Trang chủ Kiến Thức Lĩnh Ngoại Đại Đáp – Sử liệu nước Tống nói về Đại...

Lĩnh Ngoại Đại Đáp – Sử liệu nước Tống nói về Đại Việt thời Lý

Người Giao Chỉ

Người nước Giao Chỉ mặc áo đen, nhuộm răng đen, búi tóc, đi chân trần, không kể quý tộc hay thấp hèn đều như thế. Người đứng đầu các thôn làng cũng đi chân trần, nhưng cài trâm vàng, trên là áo vàng, dưới là váy tía. Người còn lại thì trên là áo đen, cổ áo cuộn tròn trước cổ, bốn cái vạt áo giống cái vai gọi là bốn cái đỉnh; dưới là váy đen. Hoặc cài trâm sắt, hoặc đi giày da, tay cầm cái quạt lông hạc, đầu đội nón trôn ốc. Người nước này xăm thân như hình khắc của trống đồng. Quân sĩ khắc lên trán chữ “Thiên tử binh”. Người đàn bà thì da trắng trẻo, khác với đàn ông. Mặc váy đen, đàn ông thì mặc quấn. Lấy dầu thơm bôi lên tóc như bôi sơn, trùm khăn the đen, buộc quanh đỉnh đầu nhưng nhỏ, từ trán trở lên thì nếp gấp nhỏ như đường khâu, phía trên đến đỉnh. Thân mặc áo đen, cổ áo cuộn khúc lớn, có thêm áo cổ cuộn khúc nhỏ ở trên. Chân đi giày, bít tất, đi dạo giữa đường lớn, không khác người Trung Quốc, nhưng nhìn cái khăn là phân biệt được. Người nước này gửi thư từ, bao đựng như măng tre, bái lạy thong thả. Sứ giả đến, các quan văn võ đều mặc áo dài màu tía, buộc dây lưng màu đỏ vẽ hình tê giác, không có hình cá. Từ lúc cống voi về sau, Lí Bang Chính lại sai sứ đến Khâm Châu, mới có thêm hình cá vàng rất to lớn. Kiệu của người nước này như cái túi vải, khi sứ giả đến Khâm Châu thì ngồi kiệu mỏng, khi trời tạnh ráo đều dùng kiệu này.

Mực

Dung Châu có nhiều cây tùng lớn, người châu này làm ra mực. Một thoi mực tốt không đầy trăm quan tiền, rẻ nữa thì một cân mực chỉ có hai trăm quan tiền, thương nhân đề ra số tiền mua rồi bán mực. Mực của người Giao Chỉ tuy không đẹp lắm, cũng không đến nỗi xấu lắm. Người Giao Chỉ lấy mực và nghiên đều đeo ở vùng eo lưng.

Quạt lông

Người huyện Tĩnh Giang giỏi bắt chim, rồi vặt lông để làm quạt, các quạt phải đính lông, lấy lông để trương ra, lấy dây buộc vào cây trụ, đợi thịt khô gân cứng mới dùng được. Chim kinh là loài chim lớn, lấy lông của nó làm quạt, dài vài thước, màu đen, quạt nhiều gió, dũng sĩ thường dùng quạt này, có phần tráng lệ. Lông chim cò thì màu trắng muốt, nhẹ mà quạt gió nhỏ, sĩ phu thường dùng quạt này. Lấy keo bôi lên gân xương cho màu đỏ, cũng có phần đẹp. Người Giao Chỉ lại dùng lông chim hạc, lấy dây bện với lông, nhưng phân biệt với cán. Nói rằng đất Giao Chỉ có nhiều rắn, chim hạc lại ăn thịt rắn, rắn ngửi thấy mùi lông chim hạc thì tránh xa. Dùng chim hạc để đuổi rắn vậy.

Nón Man

Giao Chỉ có nón như mũ đâu mâu, nhưng đỉnh nhọn giống hình trôn ốc, gọi là nón trôn ốc. Lấy sợi tre nhỏ mà làm nên; tuy là khéo léo nhưng chỉ có người thấp hèn đội mà thôi.

Giày da

Chân người Giao Chỉ xỏ dày da, giống hình vẽ các vị La Hán đi giày. Lấy da làm đế, nhưng giữa có một cái trục nhỏ dài khoảng một tấc, phía trên có núm nhỏ để đem chân xỏ vào mà đi. Hoặc lấy tấm da màu đỏ đính vào giống hình chữ thập, lại đặt ba cái núm ở trên đế da để chân xỏ vào mà đi. Đều là giày mà người giàu có đi vậy. Đất này gần phương tây nên trang phục giống người phương tây.

Khăn vuông của người An Nam

Sứ giả của An Nam đến Khâm Châu, quan Thái thú dùng hát múa để đãi tiệc, cũng đem tặng các thợ hát múa, người ta đem cho một cái khăn vuông. Khăn vuông mịn như tấm lưới nhỏ nhưng trùm khăm thì dùng gấm. Người Giao Chỉ tự mặc áo khố, đều để khăn vuông kín mít bên trong người vậy. Không biết cái khăn vuông này của người An Nam dùng để làm gì. Ta nghe nói người Man lấy được vải đỏ của Trung Quốc, đều gỡ sợi tơ màu mà tự đan áo, có lẽ khăn vuông này cũng gỡ sợi tơ ấy ra mà làm thôi.

Đồng

Sách sử chép người Lạc Việt có nhiều đồng, bạc. “Giao Châu kí” viết: “Người Việt đúc đồng làm thuyền”. “Quảng Châu kí” viết: “Người Lí, Lão đúc trống đồng”. Nghe nói các nước Giao Chỉ và Chiêm Thành, chỗ vua ở đều lấy đồng làm ngói, chắc rằng phương nam có nhiều đồng. Ngày nay ở Ung Châu có đồng không nhiều mấy, và ngoài khê động miền Hữu Giang, có một động của người Man, là chỗ mà đồng sự sinh ra, đào đất mấy thước thì có quặng, cho nên người Man phần nhiều dùng đồ đồng. Từng có dâng đến triều đình, muốn cùng trao đổi, việc này ở các ti của bản lộ, nói là sinh ra nhiễu động ngoài biên giới, tấu xin bãi bỏ.


Gỗ tư lũy

Gỗ tư lũy mọc ở các châu động miền Lưỡng Giang, cứng, cho vào giữa nước, trăm năm không mục. Người châu động và người Giao Chỉ lấy làm cung tên, các đồ khiên, giáo, là tốt nhất thiên hạ.

Ăn trầu cau

Từ Phúc Kiến dưới Tứ Xuyên cùng các tỉnh Quảng Đông, Tây Lộ, đều có người ăn trầu cau. Khách đến thì không bày trà, chỉ lấy trầu cau làm lễ. Cách làm là cắt như cắt quả dưa, đem một ít vôi trộn với lá trầu, bọc cau mà nhai nhấm, trước thổ ra một ngụm nước màu đỏ, rồi mới nhai phần còn lại. Có ít người, vẻ mặt màu đỏ thẫm, cho nên thi nhân có câu là “say trầu cau”. Không dùng voi hến, chỉ dùng vôi đá; không dùng lá trầu, chỉ dùng lá trầu đằng, ở Quảng Châu lại có thêm các thuốc thơm như đinh hương, hoa quế, hoa tam lại, gọi là trầu cau thuốc thơm. Chỉ có người Quảng Châu dùng rất nhiều, không kể giàu, nghèo, già, trẻ, trai, gái, từ sớm đến tối, thà chẳng ăn cơm, nhai nhấm trầu cau. Người giàu thì dùng bạc làm bồn chứa, người nghèo thì dùng thiếc. Ngày thì lại gần bồn mà nhai, đêm thì đặt bồn ở bên gối, ngủ cũng nhai nhấm trầu cau . Bọn dân đem thượng lưu, hạ lưu, một ngày tiêu hơn trăm quan tiền vì mua trầu cau. Có người giễu cợt người Quảng Châu nói: “Miệng người đi trên đường như miệng con dê”. Ý nói nhai lá trầu, cả ngày cũng nhai, nhai cả quả cau vậy. Hễ gặp mặt nhau thì để hở răng đen môi đỏ; mấy người hẹn gặp thì làm đỏ cả vùng đất, thực đáng chán ghé. Khách như bọn sĩ phu, thường đem tráp theo mình, làm như cái thoi bạc, chia làm ba: một là chỗ đựng trầu, hau là chỗ đựng cạu, ba là chỗ đựng vôi. Sứ giả của Giao Chỉ cũng nhai nhấm trầu cau, người khác hỏi: “Sao lại nhai nhấm như vậy”? Đáp nói: “Để tránh chướng, trừ khí, tiêu thức ăn. Ăn lâu ngày thì một khắc cũng không thể không có nó, không ăn thì miệng lưỡi không có mùi vị, khí lại xú uế”. Từng bàn về nguyên nhân y thuật, nói: “Cau có thể giáng khí, cũng có thể háo khí. Phổi là chỗ của khí, ở trên màng ngực, lấy cuống hoa để ngăn xú uế trong bụng. Lâu ngày ăn cau, thì phổi không thể ngăn, cho nên khí xú uế bốc lên đến vùng má, thường muốn nhai nhấm trầu cau để giáng khí, nhưng không có ích vì chướng, chướng bệnh này lại phát nhiều nhiệt, cho nên không thể không ăn trầu cau vậy”.

Chợ buôn bán ở trại Vĩnh Bình – Ung Châu

Trại Vĩnh Bình thuộc miền Tả Giang – Ung Châu, giao tiếp với đất Giao Chỉ, cách một dòng suối. Phía bắc có trạm dịch Giao Chỉ, phía nam có đình Tuyên Hòa, làm thành chợ buôn bán. Chủ trại Vĩnh Bình quản lí việc buôn bán. Người Giao Chỉ hằng ngày đem thuốc thơm, tê, voi, vàng, bạc, muối, tiền trao đổi để lấy lụa mỏng, gấm, võng, vải của thương nhân Trung Quốc rồi đi. Những người đến trại Vĩnh Bình đều là người Giao Chỉ ở các thôn động, đi đường bộ mà đến. Hàng hóa mang theo đều nhỏ nhẹ, chỉ có muối là nặng nề. Nhưng muối chỉ có thể đổi lấy vải mà thôi. Lấy 25 cân làm một sọt, vải thì lấy vải nhỏ mà người huyện Vũ Duyên – Ung Châu làm ra. Người huyện này cũng thật thà, không gian dối như người Giao Chỉ ở châu Vĩnh An đến Khâm Châu. Như miền Tả Giang lại có sách Nam Giang, tiếp giáp với châu Tô Mậu của Giao Chỉ, lại ít trao đổi, thì viên Tuần phòng của sách Nam Giang trông coi việc buôn bán.


Chợ buôn bán Khâm Châu

Những dụng cụ sinh hoạt của Giao Chỉ đều trông mong ở Khâm Châu, thuyền chèo qua lại không dứt. Chợ buôn bán ở trạm dịch Giang Đông ngoài thành. Người Giao Chỉ lấy cá, ngọc trai đổi lấy gạo, vải, gọi là người Đản Giao Chỉ. Nhà buôn giàu có của nước nước này đến buôn bán, phải từ châu Vĩnh An gửi tờ trình đến Khâm Châu, gọi là Tiểu Cương. Nước này sai sứ giả đến Khâm Châu, nhân đó trao đổi buôn bán, gọi là Đại Cương. Vật mang theo để trao đổi là vàng bạc, tiền đồng, trầm hương, quang hương, thục hương, sinh hương, trân châu, ngà voi, sừng tê. Nhà buôn nhỏ của Trung Quốc bán các đồ giấy, bút, gạo, vải, hằng ngày trao đổi lặt vặt với người Giao Chỉ, cũng không kể đủ. Chỉ có nhà buôn giàu có của đất Thục đến Khâm Châu, ở Khâm Châu đổi lấy trầm hương rồi về đất Thục, mỗi năm qua lại một lần… Người Giao Chỉ vốn thật thà, người Trung Quốc lừa họ ở chỗ cao, thấp của cái cân đo. Sau đó đến ba lần đi sứ, làm rõ lại cân đo của chợ buôn bán. Năm gần đây người châu Vĩnh An rất gian dối, nhà buôn Trung Quốc lừa bọn kia đều lấy thuốc giả, bọn kia thì lấy vàng bạc pha trộn với đồng, đến nối không thể phân biệt được, hương liệu thì trộn với muối, khiến cho nước ngấm vào, hoặc nhét chì vào hương liệu, nhà buôn suy đọa vì cái cách này vậy.

Trống đồng

Trong tỉnh Quảng Tây có trống đồng, người cày ruộng từng lấy được. Hình dạng của nó: vòng tròn chính thì mặt bằng, eo cong, hình như rỏ, lại có cái đế lớn, mặt có năm con cóc, chia ra đứng ở trên, con cóc đều ngồi thỗn chân, một lớn một nhỏ cõng nhau. Các hình khắc xung quanh, vòng tròn thì có hoa văn tiền cũ, hoa văn vuông hình sợi đan chiếu, hoặc là hình người, hoặc là hình ngọc, hoặc người như Phật, như rừng ngọc, hoặc cong như nanh lợn, như tai hươi, đều thành thể thống nhất. Tổng hợp các hoa văn này, phần lớn là hình vẽ tinh tế, khéo léo, tỉ mỉ, có thể nói là hoàn hảo. Trống đồng lớn thì rộng bảy thước, nhỏ thì rộng ba thước, ở các nhà chùa tế thần, Phật đều có trống đồng, châu huyện dùng để đánh điểm canh giờ. Người Giao Chỉ từng mua riêng đem về, chôn giấu trong núi, không biết để làm gì. Xét “Quảng Châu kí” viết: “Người Lí, Lão đúc trống đồng, chỉ có trống cao lớn là quý, mặt trống rộng hơn một trượng”. Không biết đúc nên vào thời nào. Xét rằng, Mã Viện đánh Giao Chỉ, thu được trống đồng Lạc Việt, đúc thành ngựa. Có người nói trống đồng đúc ở thời trước khi xây Tây Kinh. Tuy không phải là vật tế lễ thời Tam Đại, nói rằng đúc vào thời Tam Đại thì có thể đúng vậy. Cũng có trống đồng nhỏ nhất, rộng khoảng hai thước, rất đáng yêu, trống này kẻ sĩ phu tìm kiếm được mà không cho tặng.

Giao Chỉ

“Lễ kí” viết: “Phương nam gọi là Man, Điêu Đề, Giao Chỉ, có người không ăn thức ăn nấu bằng lửa”. “Giao Châu kí” viết: “Người Giao Chỉ, xuất từ huyện Nam Định, xương chân không có đốt, thân có lông, nằm thì dựa vào mới ngồi dậy được”. Ta đến Khâm Châu, thấy đàn ông răng đen, đi chân trần, nhuộm đen quần áo, tai người, nhìn như quạ, gọi là chân không có đốt, thân có lông chăng? Có người nói người Đạo Châu thấp lùn, nay người Đạo Châu cao bảy thước, mà người huyện Cung Thành thuộc Chiêu Châu cách Đạo Châu một bờ ruộng, vùng này có một hai người lùn, trộm nghĩ người huyện Nam Định giống người huyện Cung Thành vậy. Nếu không phải, há có người mà chân không có đốt mà lại dựa vào nhau được sao? Vùng này bị khí chướng lệ, mới đặt tên ấy, nghĩ rằng phải như thế.

Chu Khứ Phi

Nguồn : Diễn đàn LSVN


Ba dòng nước xoáy

Bốn quận phía tây nam đảo Hải Nam có biển lớn gọi là Giao Chỉ dương. Tại biển có 3 dòng nước xoáy, nước phun lên chía thành 3 dòng; dòng thứ nhất chảy về phía nam dẫn đến biển thuộc các nước Phiên ; dòng thứ 2 chảy lên phía bắc qua vùng biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang; dòng thứ 3 chảy vào nơi mù mịt không bờ gọi là Đông Đại Dương. Tàu thuyền đi về hướng nam phải qua ba dòng nước xoáy, nếu gặp một chút xíu gió thì vượt được,nếu vào chổ hiểm đó mà không có gió thuyền không ra được, ắt phải vỡ chìm trong ba dòng nước xoáy. Nghe truyền rằng biển lớn phía đông có Trường Sa Thạch Đường [ tức QĐ.Hoàng Sa ] rộng vạn dặm, nước thủy triều thi triển đẩy vào chốn cửu u. Trước kia đã có thuyền bị bão phía tây thổi, trôi dạt đến biển lớn phía đông này , nghe tiếng ba đào chấn nộ hung hãn, trong khoảng khắc gặp gió lớn thuận chiều nên may thoát được.

Nguồn : Hồ Bạch Thảo