Thời trung đại ở nước ta, vào khoảng thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ thứ 14 đã từng chứng kiến việc chiếm hữu nô lệ khá lớn. Tuy chưa đến mức hình thành một xã hội chiếm hữu nô lệ như ở phương Tây thời cổ đại, nhưng tỉ lệ nô lệ, nô tì, những người mất tự do trong xã hội Đại Việt là khá cao.
Tình trạng mua bán nô lệ tràn lan đầu thời Lý đã khiến vua Lý Thái Tông phải ra chiếu chỉ nghiêm cấm việc mua Hoàng nam ( những trai tráng đến tuổi quân dịch ) làm nô. Số lượng phụ nữ nghèo trở thành nô tì rất nhiều, điều này khiến Ỷ Lan Nguyên Phi mà sau này trở thành Linh Nhân Hoàng thái hậu đã dùng nhiều tiền bạc để chuộc thân cho những con gái nhà nghèo bị bán làm nô tì. Sang đến thời Trần, gia nô được nuôi nấng từ nhỏ và phục vụ cho giới quý tộc ở trong các Thái ấp khá phổ biến. Họ rất trung thành với chủ nhân và có tư tưởng chấp nhận thân phận. Một số gia nô được đào tạo khá tốt để có thể làm những việc của giới trí thức và võ sĩ. Những anh hùng dân tộc như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô … đều là những gia nô, một dạng nô lệ gia đình. Nếu như gia nô lập gia đình và sinh con, thì con cháu họ cũng là gia nô của chủ. Họ lệ thuộc vào chủ nhân đời này qua đời khác. Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ đã ghi nhận đóng góp của giới nô lệ trong kháng chiến chống Nguyên Mông : “Lúc nhà Trần đương thịnh, đánh nhau với giặc Hồ ( tức giặc Mông – Nguyên) , nhờ sức các gia nô của vương hầu nhiều lắm ”.
Đấy là nói về những nô lệ người Việt. Còn những nô lệ người Chăm thì được mang về sau những cuộc viễn chinh của các vua Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ. Đại Việt và Chiêm Thành suốt nhiều thế kỷ đã có nhiều cuộc chiến đẫm máu. Phần lớn chiến thắng thuộc về Đại Việt, quân Việt nhiều lần chiếm đóng kinh đô Chiêm Thành. Cứ thắng trận là quân Đại Việt bắt hàng vạn người làm nô lệ. Những nô lệ này được biên chế thành những làng để khai hoang. Trải qua một vài thế hệ, khi những nô lệ Chăm được “Việt hóa” thì họ dần được coi như nông dân lĩnh canh của nhà nước. Ngoài ra, các vũ công Chăm bị bắt phục vụ cho cung đình Đại Việt. Các vũ công Chăm không có tự do nhưng được sống sung sướng trong nhung lụa.
Ngoài hai nguồn nô lệ chính là người Việt và người Chăm, Đại Việt còn mua những người nước ngoài khác để làm nô. Lĩnh Nam Ngoại Đáp của Chu Khứ Phi nước Tống chép : “ Giao Chỉ có cái lợi mỏ vàng mới mua dân ta làm nô ”. Nô lệ người Tống là nguồn đứng thứ 3. Đợt bắt nô lệ người Tống lớn nhất là sau cuộc tấn công phủ đầu của Lý Thường Kiệt vào các châu Ung, Khâm, Liêm 1075 – 1076. Đợt này, quân đội nhà Lý đã mang về hàng ngàn trai tráng và thiếu nữ người Tống. Những trai tráng mới lớn bị thích chữ Thiên tử binh và bắt xung quân, thiếu nữ bị thích chữ Quan khách và bị bắt làm nô lệ tình dục cho binh lính Đại Việt. Sau khi đánh bại quân Tống, nhà Lý trao trả tù binh bị bắt này như một điều kiện hòa đàm, nhưng chỉ trả có 200 – 300 người trong tổng số mấy ngàn người cho có lệ. Nước Tống mới bại trận, cũng phải làm lơ cho qua.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi nhận một sự kiện như một minh chứng cho việc buôn bán nô lệ thông qua các thương nhân ngoại quốc như sau : “ Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ … “.
Người nước Tiểu Nhân thực ra là chỉ một giống người nhỏ con không rõ xuất xứ mà thôi. Không chỉ thương nhân Tống buôn nô lệ, mà trong việc này thương nhân người Chăm mới là bậc thầy. Người Chăm thời này nổi tiếng là những kẻ săn nô lệ. Họ lùng sục khắp vùng Tây Nguyên để bắt người dân tộc thiểu số miền núi đem bán. Người Chăm cũng hay bắt cóc cư dân người Việt, người Khmer khi có cơ hội. Họ dùng nô lệ xây dựng các công trình và buôn bán kiếm lợi. Thuyền buôn Chăm dong thuyền khắp biển Đông, lúc thì buôn bán lúc thì làm cướp biển. Sử sách Việt ghi nhận nhiều lần người Chăm bắt cóc dân Việt dẫn đến chiến tranh giữa hai nước.
Với người Khmer, họ cũng bắt dân những tộc người láng giềng để xây dựng các đền đài quy mô cực lớn. Trong đó có các kiến trúc Angkor đều được xây nhờ sức các nô lệ. Còn đế chế Nguyên Mông thì bắt các nước lân bang cống nạp những người có giá trị như pháp sư, thầy thuốc, mỹ nữ, thợ giỏi, vũ công … để làm nô lệ cho nhà nước, làm tốt thì được phong quan chức. Ta thấy rằng, việc buôn bán và sử dụng nô lệ là mẫu chung ở Trung Quốc, Đại Việt và các quốc gia Đông Nam Á thời trung đại.
Ảnh : Nô lệ chèo thuyền chiến cho thủy quân Chăm
theo FB Văn Hóa Lịch Sử