I. Hệ thống vũ khí dạng mô-đun Stoner 63
Eugene Stone, nhà thiết kế súng AR/15-M16, đã nghĩ ra khái niệm về một loại vũ khí mô-đun mà có thể sử dụng chung một số bộ phận, cũng như hoán đổi với nhau. Súng máy hạng nhẹ, súng trường, carbine, đại liên……..đều có thể dùng chung phần lớn linh kiện trong một tổ hợp chung. Tổng cộng có 15 cụm lắp ráp riêng biệt. Do tính chất đa chức năng của mô-đun, súng trường và carbine của tổ hợp có trọng lượng nặng hơn các loại thông thường.
Ưu thế dễ nhận thấy của hệ thống này là tính linh hoạt, cho phép các đơn vị điều chỉnh vũ khí sao cho phù hợp nhất với nhu cầu chiến thuật trước mắt, giảm thời gian sửa chữa – tháo lắp linh kiện, cũng như giảm chi phí và gánh nặng hậu cần. Nguyên mẫu đầu tiên được thiết kế với cỡ đạn 7.62 x 51 mm và hoàn thành vào năm 1962. Mẫu dùng cỡ đạn 5.56 x 45 mm sản xuất hàng loạt vào tháng 2 năm 1963, do đó có tên Stoner 63. Các mẫu súng được đăng ký bảo hộ với bằng sáng chế số US3198076A.
Các đơn vị hoạt động đặc biệt như Biệt kích hải quân (SEALs) và Trinh sát thủy quân lục chiến đánh giá cao trọng lượng nhẹ của mẫu súng máy Stoner 63 này: nó nhẹ hơn gần 5 kg so với súng máy M60 tiêu chuẩn. Đạn 5,56 mm cũng dễ điều khiển bắn hơn hẳn so với đạn 7.62 mm của M60.
Sau nhiều lần thử nghiệm khác nhau từ năm 1963 đến 1967, thiết kế đã nhận được những đánh giá tích cực của Thủy quân lục chiến Mỹ. Nhưng Quân đội không đồng ý tiếp tục Dự án, do tính phức tạp và yêu cầu bảo trì cao (thậm chí là khi so sánh với M16). Chỉ có 4.000 tổ hợp được sản xuất (tính cả thử nghiệm lẫn đưa sang thực chiến ở Việt Nam). Quân đội Mỹ chính thức từ bỏ Stoner 63 để chọn M249 SAW làm súng máy hạng nhẹ đầu thập niên 1980.
Tuy nhiên, ý tưởng về hệ thống vũ khí mô-đun đã được ứng dụng vào thị trường súng dân sự Mỹ, cụ thể là AR-15 ngày nay. Có khoảng 5 triệu khẩu trên khắp nước Mỹ, với các mô-đun mở cho phép tự thay đổi hầu hết linh kiện, kể cả với người không có chuyên môn và công cụ đơn giản.
II. Súng ngắn giảm thanh
Năm 1966, phòng thí nghiệm Chiến tranh Hạn chế (LWL) đã phát triển một loại súng ổ quay bắn đạn 9 mm có gắn giảm thanh, do lính “chuột chũi” (lính chiến đấu dưới địa đạo) lo sợ bị điếc tai khi bắn khẩu M1911A1 dưới địa đạo chật hẹp. Sáu mẫu được gửi sang Việt Nam và trước cả khi có đánh giá, LWL nhận yêu cầu chuyển gấp 450 mẫu tương tự do nhu cầu cấp thiết.
Dù súng được đánh giá cao, từ tháng 1 năm 1970 đến tháng 10 năm 1972, LWL vẫn bắt tay với Tập đoàn AAI phát triển tiếp một loại súng ngắn giảm thanh đặc biệt khác, cỡ nòng 9 mm. Bản thân viên đạn chính là ống giảm thanh, đầu đạn được đẩy đi bằng 1 piston nằm trong viên đạn. Khẩu ổ quay này bắn không tạo ra khói hay chớp lửa.
Tuy đáp ứng được về yếu tố hỏa lực và giảm thanh, những khẩu súng này vẫn bị coi là quá dài và vướng víu, nhất là trong không gian rất hạn chế. Do vậy, mẫu “súng ngắn giảm thanh bắn đạn gém” ra đời năm 1969. Súng dạng ổ quay cưa nòng, sử dụng đạn 10.9 mm chứa 15 viên bi vonfram, đẩy đi bằng 1 đầu đạn rỗng (vì thế cũng không có khói hay chớp lửa). Thiết kế giống như shotgun này được dự tính là giúp bắn trúng mục tiêu ngay cả với những tay súng thiếu kinh nghiệm trong môi trường hẹp của địa đạo.
Ở Việt Nam, loại súng này được phân phối cho 3 sư đoàn 1, 23 và 25 Mỹ. Ngoài lính “chuột chũi”, các đội trinh sát tầm xa cũng ưa thích khả năng giảm thanh gần như tuyệt đối của nó. Có hai nhược điểm là đạn dược đắt đỏ và tầm bắn quá ngắn: dưới 7,6 mét. Một báo cáo cho thấy một sĩ quan “Việt Cộng” vẫn sống sót sau khi trúng 2 phát đạn ở khoảng cách chỉ 3m. Đầu năm 1973, do Mỹ rút quân nên chương trình đã bị đóng lại vĩnh viễn.
III. Hệ thống nạp đạn qua balo
Tháng 5 năm 1968, LWL phát triển loại balo với dây đai (loại dùng trên máy bay) cho phép một người lính mang súng máy M60 bắn liên tiếp 400 viên đạn. Hệ thống nặng tổng cộng 16.33 kg và được thử nghiệm ở tất cả tư thế bắn tiêu chuẩn với kết quả tốt. Năm 1969, 17 balo nạp đạn đã được đưa sang Việt Nam để thực chiến. Dù hệ thống hoạt động rất tốt nhưng nó khiến người lính không thể đeo các balo tiêu chuẩn khác, nên cuối cùng bị xếp kho.
Thế nhưng trong các cuộc chiến sau này, lính Mỹ không phải di chuyển xa căn cứ và các tuyến tiếp tế, nên có thể đeo balo đạn tác chiến. Hệ thống hiện tại cho phép lính Mỹ đeo 500 viên đạn 7.62 x 51 mm với trọng lượng chỉ 14 kg. Còn nếu là loại đạn 5.56 x 45 mm thì balo có thể chứa tới 800 viên.
IV. Súng bắn tỉa giảm thanh
Tháng 8 năm 1967, LWL bắt đầu thiết kế “Hệ thống bắn tỉa im lặng” như một nỗ lực cải thiện khả năng bắn tỉa của quân đội Mỹ. Tập đoàn AAI đã ký hợp đồng sản xuất súng bắn tỉa khóa nòng trượt Winchester được sửa đổi với bộ triệt âm. Đạn dùng là loại cận âm đặc biệt 11.63×40 mm. Không thể nghe thấy tiếng súng ở ngoài phạm vi 91.44 mét.
5 khẩu bắn tỉa loại này cùng 2.000 viên đạn đã được gửi sang Việt Nam, với ống ngắm có thể gắn thêm thiết bị nhìn đêm. Kết quả thực chiến chưa được công bố.