Tính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám quả quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì….
Bài viết mang tiêu đề “Đời sống hàng ngày hủ bại tầm thường” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Chuyên mục Nhà nho, Đông Dương Tạp chí, năm 1914.
Các tật của nhà nho đại khái như sau:
1- Tính lười nhác, làm việc gì không mấy ông chịu chăm chút siêng năng. Đi đâu thì lạng khang rẽ ràng. Sáng không dậy được sớm, mà đứng dậy thì làm thế nào cũng phải ngồi ngáp một lúc, rồi nào hút thuốc, nào uống nước, nào ăn trầu, nào rửa mặt sau mới nhắc mình lên được mà ra ngoài.
2 – Tính nhút nhát, động làm việc gì thì lo trước nghĩ sau, không dám quả quyết làm ngay. Thí dụ như chưa đi buôn đã lo lỗ vốn, chưa làm ruộng đã sợ mất mùa. Quanh năm chỉ ngồi một xó không được một trò gì.
3 – Hay nghĩ viển vông mà không lo việc trước mắt. Tiền sờ túi không một xu mà vẫn gật gù đánh chén, sánh mình với Lý Bạch, Lưu Linh. Gạo trong nhà không còn một hột, mà vẫn lải nhải ngâm thơ, tỉ(1) mình với Đào Tiềm, Đỗ Phủ. Học thì chẳng được một điều gì thực dụng mà vẫn tự đắc là tai thánh mất hiền(2). Nói khoác thì một tấc đến trời mà rút lại mười voi không được bát nước sáo.
4 – Ngoại giả các tính ấy, lại còn một tính làm cho hại việc là tính cẩu thả. Xem điều gì hoặc làm việc gì, chỉ cầu cho xong việc, chớ không chịu biết cho đến nơi đến chốn hoặc làm cho thực kinh chỉ(3) vững vàng. Lại một tính tự mãn tự túc, học chưa ra gì đã lấy làm khôn, tài độ một mẩu con đã cho là giỏi. Vì các tính ấy mà làm cho ngăn trở sự tiến hóa.
—————————————–
Chú thích:
(1) So sánh.
(2) Người có tài có đức.
(3) Tạm hiểu: đạt tới chuẩn mực.
Năm 1907, các nhà Duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục sử dụng tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, sau này đổi thành Đăng cổ tùng báo in bằng hai thứ chữ, chữ Hán do Đào Nguyên Phổ phụ trách, chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Ngay trong số đầu tiên báo đăng tải bài “Người An nam nên biết chữ An nam”, của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, để tuyên truyền, cổ vũ việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Song, chỉ đến khi Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ra đời, thì vai trò truyền bá, phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ của báo chí mới thực sự nở rộ.
Đông Dương tạp chí do cụ Nguyễn Văn Vĩnh điều hành, được sự tài trợ của chính quyền thuộc địa. Mỗi tuần ra một số, có sự tham gia công tác của những cây bút xuất sắc nhất về Tây học lúc bấy giờ, như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh và những cộng sự trong tạp chí Đông Dương nhận thấy chữ Quốc ngữ là một lợi khí, một phương tiện để mở mang dân trí, nâng cao dân khí và phục hưng nền văn hoá dân tộc.