Trang chủ Nổi bật Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 – Kỳ 5 : Thoát...

Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 3 – Kỳ 5 : Thoát Hoan chiếm Vạn Kiếp, Trần Khánh Dư lập công chuộc tội

1. Quân Nguyên hội quân ở Vạn Kiếp:

Đầu tháng 1.1288, Thoát Hoan tự mình cầm đại quân đánh vào Vạn Kiếp, trong lúc đó Ô Mã Nhi sau khi vượt qua các chốt thủy ngoài ven biển Đại Việt cũng theo dòng sông Bạch Đằng tiến gấp về Vạn Kiếp. Quân Nguyên do Trịnh Bằng Phi chỉ huy sau thất bại ở Lãng Kinh cũng kéo về hội với Thoát Hoan. Thủy bộ quân Nguyên gần 30 vạn hai mặt giáp công, khí thế rất mạnh. Hưng Đạo vương vốn chỉ đem quân bày trận khiêu khích địch, buộc chúng phải tiến hành hội quân quy mô lớn, giảm tiến độ hành quân. Bấy giờ Thoát Hoan muốn đánh lớn, nhưng Hưng Đạo vương là chưa muốn quyết chiến quá sớm, nhanh chóng chỉ huy cho quân rút lui bảo toàn lực lượng. Thế trận Vạn Kiếp do đó mà diễn ra khá chóng vánh, thương vong của cả hai phía là không đáng kể. Quân Đại Việt tạm thời nhường địa bàn cho địch.

Dễ dàng chiếm được Vạn Kiếp, Thoát Hoan quyết định cho lập đại bản doanh tại đây. Hắn muốn kiểm soát thật vững chắc vùng Vạn Kiếp và phụ cận trước khi tiến hành các bước chiến lược tiếp theo, sai Lưu Uyên dẫn 2 vạn quân thủy bộ đánh tỏa ra những vùng quanh Vạn Kiếp. Quân Nguyên thừa thế đánh chiếm thành Linh Sơn (núi Chí Linh). Thủy quân Nguyên đóng dày các ngã sông ở Vạn Kiếp (sông Thái Bình, sông Lục Nam). Tướng dưới trướng A Bát Xích là Tích Đô Nhi (Siktur) dẫn quân chiếm thành Chữ Nhất (thành nằm gần Vạn Kiếp, chưa rõ vị trí). Các tướng Trịnh Bằng Phi, A Lí (Ali), Lưu Giang thống lĩnh 2 vạn quân, được Thoát Hoan giao nhiệm vụ đóng giữ đại doanh.

Quân Nguyên dựa vào thế núi Phả Lại, núi Chí Linh mà xây dựng thành gỗ, kho lương, doanh trại rất kỳ công. Sở dĩ Thoát Hoan coi trọng vị trí của Vạn Kiếp như vậy là do rút kinh nghiệm từ lần xâm lược trước. Lúc ấy, quân Nguyên hùng hổ tiến sâu xuống đánh chiếm Thăng Long và các vùng phía nam đồng bằng sông Hồng, để hở Vạn Kiếp cho Hưng Đạo vương đem quân đánh bọc hậu, khiến chúng bị dồn vào giữa. Lần ấy Thoát Hoan đã phải vội vã xin thêm quân tiếp viện. Vả lại, kiểm soát tốt Vạn Kiếp là kiểm soát được lộ Hải Đông (Quảng Ninh, một phần Hải Dương, Hải Phòng ngày nay), giới hạn rất nhiều không gian tác chiến của thủy quân Đại Việt.

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn sau khi rút khỏi Vạn Kiếp thì đem quân bày trận tuyến mới trên sông Đuống, che chắn Thăng Long từ phía bắc. Trong lúc đó, vua và Thượng hoàng đã sẵn sàng các phương án tiến thủ. Ngày 10.1.1288, vua Trần phái Minh tự Nguyễn Thức đem quân Thánh Dực dũng nghĩa đến cửa Đại Than (ngã ba nơi sông Đuống và sông Lục Đầu giao nhau) tăng viện cho quân của Hưng Đạo vương. Phòng tuyến mới này lại buộc Thoát Hoan phải tốn thêm thời gian chuẩn bị lực lượng tiến đánh, vì quân số của ta vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn sau khi rút lui từ Vạn Kiếp về.

2. Mặt trận tây bắc:

Ở mặt trận phía tây bắc, tình hình tương tự như cuộc kháng chiến lần trước. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật nhận nhiệm vụ che chắn cho Thăng Long từ phía tây bắc. Chiêu Văn vương có 4 vạn quân với đủ mọi thành phần sắc tộc. Quân Đại Việt ở hướng tây bắc dựng hai phòng tuyến để chặn giặc. Phòng tuyến thứ nhất là cửa ải Mộc Ngột (Bạch Hạc, Việt Trì), với chốt quân thủy bày dọc sông Lô, sông Hồng. Phòng tuyến thứ hai là cửa ải Phú Lương (chưa rõ vị trí cụ thể), nằm phía tây bắc Thăng Long. Cùng chiến đấu với lực lượng quân đội của Chiêu Văn vương là các lực lượng dân binh người dân tộc thiểu số các vùng tây bắc. Đó là những đội quân nhỏ, bố trí dọc đường từ Vân Nam vào lãnh thổ Đại Việt, chờ đợi phục kích, đánh tỉa quân Nguyên.

Quân Nguyên từ Vân Nam tiến sang Đại Việt khá sớm. Tháng 12.1287, vương tử A Thai (A Tai), Hữu thừa Ái Lỗ cùng tướng Mang Cổ Đái đem vài vạn quân tiến vào nước ta theo ngã Quy Hóa (thuộc Lào Cai ngày nay). Quân Nguyên cánh này có nhiều kỵ binh người Mông Cổ, người Bạch và các sắc dân Vân Nam khác, lực lượng có phần hùng mạnh hơn lần xâm lược trước. Vừa tiến vào biên giới nước ta, ngay lập tức quân Nguyên đã bị hàng loạt các toán quân nhỏ người thiểu số của nước Đại Việt liên tiếp quấy nhiễu hàng chục trận, khiến chúng tổn thất lực lượng liên tiếp. Tuy nhiên quân Nguyên vẫn còn rất đông và tiến nhanh. Các đạo dân binh chỉ có khả năng dựa vào địa lợi mà đánh tỉa, không đủ năng lực chặn giặc hay gây thương vong lớn.

Ngày 11.12.1287, quân Nguyên tiến đến Bạch Hạc, đụng trận với Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ở cửa ải Mộc Ngột. Quân số hai bên gần tương đương nhau nhưng quân Nguyên tinh nhuệ hơn. Quân Đại Việt thất thế, Chiêu Văn vương lệnh bỏ thuyền lui quân về Phú Lương. Các tướng Đại Việt là Lê Thạch, Hà Anh cầm quân chặn hậu, kéo dài được thêm một thời gian rồi bị giặc bắt. Nhờ sự hy sinh đó mà quân Đại Việt có dư dả thời gian rút lui về tuyến sau tái tổ chức thế trận. Quân Nguyên chiếm được ải Mộc Ngột và vùng Bạch Hạc, chiếm được một số chiến thuyền của ta, tiếp tục tiến sâu vào trung tâm Đại Việt. Ngày 19.12.1287, Ái Lỗ dẫn quân Nguyên đánh vào cửa quan Phú Lương, Chiêu Văn vương cùng quân phòng thủ ở đây đã cầm chân được giặc. Quân Nguyên đánh liên tục nhiều ngày, trước sau cả thảy 18 trận lớn nhỏ không qua được ải, hai bên ghìm nhau. Ái Lỗ đóng quân chờ cánh quân của Thoát Hoan đến để cùng phối hợp.

3. Trần Khánh Dư lập công lớn chuộc tội:

Lại nói về Phó đô tướng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư sau khi bại trận ở Vân Đồn, tội cũ tội mới cộng dồn. Thượng hoàng bèn sai Trung sứ đến giải về trị tội. Trần Khánh Dư biết lỗi, xin Trung sứ khấn vài hôm để lập công chuộc tội và được Trung sứ đồng ý.

Trần Khánh Dư đoán định rất chính xác rằng sau khi thủy quân của Ô Mã Nhi đi qua rồi, tất hạm đội tải lương của quân Nguyên sẽ tiến sau. Ô Mã Nhi vội vã tiến gấp phần là vì muốn nhanh chóng hội quân với Thoát Hoan để đánh lớn, dứt điểm nhanh cuộc chiến, phần là chủ quan coi khinh thủy quân của Trần Khánh Dư, cho rằng thủy quân ta đã nhanh chóng bị đánh tan nên không có đáng ngại. Ô Mã Nhi đã quên mất những điều quan trọng. Một là quân Đại Việt có kỷ luật rất cao. Sau thất bại, quân ta bị tan rã nhiều hướng liền tìm về cơ ngũ, lực lượng do đó vẫn có khá mạnh. Hai là lương thực vốn là điều quan trọng hàng đầu đối với một đạo quân viễn chinh đông đảo như quân Nguyên. Ô Mã Nhi chỉ tham công lúc ban đầu mà không đủ thận trọng, để cho hạm đội tải lương của quân Nguyên rơi vào thế cô độc.

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thu thập số quân lính và thuyền bè còn lại, đặt mai phục ở Vân Đồn, quanh vịnh Hạ Long, Lục Thủy (Cửa Lục, Hòn Gai ngày nay) chờ đợi giặc. Một ngày, hai ngày, quân ta vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng, một ngày đầu tháng 2.1288, đoàn thuyền lương của quân Nguyên cũng ì ạch tiến đến. Tướng chỉ huy là Trương Văn Hổ. Thuyền lương của quân Nguyên tuy to lớn nhưng chở nặng nên rất chậm chạp, lại không có thủy quân chiến đấu bảo vệ, trở thành mục tiêu thuận lợi cho quân ta. Chờ cho thuyền giặc tiến vào trận địa mai phục, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư phát lệnh tấn công. Từ Vân Đồn, binh thuyền quân ta tràn ra tấn công bất ngờ, dồn dập. Quân Nguyên trở tay không kịp, thuyền bị đánh đắm, quân lính chết đuối rất nhiều. Trương Văn Hổ chẳng biết làm sao, chỉ thúc quân thẳng tiến vào nội địa. Đến Lục Thủy thì quân ta đem thuyền ra chặn mặt trước, lại thêm binh thuyền từ Vân Đồn vây mặt sau, thuyền quân Nguyên cồng kềnh nên bị mắc cạn, hết đường tiến thoái. Trương Văn Hổ đành phải lệnh cho quân ném lương thực xuống biển để tìm đường đào thoát. Kể cả như vậy thì mọi việc cũng đã quá muộn. Quân Đại Việt quyết tâm cao độ, cùng nhau đánh gấp, chia cắt đội hình thuyền quân Nguyên. Cuối cùng, gần như toàn bộ hạm đội giặc bị tiêu diệt và bị bắt. Trương Văn Hổ dùng thuyền nhỏ chèo trốn, may mắn thoát thân một mình về Quỳnh Châu. Quân ta bắt được lương thực, khí giới, thuyền bè, tù binh nhiều không kể xiết. Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cùng quân sĩ thắng trận giòn giã, rất vui mừng, liền cho người chạy trạm mang thư về triều báo tiệp.

Chiến thắng Vân Đồn – Lục Thủy là bước ngoặc quan trọng của cuộc chiến. Mặc dù cuộc kháng chiến còn kéo dài thêm một thời gian với khá nhiều diễn biến cam go, gay cấn nhưng tiền đề chiến thắng được nhiều sử gia đánh giá là bắt nguồn từ việc Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư phá tan được thuyền lương của giặc. Nhờ đó mà mọi toan tính chiến lược của quân Nguyên đã bị đảo lộn. Việc thiếu lương thực đã đẩy chúng vào một thế trận hoàn toàn bị động.

Cương mục viết: “Quân Nguyên từ đấy thiếu lương ăn, mỗi ngày một quẫn bách thêm. Quân sĩ ai cũng muốn về, không ai có lòng chiến đấu. Cho nên năm bấy giờ quân Nguyên lại kéo sang mà dân ta bị hại không đến nỗi thảm khốc như năm trước. Khánh Dư thực đã dự một phần công lao”.

(còn tiếp)

Quốc Huy/Một Thế Giới