng” treo các túi hay ống đựng nước tiểu trong rừng, thì thiết bị này hoàn toàn bị đánh lừa. Một chiếc trực thăng lắp XM-3 đã bị dụ vào ổ phục kích, sau khi cố gắng lại gần để định vị chính xác hướng phát ra mùi. Các điều tra về sau cho thấy “Việt Cộng” giăng rất nhiều sợi dây nhúng nước tiểu dài tổng cộng khoảng 30m trên cây cối khắp khu vực đó.
V. “MÁY NGHIỀN CÂY CỐI CHIẾN THUẬT”
Ngay từ tháng 11/1965, Tướng Westmoreland đã yêu cầu nhân viên của mình tìm kiếm các phương tiện có thể phát quang rừng rậm với tốc độ lớn. Do việc thiết kế quá tốn kém, họ thuê hai máy nghiền cây khổng lồ có tên Transphibian của công ty LeTourneau – một doanh nghiệp khai thác gỗ có tiếng, đưa sang Việt Nam thử nghiệm.
Hai con quái vật này có chiều cao 5,5 mét và nặng 60 tấn, ba bánh xe năm cánh khổng lồ (hai trước, một sau) có thể húc đổ và nghiền nát mọi loại cây cối trên đường đi. Vấn đề là kích thước quá lớn của chúng khiến 2 cỗ máy trở thành những mục tiêu ngon lành cho các loại mìn và hỏa lực cá nhân. Một khẩu 12,7 mm lắp trên nóc theo thiết kế, mang tính trang trí nhiều hơn là thực chiến.
Tuy nhiên, các chỉ huy Mỹ vẫn háo hức với những cách thức mới, nhanh hơn để dọn sạch rừng rậm mà du kích Việt Nam đang ẩn náu. Ngay cả những loại thuốc diệt cỏ mạnh nhất lúc bấy giờ cũng mất nhiều ngày để đạt hiệu quả tối đa và có thể bị cuốn trôi đi sau những trận mưa lớn. Trong khi đó, máy nghiền cây có thể san phẳng 6200 mét vuông rừng rậm mỗi giờ, không quan tâm là rừng gì và mật độ cây cối mọc ra sao.
Vào tháng 7 năm 1967, Quân đội Mỹ vận chuyển 2 cỗ máy này đến dọn dẹp địa hình quanh Long Bình, phía Đông Bắc của Sài Gòn. Hơn ba tháng sau, người ta giao chúng cho Tiểu đoàn Công binh 93 tại khu vực Bến Cát. Các con số thống kê khi thử nghiệm là rất ấn tượng. Hai kẻ hủy diệt này đã dọn sạch hơn 2.000 mẫu Anh (khoảng 809 hecta) rừng quanh Long Bình, các kỹ sư công binh báo cáo như vậy. Sau khi chuyển về Tiểu đoàn Công binh 93, chúng tiếp tục san bằng gần 1.200 mẫu Anh (485 hecta) rừng rậm nữa.
Tuy nhiên, các nhược điểm ngày càng lấn át ưu điểm. Động cơ nóng quá nhanh, khi hệ thống làm mát bằng nước hỏng thì máy ngưng hoạt động ngay lập tức. Hệ thống điện quá nhạy cảm với nước và thiết kế lại khiến nước dễ ứ đọng trong các bộ phận sau những trận mưa to vốn phổ biến ở miền Nam Việt Nam. Khi xe kẹt trong bùn lầy, trực thăng được huy động đến để hỗ trợ nó thoát ra, thì người ta mới nhận thấy các móc cáp treo trên thân được đặt vô tội vạ và không hợp lý chút nào. Cuối cùng, khẩu 12,7 mm chỉ được gắn lên sau 5 tháng kể từ khi vận hành lần đầu, có nghĩa đội lái xe đã phơi mình ra trong rừng gần nửa năm mà chẳng có vũ khí đủ mạnh để tự vệ.
2 máy nghiền cây bị rút về Mỹ tháng 4/1968, sau khi báo cáo đánh giá cho rằng dùng hóa chất (thuốc khai quang chứa dioxin) cho hiệu quả cao và rẻ tiền hơn. Quân đội Mỹ cũng không hào hứng với các ý tưởng nâng cấp: bánh xe 12 cánh, gắn mìn Claymore ốp quanh thân xe để ngăn du kích tấn công, hay lắp một tháp pháo bọc thép trên nóc.