1/6 được biết đến là ngày Tết dành cho trẻ em. Đây là dịp trẻ được vui chơi, nhận những món quà ý nghĩa từ người thân. Tuy nhiên, lịch sử ra đời của ngày lễ này không phải ai cũng biết.
Ngày này bắt đầu từ một sự kiện thời Thế chiến Hai diễn ra vào rạng sáng 1/6/1942. Lúc này, quân Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), bắt 173 đàn ông, 196 phụ nữ và trẻ em.
Lính Đức đã tàn sát 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung. 88 em qua đời trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức sát hại nhẫn tâm, năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Liên đoàn muốn chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em – Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.
Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước.
Thông thường, vào ngày này trẻ nhỏ sẽ nhận được quà, lời chúc mừng từ gia đình, thầy cô và tham gia những hoạt động vui chơi.
Ngoài ra, trẻ em còn được gia đình dẫn đi sắm quần áo mới, mua đồ chơi, đưa đi chơi. Ngày Quốc tế Thiếu nhi ra đời có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với trẻ nhỏ mà còn cả người lớn. Nó nhắc nhở các bậc cha mẹ về ý thức, trách nhiệm yêu thương, chăm sóc và che chở cho trẻ em.