Sau khi lên ngôi, với lý do “có công giúp đánh quân Tây Sơn”, vua Gia Long đã cắt cho vương quốc Vạn Tượng một vùng đất đai rộng lớn.
Đây là khu vực sinh sống lâu năm của các bộ tộc Lào, đồi núi rậm rạp, địa hình phức tạp, đã được gom vào bản đồ hành chính Đại Việt từ thời vua Lê Thánh Tông dưới hình thức tự trị, triều đình đặt thổ quan (quan chức là người địa phương) để quản lý và thu cống nạp vài năm một lần (giống như với các bộ tộc người Thái, Mông…vv…ở vùng Tây Bắc).
1. Trấn Ninh
Việc cắt đất Trấn Ninh được ghi rõ trong nhiều sử liệu triều Nguyễn, ở đây tác giả bài viết sử dụng Đại Nam Nhất Thống Chí (trang 149-150, tập 2, NXB Thuận Hóa, 2006). Trấn Ninh vốn là xứ Bồn Man xưa bị vua Lê Thánh Tông đánh dẹp và lập làm phủ Trấn Ninh với 7 huyện. Được ghi là “đất rộng, dân đông, đứng đầu các đất Man”, phủ Trấn Ninh đã nằm trong bản đồ hành chính Đại Việt suốt 300 năm cho tới khi bị đem cắt cho Vạn Tượng.
2. Trấn Biên
Về hành chính, vùng này thời Lê chia thành 4 huyện thuộc Nghệ An và 3 huyện thuộc Thanh Hóa, lệ cống 3 năm một lần.
3. Phủ Trấn Định
Có diện tích nhỏ nhất trong các phủ trên đất Lào, Trấn Định vào thời Lê là châu Tịnh Cao thuộc phủ Ngọc Ma, lệ 3 năm cống một lần.
4. Phủ Trấn Tĩnh
Đây vốn là châu Quy Hợp thuộc phủ Lâm An đời Lê.
* Thời vua Minh Mạng, vương quốc Vạn Tượng bị vương quốc Xiêm đánh bại, dân chúng lưu vong nhiều. các tù trưởng cũ lại chạy sang xin nội phụ vào triều Nguyễn. Vua Minh Mạng điều chỉnh một số địa giới, cho lập lại phủ huyện hành chính như trước (một số nơi đặt quan người Kinh cai trị chứ không bổ nhiệm người địa phương nữa). Tuy nhiên, trong các cuộc chiến với triều Nguyễn về sau, người Xiêm lấn dần những vùng đất của các bộ tộc Lào ở phía Tây sông Mê Kông. Theo các tài liệu phía Xiêm, người Việt đã rút khỏi Trấn Ninh vào giữa thập niên 1850, tức là trước thời điểm thực dân Pháp sang xâm lược nước ta (1858).
Năm 1893, sau cuộc chiến ngắn ngủi, Pháp đánh bại Xiêm và ép cắt hầu như toàn bộ đất Lào cho Đông Dương thuộc Pháp, hình thành bản đồ cơ bản của các nước như ngày nay.