Ngày 8/5/1945, chiến dịch đánh chiếm Berlin của Hồng quân Liên Xô kết thúc thắng lợi. Đức Quốc xã kí công ước đầu hàng vô điều kiện.
Chiến tranh kết thúc ở châu Âu nhưng ở Viễn Đông và Thái Bình Dương, quân Nhật với lực lượng hùng hậu, đặc biệt là lục quân với 5,5 triệu người vẫn kháng cự quyết liệt. Giới quân sự Mỹ tính toán rằng phải mất 1 năm rưỡi mới kết thúc chiến tranh với Nhật.
Thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với các nước Đồng minh, nhằm bảo vệ an toàn biên giới phía đông và loại trừ một lò lửa chiến tranh ở châu Á, ngày 5/8/1945, Liên Xô huỷ bỏ hiệp ước trung lập và ngày 8/8 tuyên chiến với Nhật. Ngày 9/8, chiến dịch Mãn Châu bắt đầu.
Tình hình chung
– Hình thức: Chiến dịch tiến công chiến lược.
– Không gian: Mãn Châu (Trung Quốc), Bắc Triều Tiên.
– Thời gian: Từ 9-8 đến 2-9-1945.
Lực lượng tham chiến:
+ Liên Xô – Mông Cổ: Phương diện quân Dabaican, các phương diện quân Viễn Đông 1 và 2, các đơn vị quân đội nhân dân cách mạng Mông Cổ, Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Cờ đỏ sông Amua; tổng cộng: 1.500.000 quân, 26.000 pháo, cối (không kể pháo phòng không), gần 5.300 xe tăng và pháo tự hành, 5.200 máy bay, và có sự tham gia của tàu chiến.
+ Đế quốc Nhật: Đạo quân Quan Đông, các Phương diện quân 1 và 3, Tập đoàn quân độc lập số 4 và Tập đoàn quân không quân số 2, Hạm đội trên sông Tùng Hoa, từ ngày 10-8 được phối thuộc thêm: Phương diện quân số 17 và Tập đoàn Không quân số 5 ở Triều Tiên, tổng cộng trên 1.000.000 quân, 1.155 xe tăng, 5.360 pháo, cối, 1.800 máy bay và 25 tàu chiến. Ngoài ra, còn lực lượng lớn cảnh sát và quân tay sai của Quận vương Đêvan ở Mãn Châu và Nội Mông. Trên biên giới với Liên Xô và Mãn Châu, quân Nhật xây dựng 17 khu vực phòng ngự kiên cố với tổng chiều dài trên 1.000 km và trên 8.000 công trình hoả lực vững chắc.
– Mục đích chiến dịch: Tiêu diệt Đạo quân Quan Đông, giải phóng Mãn Châu và Bắc Triều Tiên, đập tan các căn cứ bàn đạp chiến tranh của Nhật ở trên lục địa, đẩy nhanh quá trình kết thúc Đại chiến thế giới thứ hai.
– Ý định chiến dịch: Mở cuộc tiến công trên hai hướng chủ yếu (từ phía Mông Cổ và vùng duyên hải) và một số hướng bổ trợ, quy tụ vào trung tâm Mãn Châu, nhanh chóng chia cắt, bao vây, tiêu diệt Đạo quân Quan Đông của Nhật. Chính diện chiến dịch có chiều dài 5.000 km, chiều sâu từ 200 đến 800 km, địa hình chiến trường là hoang mạc – thảo nguyên và núi rừng Taiga, có nhiều sông lớn.
Bộ chỉ huy Nhật chủ trương cố thủ trong các tuyến phòng ngự vững chắc dọc biên giới và các dãy núi lớn để chặn đứng cuộc tiến công của quân đội Liên Xô. Trường hợp tuyến phòng thủ này bị phá vỡ, họ sẽ lui về tuyến đường sắt Đồ Môn – Trường Xuân – Đại Liên tổ chức phòng ngự, củng cố và chuyển sang phản công khôi phục lại vị trí ban đầu.
Diễn biến chính
Ngày 9-8, các cụm đột kích của các phương diện quân chuyển vào tiến công từ Mông Cổ và Dabaican theo hướng Khingan – An Sơn, từ sông Amua theo hướng Tùng Hoa Giang và từ duyên hải theo hướng Cáp Nhĩ Tân. Không quân ném bom mãnh liệt vào các mục tiêu quân sự ở Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Cát Lâm và cùng hạm đội đánh phá các căn cứ hải quân Nhật ở Bắc Triều Tiên.
Đến ngày 18, 19-8, Phương diện quân Dabaican, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái R.Ia Malinôpxki đã vượt qua các thảo nguyên, sa mạc Gôbi và dãy núi Khingan lớn, tiêu diệt các cụm quân Cangan, Xôlun, Khaila của Nhật, và đến ngày 20-8, chủ lực của Tập đoàn quân số 6 đã tiến đến An Sơn và Trường Xuân, tiếp tục thọc sâu về phía Đại Liên và quân cảng Lữ Thuận. Bộ đội kỵ binh và bộ binh cơ giới Liên Xô – Mông Cổ đã tiến công đến Trượng Gia Khẩu, Thừa Bắc, cắt đứt Đạo quân Quan Đông với các lực lượng Nhật ở Bắc Trung Quốc.
Phương diện quân Viễn Đông số 1, dưới sự chỉ huy của Nguyên soái K.A. Merêxcôp tiến công theo hướng đối diện với phương diện quân Dabaican, vượt qua tuyến phòng ngự vững chắc của địch, đập tan nhiều đợt phản đột kích mạnh, và đến ngày 20-8, đã tiến đến Cát Lâm, hợp quân cùng Phương diện quân Viễn Đông số 2 tiến công Cáp Nhĩ Tân; Tập đoàn quân số 25 hiệp đồng với các lực lượng đổ bộ của Hạm đội Thái Bình Dương đánh chiếm căn cứ hải quân và giải phóng toàn bộ Bắc Triều Trên đến vĩ tuyến 38.
Bộ đội Phương diện quân Viễn Đông số 2 dưới sự chỉ huy của Đại tướng M.A. Puccaép hiệp đồng với Hạm đội sông Amua vượt sông thắng lợi ở khu vực Uxuri, đột phá tuyến phòng ngự cực kỳ kiên cố của Nhật ở Xakhalin, Phục Tân, vượt qua dãy Khingan nhỏ, và đến ngày 20-8, hiệp đồng với bộ đội Phương diện quân Viễn Đông số 1 tiến công Cáp Nhĩ Tân.
Đến ngày 20-8, quân đội Liên Xô đã thọc sâu vào Mãn Châu 400 – 800 km ở phía tây, 200 – 300 km ở phía đông và phía bắc, tiến vào đồng bằng Mãn Châu, chia cắt bao vây, tiêu diệt các cụm quân Nhật. Từ ngày 19-8, quân Nhật hầu như khắp nơi đã bắt đầu ra hàng. Để đẩy nhanh quá trình đó và không cho Nhật kịp sơ tán, huỷ hoại các công trình xây dựng, quân đội Liên Xô đã đổ bộ bằng đường không và sử dụng các cụm cơ động đánh chiếm các thành phố lớn: Cáp Nhĩ Tân, An Sơn, Trường Xuân, Cát Lâm, Đại Liên, Cảng Lữ Thuận, Bình Nhưỡng, Cancô. Cuộc tiến công thần tốc của quân đội Liên Xô vào Mông Cổ đã đẩy quân Nhật vào tình trạng không lối thoát và đập tan mưu đồ phòng ngự cố thủ rồi chuyển dần sang phản công của Bộ chỉ huy Nhật. Việc đập tan Đạo quân Quan Đông và chiếm các căn cứ kinh tế – chiến tranh của Nhật trên lục địa đã làm cho Nhật hoàn toàn mất khả năng thực tế để tiếp tục chiến tranh.
Tính chung, trong chiến dịch kéo dài 23 ngày đêm trên một mặt trận dài trên 5.000km này, phía Nhật Bản đã mất 70.000 quân, 600.000 người bị bắt làm tù binh, trong đó có 149 viên tướng.
Chiến thắng của quân đội Liên Xô đã giải phòng toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc và Triều Tiên, loại bỏ nguy cơ xâm lược đối với Liên Xô ở vùng Viễn Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Viễn Đông và Đông Nam Á.
Thất trận nặng nề, nước Nhật bị tê liệt hoàn toàn. Nhật sau đó đã phải ký biên bản đầu hàng vô điều kiện. Văn kiện này đã đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít, kết thúc Thế chiến 2.
Những phát triển của nghệ thuật quân sự
Chiến dịch Mãn Châu là một trong các chiến dịch kiệt xuất của các lực lượng vũ trang Liên Xô trong Đại chiến thế giới thứ hai cả về ý định, quy mô, cường độ và phương pháp tác chiến chiến thuật, chiến lược. Nghệ thuật quân sự trong chiến dịch này nổi bật ở việc tổ chức, thực hành tiến công thần tốc và thọc sâu trên nhiều hướng, kiên quyết chia cắt, bao vây, tiêu diệt quân đối phương và đập tan ý đồ đối phó của chúng. Qua chiến dịch này, nghệ thuật quân sự Liên Xô được tích luỹ phong phú thêm bởi kinh nghiệm về tiến hành bố trí lại lực lượng vũ trang với quy mô chưa từng có từ phía tây sang phía đông của đất nước, trên cự ly 8.000 – 12.000 km; về việc cơ động các lực lượng lớn trên cự ly dài, chiếm lĩnh chiến trường có địa hình phức tạp và chưa quen thuộc; về tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa lục quân và hải quân.
Chiến dịch Mãn Châu còn nổi bật ở quy mô to lớn: việc chọn hướng tiến công chủ yếu trong điều kiện chính diện tiến công rất rộng lớn, và tính độc lập tác chiến cao của các phương diện quân, tập đoàn quân và của cả các binh đoàn trong điều kiện các hướng chiến dịch hầu như biệt lập với nhau. Việc bố trí trong thê đội một chiến dịch các tập đoàn quân xe tăng và kỵ binh – bộ binh cơ giới đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tốc độ tiến công rất cao trong suốt quá trình chiến dịch. Kinh nghiệm sử dụng không quân, hải quân trong việc thực hành các nhiệm vụ tiến công, trinh sát, vận tải và tiến hành đổ bộ đường không, đường biển quy mô lớn, đã được phong phú thêm một bước.
Việc đặc cách lập ra cơ quan Tổng hành dinh Viễn Đông dưới sự chỉ huy của Nguyên soái A.M. Vaxiliepxki đã tạo điều kiện chỉ huy linh hoạt, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ các phương diện quân và quân chủng để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược trọng đại.
Tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu