Trang chủ Văn Hóa Ý nghĩa của từ “Nguyên Đán” trong “Tết Nguyên Đán” là gì?

Ý nghĩa của từ “Nguyên Đán” trong “Tết Nguyên Đán” là gì?

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt, điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

“Nguyên Đán” (元旦) là từ có gốc chữ Hán, “Nguyên” (元) có nghĩa là sự khởi đầu, sơ khai và “đán” (旦) có nghĩa là buổi sáng sớm. Còn nguyên nghĩa của từ “Tết” chính là “tiết”.

Tiết là một khái niệm trong lịch pháp truyền thống của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Lịch này được tính theo chu kỳ trăng tròn trăng khuyết và cả chu kỳ Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Dựa theo sự biến hóa của các mùa, xác lập năm trên cơ sở: xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí mà chia một năm thành 24 giai đoạn. Mỗi giai đoạn thành 3 giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn nhỏ khoảng 15 ngày. 24 giai đoạn của cả năm được gọi là 24 tiết khí. Việt Nam thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp nên đối với người Việt, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác – gieo trồng, tiết Nguyên Đán. Về sau, chữ “tiết” được Việt hóa thành “Tết” và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên đán như ngày nay. Ngoài ra, Tết Nguyên Đán còn được biết đến dưới nhiều cái tên khác như Tết Cả, Tết Ta, Tết âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới.

Tết là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc. Tết là cái mốc thời gian giao thoa, đánh dấu sự đổi thay cũ – mới, là cái mốc đánh dấu sự vận động, chuyển đổi. Dù năm đã qua có những biến động to nhỏ, tuần tự như nào thì Tết vẫn luôn là khoảng nghỉ trước thềm năm mới để mọi người bình tâm, tự đánh giá, định hướng cho một chặng đường mới tiếp theo. Tết không chỉ là thời gian để mọi con người đều đoàn tụ với gia đình, trở về quê hương và nhớ về tổ tiên mà Tết còn là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh… Dịp lễ này, có ý nghĩa đến nỗi, năm 1789, vua Quang Trung đã phải cho binh sĩ ăn Tết sớm, trước khi tiến quân đánh chiếm lại xứ Bắc.

Bởi tính theo âm lịch, nên Tết Nguyên Đán (Tết Ta) diễn ra sau Tết Dương Lịch (Tết Tây). Người Việt Nam chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán từ rất sớm. Ngày Tết là ngày mồng một đến ngày mồng ba đầu năm âm lịch, nhưng toàn bộ dịp tết thường kéo dài từ khoảng một tuần trước đó (ngày 23 tháng Chạp) cho đến mười ngày nửa tháng sau đó (dân gian có câu “còn mùng là còn Tết”).

Những người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu cũng nghỉ phép để về nhà ăn Tết. Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà nấy đã nhộn nhịp sắm Tết, nào người mua tranh, mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, mứt đường bánh trái… Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ đồ phượng, dựng cây nêu Tết, gói bánh chưng xanh, bày mâm ngũ quả, treo câu đối đỏ sẵn sàng chào đón cái Tết sắp đến:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh

Ngay từ ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo, không khí Tết đã hiện lên rõ ràng. Nhà ai cũng đều dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, làm một mâm cơm cúng ông Công ông Táo nhằm thể hiện mong muốn sang năm mới sẽ ngày càng hòa thuận, hạnh phúc hơn. Lễ cúng ngoài mâm cơm cúng, hương hoa, trầu rượu,… Ngoài ra còn có mũ được làm bằng mã và cá chép. Mũ có hai cánh chuồn hai bên, được đặt trên một chiếc bệ cũng bằng mã. Mỗi mũ đều đi kèm với một áo và một đôi hia. Màu sắc của mũ để cho hợp ngũ hành mà mỗi năm mỗi khác. Sau khi lễ xong thì hoá vàng, mang cá đi phóng sinh ở ao, hồ đề ông Công cưỡi lên chầu trời.

Sau lễ cúng ông Công, khoảng 25 tháng chạp, các gia đình chuẩn bị làm lễ tiễn ông Vải. Người xưa quan niệm rằng, cuối năm ông Vải cũng muốn “đi đây đó” ít bữa để con cháu dọn dẹp, thu xếp, bày biện lại bàn thờ cho sạch, cho mới, mình về ngự thì sẽ tốt, sẽ tiện cho con cháu hơn, bởi vậy mới có lễ tiễn ông Vải. Trong việc dọn dẹp bàn thờ người ta phải bỏ những chân hương cũ đi, để thay bát hương mới trong dịp chào đón năm mới. Những chân hương cũ phải đốt nơi thanh sạch hoặc đêm đi đổ xuống sông, xuống hồ, kể cả tro. Sau đó lau sạch bát hương, thay tro mới.

Vào những ngày này, dân ta thường có thói quen dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, vứt bỏ những thứ đồ cũ không dùng đến trong năm cũ, sắm sửa những cái mới với ý nghĩa mong một năm mới tất cả những điều không tốt của năm cũ đều được xóa bỏ, đón chào những cái mới, cái may mắn trong một năm sắp đến.

Chiều 30 tháng chạp, các gia đình làm lễ Rước tổ tiên về thờ. Gia trưởng cùng vài người con mang cuốc xẻng, vàng hương cùng nhau ra mộ. Tới nơi, dọn sạch cỏ dại, vun đất, đắp lại nấm mộ cho gọn, cho cao rồi thắp hương, cắm cả bó trên mộ, khấn mời tổ tiên về nhà cùng con cháu đón xuân mới.

Ngày này, cả gia đình đều đã quây quần, đoàn tụ cùng với nhau. Sau khi rước các cụ về ăn Tết, đợi cháy hết tuần hương, cỗ cúng được hạ xuống, cả nhà cùng ăn bữa cơm Tất niên, hàn huyên chuyện vui buồn, chuyện cả năm. Bữa cơm ấm cúng, nghĩa tình. Mỗi điều khuyên nhủ, tâm sự đều làm tình máu mủ thêm gắn bó, đậm sâu. Đây là bữa cơm không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt, đến lúc này, gia đình mới bộc lộ rõ tình cảnh trong nhà, là bất hoà hay hạnh phúc, có nề nề nếp hay phóng túng, giàu hay nghèo. Bởi vậy, bữa cơm Tất niên là bữa cơm rất quan trọng, đặc biệt là trong những gia đình có nề nếp. Thế mới nói, “phải giữ nếp nhà” chính là như vậy. Các cụ xưa có câu:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết
Giàu có ba mươi Tết mới hay

Đêm 30 Tết, là ngày cuối cùng trong năm, mọi việc nhỏ to trong nhà cũng đều gắng làm cho xong hoặc tạm dừng để sửa soạn đón giờ phút thiêng liêng – thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đất trời giao hòa, đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đến đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Bấy giờ, bàn thờ gia tiên đã sáng đèn, hương vòng nghi ngút khói bay. Mọi nhà chuẩn bị lễ trừ tịch, đón giây phút cuối cùng của năm mới. Lễ vật thường gồm bánh chưng, mâm ngũ quả, trầu rượu, vàng hương, xôi gà, bánh kẹo… Đúng giao thừa, giữa trời cao đất rộng, khoảnh khắc giao thoa giữa cũ – mới, người ta dâng hương, tiến hành nghi lễ cúng giao thừa.

Đêm giao thừa ở ta cũng có tục đốt pháo. Tiếng pháo sảng khoái, vui tươi, báo hiệu một năm mới đầy hy vọng đã tới. Pháo nổ, âm lớn, vang, râm ran giữa trời đêm tĩnh mịch, u minh giúp xua đuổi tà ma, điều xấu, điều rủi đi. Đồng thời, tiếng pháo cũng là biểu tượng cho tiếng sấm trời mang theo mưa giông tới, báo hiệu một năm mới mùa màng tốt tươi.

Sau phút giao thừa, các thành viên trong gia đình cùng nhau đi du xuân, cầu cúng tìm may. Chọn hướng xuất hành rồi đi đến đền, chùa làm lễ. Ra về còn có tục ngắt một cành hoa hay nhánh cây về, gọi là hái lộc, với mong muốn mang điều tốt cho dòng dõi nhà mình.

Đối với người Việt ta, tục xông đất đầu năm rất là quan trọng. Ngoại trừ những người trong cùng một nhà, bất cứ ai đặt chân lên đất, lên vườn nhà mình đầu tiến ngày mùng 1 Tết thì người ấy được xem là khách xông đất. Người ta cho rằng xông đất ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm, người xông đất tốt, ý là “duyên”, “vía” hợp với gia chủ thì năm ấy làm ăn khấm khá, mọi chuyện tốt lành. Xông đất phải tình cờ, ngẫu nhiên, coi như trời xui đến thì mới có giá trị.

Ngày mùng 1 Tết là ngày linh thiêng, ngày vui, ngày đẹp. Mọi người đều đối xử tốt đẹp với nhau. Dù trước ấy có giận dỗi, chẳng hoà thì cũng đều kìm nén hết lại. Ngày này, mọi người đến đều có ý kiêng kỵ, giữ mình cho cẩn thận về mọi mặt: ăn, mặc, nói năng, đi lại… Người ta kiêng quét nhà vì sợ Thần Của theo rác rưởi đi mất, không còn phù trợ cho gia đình chuyện làm ăn. Rồi kiêng chửi mắng, đánh đập con cái, mong cho gia đình cả năm hoà thuận. Kiêng đòi nợ, kiêng cho lửa, xin lửa, kiêng cho mượn đồ, kiêng làm vỡ bát đĩa, kiêng nói những lời không hay,…

Ngày mùng 1 tết còn có tục mừng tuổi và chúc thọ. Bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu; con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, anh em bạn bè. Mừng tuổi là một dịp để người thân thiết quan tâm lẫn nhau về vật chất thông qua tình cảm nên rất có ý nghĩa. Chẳng quan tâm ngày sinh tháng đẻ, thêm một Tết là thêm một tuổi, ấy là chuyện đáng mừng. Tết là dịp để giao lưu tình cảm, hoà hợp giữa người với người, dù đang còn sống hay đã chết. Dân ta theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bởi vậy, dù xa quê, người ta vẫn bằng bất cứ lẽ gì cũng phải trở lại quê hương, nơi chôn rau cắt rốn, nơi có ông bà tổ tiên an nghỉ, để được đoàn tụ với người thân.

Đến ngày mùng 3 Tết, là ngày đưa tiễn ông bà, tổ tiên về lại thế giới bên kia. Lễ phẩm là những thứ đã bày biện trong ba ngày Tết, riêng đĩa xôi, gà, trầu cau, … đều thêm mới. Sau đấy là lễ “hoá vàng, mã”. Vàng, mã được làm bằng giấy, tượng trưng cho đồ dùng của người đã khuất. Khi tiễn đưa tổ tiên, con cháu muốn gửi theo những thứ đó bằng cách đốt thành tro, gọi là hoá vàng.

Sau lễ hoá vàng, việc đơm cơm cúng ngày Tết của các gia đình đã tạm ổn. Đây là lúc các nghi lễ chung của cộng đồng bắt đầu như: khai canh, khai sơn, cầu xuân, khai bút, khai ấn… và tham gia các hội hè đình đám của làng.

Ngày Tết cũng là thời gian mọi người cân bằng lại tâm lý và sức lực sau một thời gian dài hăng say lao động, bởi vậy rất nhiều trò chơi thú vị được tổ chức; đây cũng là dịp để giao lưu tình cảm bạn bè, để thể hiện tình cảm gái trai. Thủa đầu, những trò chơi thường là sự mô phỏng những hoạt động thường ngày của con người, về sau, những trò chơi ấy được biến hoá, cách điệu lên, trở thành những trò chơi đầy hứng thú, truyền nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Có thể kể đến các trò như: chơi cờ, chơi đáo, chơi bi, bịt mắt bắt vịt, chơi đu, leo cầu lấy thưởng, đấu vật, kéo co, chọi gà, chọi trâu… Nhiều trò chơi còn thể hiện tín ngưỡng, mang ước vọng về một cuộc sống sung túc, đầy đủ: như trò múa mo ở Sơn Đồng (Hà Nội), trò cướp kén ở Dị Nậu (Phú Thọ)…

Tết là mở đầu của một năm mới, bởi vậy người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm là báo hiệu cho một năm mới tốt đẹp, sẽ đạt được nhiều điều may mắn. Tết là dịp đoàn viên của mọi gia đình, “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Mỗi khi Tết về, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nghề gì, mọi đứa con đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Bởi vậy, Tết Nguyên Đán là biểu trưng của những ngày vui vẻ, hạnh phúc với tất cả mọi người.

Phong tục ngày Tết đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người Việt, trở thành một phần không thể thiếu, thành một thói quen trong văn hóa của người Việt, là truyền thống tốt đẹp mà mọi người cần trân trọng và gìn giữ.

***

Tài liệu tham khảo:
1. Tết cổ truyền người Việt, nxb Văn hoá dân tộc, Lê Trung Vũ (chủ biên)
2. Hội hè lễ tết của người Việt, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Trọng Quang – Trần Đình dịch.

Theo Không Gian Văn Hóa Quốc Tử Giám