Trang chủ Ngày này năm xưa – 2/4/1863: Vụ nổi loạn bánh mì

– 2/4/1863: Vụ nổi loạn bánh mì

Là vụ bạo động dân sự ngắn diễn ra ở thủ đô Richmond của liên minh miền Nam trong nội chiến Mỹ. Khoảng 5.000 người nghèo (chủ yếu là phụ nữ), đã xông vào các cửa hàng và lấy đi mọi thứ: thực phẩm, quần áo, giày dép, và đồ trang sức trước khi quân đội được huy động đến khôi phục lại trật tự.

Do hậu quả của chiến tranh, lạm phát ở miền Nam tăng vọt và thất nghiệp tràn lan, nhất là phụ nữ. Thủ đô Richmond nhận thêm 60.000 dân tị nạn trong 3 năm, gây nên sự quá tải về nhà ở và nhu yếu phẩm. Vụ thu hoạch mùa xuân năm đó phần lớn bị chất vào kho dự trữ hay chuyển ra tiền tuyến, trong khi liên bang miền Bắc thực hiện chính sách tiêu thổ (đi đến đâu là phá nông trại, giết gia súc đến đấy). Hệ quả là giá ngô tăng gấp đôi, trong khi giá bơ và sữa thì gấp ba. So với năm 1861, bột mì và thịt xông khói tăng giá cao nhất: 10 lần. Muối khan hiếm và gần như vô giá, do đường biển bị hải quân liên bang phong tỏa khiến không thể nhập khẩu, mỏ muối ngầm duy nhất thì vừa bị đánh chiếm.

Những người bức xúc tin rằng tình hình tồi tệ là do chính phủ quản lý kém và bọn đầu cơ tích trữ. Để bày tỏ sự bất mãn, nhiều người (chủ yếu là phụ nữ, vì nam giới hầu hết đã ra trận) phản đối sự tăng giá hàng hóa đã chuyển sang hành động bạo lực. Trong suốt tháng 3 và 4 năm 1863, tại các bang Columbus, Georgia, Macon, Atlanta, Bắc Carolina và Augusta, những đám đông vũ trang gậy gộc tấn công các cửa hàng và nhà kho, một số bị đập phá sau khi vét sạch hàng hóa.

Ngày 2 tháng 4 năm 1863, một nhóm phụ nữ nghèo, trong cơn đói và sự tuyệt vọng, kéo đến trụ sở chính quyền tại thủ đô Richmond yêu cầu cứu trợ. Bị từ chối một cách thô lỗ, đám đông chuyển thành biểu tình tự phát và rất nhanh chóng tăng số lượng lên đến hàng ngàn. Họ hét lên “Bánh mì hoặc máu!”, kéo nhau đi đập phá cửa sổ những cửa hàng xung quanh, lấy mọi thứ có thể. Thống đốc Letcher dùng luật bạo loạn để ra lệnh đám đông giải tán, nhưng chẳng ai tuân theo. Giới giàu có co rúm trong nhà với súng lăm lăm trong tay. Quân đội được huy động đến, lưỡi lê chĩa thẳng, nhưng không ai nổ súng vì trước mặt họ chỉ toàn phụ nữ và trẻ em. Đám đông hơi chững lại nhưng không có dấu hiệu giải tán.

Các tướng Elze và Winder muốn gọi thêm quân đến và sử dụng vũ lực, nhưng Bộ trưởng Chiến tranh James Seddon từ chối ban hành lệnh đó. Tình hình căng thẳng, cuối cùng tổng thống Jefferson Davis phải ra mặt. Người ta lấy một chiếc xe bò gần đó làm bục cho ông này đứng, Jefferson Davis nói một hồi, bày tỏ sự thông cảm và đề nghị đám đông giải tán, sau đó ông ra lệnh mang thức ăn từ nhà mình ra để phát. Dĩ nhiên số này chỉ là muối bỏ biển, Jefferson Davis gần như phải cầu xin bằng cách mở ví, dốc hết tiền trong túi ra trước mặt đám đông: “Đây, đây là tất cả những gì tôi có”. Lính bắt đầu lôi đạn trong túi ra nạp, có lẽ để dọa dẫm. Biện pháp này tỏ ra hiệu quả, mọi người chạy vội về nhà, ôm chặt những gì mình lấy được.

Tuy thiệt hại chỉ là mấy chục nghìn đô la hàng hóa bị đánh cắp và vài người bị thương, nhưng sự kiện này đã làm bẽ mặt chính quyền Liên minh miền Nam. Báo chí được chỉ đạo im lặng. Nhưng rồi tin tức vẫn rò rỉ ra ngoài và bị phe miền Bắc thu được. Vụ bạo động bánh mì nhanh chóng được tờ New York Times đưa lên trang nhất. Người ta còn viết thêm là một số phụ nữ chậm chân đã bị bắt lại và tống giam vì tội trộm cắp, nhưng sau vài tuần chính quyền thả họ ra vì nhận thấy những người này thích ngồi tù (được nuôi ăn) hơn là ra ngoài.