Cuối năm 1412, tình thế của nhà Hậu Trần đã như ngọn lửa dần tàn trước sức tấn công dồn dập của quân Minh. Vua Trùng Quang đế đã để mất các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu vốn là đất căn bản cung cấp nhiều nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Hóa Châu tuy cũng là một hậu phương đã đóng góp rất đáng kể cho nhà Hậu Trần thưở ban đầu, nhưng bấy giờ lại quá nhỏ bé so với nhu cầu của một cuộc chiến quy mô lớn và dai dẳng.
Trương Phụ lúc này đang đắc thắng, đã ráo riết chuẩn bị mở cuộc tấn công quyết định vào đất Hóa Châu, một trận mà tận diệt quân Hậu Trần. Nhưng đang lúc chuẩn bị thì một lần nữa hắn lại phải nhận hung tin. Tại xứ Lạng Sơn, một cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra dưới sự lãnh đạo của Nông Văn Lịch. Quân khởi nghĩa đã nắm quyền kiểm soát một địa bàn quan trọng nằm trên tuyến đường tiếp tế của quân Minh từ trong nước sang nước ta. Việc này rất hệ trọng đối với quân viễn chinh của Trương Phụ. Quân Minh tiến vào Nghệ An, đã là khá xa những nguồn tiếp tế chính. Một khi đem quân vào Hóa Châu, việc tiếp tế sẽ càng tốn kém, khó khăn hơn nữa và quân Minh cũng chẳng thể dễ dàng chiến thắng. Nguy cơ bị cầm chân và thiếu lương thực đang hiện hữu đối với đoàn quân của Trương Phụ.
Vì lẽ đó, Trương Phụ một lần nữa buộc phải dẫn quân quay trở về bắc để dập tắt những sự kháng cự. Mặc dù lúc này tại thành Đông Quan đã có quân của Hàn Quang đóng giữ để đàn áp phong trào khởi nghĩa ở đồng bằng sông Hồng và phụ cận, nhưng điều đó cũng chỉ đủ cho quân Minh đảm bảo trị an ở những nơi gần thành Đông Quan mà thôi. Quân dân ta vẫn tạo một sức ép rất lớn lên quân Minh đồn trú và các lực lượng ngụy quyền trên khắp lãnh thổ. Nông Văn Lịch với lối đánh xuất quỷ nhập thần, đã nhiều phen tập kích bắt giết nhiều quân Minh trên tuyến đường Lạng Sơn – Đông Quan.
Bấy giờ tên tay sai Mạc Thúy – người trước kia rất tích cực đón rước giặc Minh vào diệt nhà Hồ và giúp cho giặc đặt nền cai trị lên nước ta, đã được Minh triều phong cho chức Tham chính. Cuối năm 1412, Mạc Thúy theo lệnh giặc dẫn quân lên đánh Nông Văn Lịch. Nghĩa quân chiếm lấy chỗ hiểm mai phục chờ sẵn. Mạc Thúy đem quân tiến sâu vào núi, Nông Văn Lịch chỉ huy quân dùng cung tên tẩm thuốc độc chống trả mãnh liệt. Quân giặc bị thiệt hại nặng nề, Mạc Thúy trúng tên thuốc độc chết ngay tại trận. Tên đầu sỏ phản dân hại nước rốt cuộc đã phải đền tội, chẳng những vậy còn bị sử sách bêu tên, nhân dân nguyền rủa đến muôn đời.
Đã có lúc Nông Văn Lịch nổi lên như một nhân vật kiệt xuất nhất trong đám anh hùng hào kiệt các xứ phía bắc. Tiếc thay, vị thủ lĩnh này tuy có tài năng quân sự nhưng lại không đoan chính trong lối sống. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng vì Nông Văn Lịch quan hệ bất chính với vợ của thuộc cấp, nên bị binh sĩ dưới quyền làm phản giết chết. Cuộc khởi nghĩa vì thế cũng rơi vào thoái trào.
Ngoài cuộc khởi nghĩa Nông Văn Lịch, còn có cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Liễu ở Hà Nam cũng là phong trào khá lớn khiến cho quân Minh nhiều phen khốn đốn. Nguyễn Liễu nổi lên ở Lý Nhân (Hà Nam), sau mấy năm trời chiến đấu đã thu hút được một lực lượng lớn hoạt động ở khắp các vùng Lý Nhân, Lục Na (Bắc Giang), Vũ Lễ (Thái Nguyên)… tạo thành một thế vòng cung ngăn chặn đường đi lại của quân Minh từ Đông Quan tỏa đi các hướng. Quân Minh nhiều lần đánh dẹp không được bèn tìm cách mua chuộc. Tham nghị Nguyễn Huân vờ kết thông gia. Liễu không đề phòng, tự thân đi đến chỗ Nguyễn Huân và bị giặc bắt giết. Trong năm 1412 – 1413, vẫn còn những cuộc khởi nghĩa khác mà quân Minh chưa thể đàn áp nổi. Trong số đó có Lưu Phụng khởi nghĩa ở Quảng Oai, Giáp Giang ở Lạng Sơn, Phạm Khang ở Phù Lưu (thuộc Hà Nội ngày ngay), Trần Nguyên Hiến ở Tam Đái (Vĩnh Phú) …
Các cuộc khởi nghĩa ở đồng bằng sông Hồng và trung du phía bắc đã một lần nữa giúp giải tỏa áp lực cho nhà Hậu Trần. Lúc này, quân Hậu Trần đã bị hao tổn rất nhiều sau liên tiếp những trận chiến lớn nhỏ với quân Minh, lại bị thiếu thốn lương thực vì để mất đất đứng chân Thanh Nghệ. Tận dụng thời cơ Trương Phụ phải đem quân về bắc khai bảo vệ nguồn hậu cần, vua Trùng Quang cùng các tướng sĩ từ Hóa Châu đã đem quân trở lại đánh chiếm phần lớn Nghệ An, Diễn Châu một cách nhanh chóng. Biết rằng không thể ngồi yên một chỗ để chờ Trương Phụ đem quân trở lại đánh, Trùng Quang đế quyết định chủ động đem thủy quân tấn công ra bắc.
Đầu năm 1413, Trùng Quang đế cùng các tướng Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung dẫn thủy quân vượt biển đánh vào Vân Đồn, Hải Đông để cướp phá lương thực của quân Minh ở trong các đồn trại và đánh cướp các thuyền buôn của giặc bấy giờ đang chở thóc lúa từ nước ta về bán ở trong nước Minh. Cuộc hành quân này rất gian khổ, kéo dài từ tháng giêng đến tháng ba Âm lịch năm 1413, đã giúp cho quân Hậu Trần giải quyết được vấn đề lương thực. Thế nhưng tình cảnh bấy giờ chẳng mấy khả quan. Vua Trùng Quang đế chỉ còn lại ba bốn phần mười quân lực so với lúc cực thịnh của quân Hậu Trần.
Khoảng tháng 5.1413, Trương Phụ lại dẫn quân trở vào đánh Nghệ An. Vua Trùng Quang binh ít không địch nổi, lại phải bôn ba vào lại Hóa Châu thủ hiểm. Trương Phụ xét thực lực chưa thể tấn công ngay vào Hóa Châu, lại cho dừng quân chuẩn bị khí cụ, thuyền bè, lương thực. Trùng Quang đế vào Hóa Châu rồi, sai Nguyễn Biểu làm sứ giả đến doanh của Trương Phụ xin đem lễ vật sang Minh cầu phong. Việc này là kế hoãn binh của Trùng Quang đế, nhưng rõ là rất vụng về bởi Trương Phụ là tên tướng không thể nói chuyện bằng lý lẽ được. Nhận lệnh của vua, Nguyễn Biểu chẳng từ nan để đi vào tử địa. Biểu đem lễ vật đến Nghệ An, Trương Phụ đã dùng thủ đoạn man rợ để làm nhục chí sứ giả nhà Hậu Trần. Phụ sai quân lấy đầu người nấu làm cỗ tiệc để “thiết đãi” sứ giả. Ắt hẳn đó là đầu của tử sĩ hay người dân vô tội nào đó đã không may bị giặc dày vò. Nguyễn Biểu cố giữ khí thế, tỏ ra không sợ hãi, vừa ăn tiệc đầu người vừa làm thơ ứng khẩu, còn nói to: “Chẳng mấy khi được ăn cỗ đầu người bắc”. Câu đó ngầm nói lên lòng căm thù và không sợ hãi trước giặc mạnh.
Khi vào tiếp sứ, Nguyễn Biểu đem chuyện cầu phong ra bàn nhưng Trương Phụ đều bác bỏ. Thấy Nguyễn Biểu ứng đối trôi chảy, Phụ vừa phục tài vừa e ngại, nên giữ không cho Nguyễn Biểu ra về. Nguyễn Biểu không kìm được cơn giận dữ, mắng chửi Trương Phụ thậm tệ: “Trong bụng toan tính việc đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt lại phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược” (theo Cương Mục).
Trương Phụ nghe xong nổi giận đùng đùng, sai lính đem Nguyễn Biểu đem trói dưới chân cầu Lam Kiều cho nước thủy triều dìm chết. Việc Nguyễn Biểu đi sứ là giai thoại khá nổi tiếng trong sử Việt. Người ta không trách Nguyễn Biểu không làm nên công trạng mà chỉ nể phục khí khái và thương tiếc cho số mệnh của ông. Trùng Quang đế lấy một Nho sĩ vào trại giặc lúc đang thất thế để mong đàm phán thật là hạ sách, phỏng có ích gì !? Nguyễn Biểu đi sứ, cố giữ tròn khí tiết, không sợ bị giặc giết. Thương thay!
Tháng 6.1413, Trương Phụ muốn đánh dẹp triệt để nhà Hậu Trần nhưng vẫn ngán ngại Hóa Châu hiểm trở và ở xa. Phụ hỏi Phan Liêu là con của Phan Quý Hữu về nội tình nhà Hậu Trần. Liêu đem hết chuyện tướng tá Hậu Trần ai hay ai dở, núi sông Hóa Châu chỗ nào hiểm chỗ nào bằng, binh lực mạnh yếu thế nào nói hết cho Trương Phụ biết. Bấy giờ Trương Phụ mới hạ quyết tâm đánh vào Hóa Châu, cho họp các tướng lại để bàn kế sách.
Mộc Thạnh nói : “Hóa Châu núi cao biển rộng, chưa dễ lấy được”.
Phụ nói:
“Tôi sống được cũng là vì Hóa Châu, có làm ma cũng là vì Hóa Châu. Hóa Châu mà chưa dẹp được, tôi còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng nữa !”.
Trương Phụ cố chết lo tròn đạo trung thần, mà không nghĩ đến họa phúc của muôn dân. Bàn định xong xuôi, quân Minh hăm hở tiến đánh Hóa Châu…
Quốc Huy/Một Thế Giới