Sự kiện giải phóng Sài Gòn ngày 30/04/1975 là một mốc son quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Trong những ngày cuối cùng của Sài Gòn đã phát sinh hai luồng ý nghĩ khá đối nghịch của dân cư Sài Gòn. Một đằng hân hoan, chờ đợi ngày đất nước thống nhất, kết thúc chiến tranh. Một đằng lo âu, sợ hãi về một cuộc tắm máu Sài Gòn của “Việt Cộng man rợ”. Đó là kết quả của sự tuyên truyền nhiều năm trời tại miền Nam. Không khí Sài Gòn trước, trong và sau giờ khắc giải phóng được miêu tả khá sinh động trong bài báo của nhà báo người Ý Tiziano Terzani. Bài báo nằm trong cuốn sách Thành Phố Hồ Chí Minh – Giờ Khắc Số 0 do nhà báo Tây Đức Borries Gallasch tổng hợp các phóng sự trong sự kiện 30/04/1975.
Diễn đàn Lịch sử Việt Nam mời các bạn đọc qua để hiểu thêm về một hiện tượng lịch sử.
VÀ HÃY XEM, VIỆT CỘNG CŨNG LÀ CON NGƯỜI
Tiziano Terzani viết cho báo L’Expresso
Người đàn ông khóc nức nở. Ông cầm tờ giấy trên tay, mà nó có thể là giấy thông hành đi vào vùng an ninh hoặc sau đó mấy giờ nó trở thành cái chết của ông ta.
“Người cầm tờ giấy này là người phục vụ trung thành trong ngôi nhà tôi. Anh ta tin tưởng vào giá trị của thế giới tự do, và nếu anh ta rơi vào tay Cộng sản, chắc tính mạng anh ta sẽ gặp nguy hiểm. Xin quý ngài hãy dành cho anh ta mọi sự giúp đỡ có thể được”.
Bức thư do một thương gia Mỹ ký tên mà trước đó một tuần ông đã rời khỏi Sài Gòn, và ông trả công cho anh nấu bếp của mình bằng bức thư trên gửi đại sứ quán Hoa Kỳ.
Người đàn ông tội nghiệp không thể chuyển bức thư ngỏ nói trên. Đó là ngày 30-4. Chiếc máy bay trực thăng Mỹ cuối cùng đã cất cánh từ nóc tòa nhà màu trắng của đại sứ quán, trên máy bay là những lính thủy cuối cùng đã rút về hướng “Elipad” trong tư thế chuẩn bị chiến đấu. Họ với lưỡi lê tuốt trần đã đẩy lùi số đông hoảng loạn những người Việt Nam khiếp sợ. Khói bốc lên từ cửa sổ, những kẻ hôi của tràn vào tầng hai. Thảm bị xé ra, bàn ghế bị đập phá, tất cả những gì không đóng chặt bằng đinh, bằng con tán đều bị lấy đi từ văn phòng của đại sứ Martin.
“Hãy giết tôi đi! Hãy giết tôi đi!” người đầu bếp lầm bầm, đưa bàn tay run rẩy lên cổ như cầm một con dao.
Buổi tối, ông đi đến khách sạn và không tin tôi không phải người Mỹ. Ông ta như không muốn rời lấy tôi.
Hàng ngàn người Việt Nam khác đã nghĩ như ông, họ tin mọi hy vọng của mình đã tan vỡ, tính mạng của họ sẽ kết thúc trong bể máu. Người Mỹ đã gieo vào đầu óc họ hàng tháng trời về điều ấy. Và với hệ thống máy tính vô hồn, họ đã công bố lời nhận xét với kích cỡ khổng lồ rằng người dân sẽ bị sát hại trong trường hợp Cộng sản tiếp nhận chính quyền.
Không riêng cảnh sát, sĩ quan, binh lính chống Cộng sản sợ trả thù, mà cả viên chức, thư ký các công sở Mỹ, gái mãi dâm, những cô gái bar sống bằng đô la Mỹ, tài xế và liên lạc của các gia đình Mỹ – bất cứ ai, bằng cách này hay cách khác, đã gần người Mỹ – đều lo sợ bị tố giác lúc Thiệu rút lui, Việt Nam cộng hòa không còn tồn tại, Mỹ bắt đầu chương trình di tản. Có những người lúc đó bán hết tài sản để mong kiếm được một chỗ ngồi trong “con chim tự do” để bay sang đảo Guam.
Có tin đồn “mỗi người Mỹ được dắt theo 10 người Việt Nam”. Và bắt đầu tăng giá. Vé máy bay do đại sứ quán Mỹ bán ra, đã nhanh chóng leo thang lên 1.000 USD/vé. Chiếc vé thứ 25 đã đạt con số 3.000.
Những người Mỹ cuối cùng, những thương gia nhỏ ở tuổi trung niên, điển hình đối với các quán bar – trong chiếc quần tím, áo hoa và đôi giày cùng dây thắt lưng màu trắng, gương mặt sưng húp bởi nước chè Sài Gòn – họ tậu được một khối tài sản bằng cách họ bán vé cho những cô gái mãi dâm, cho những cô bán bar hoặc những thành viên gia đình giàu có không thể tìm được con đường nào khác để chạy ra nước ngoài.
Rất nhiều người loại này không bao giờ xuất hiện trở lại, bởi vì sau khi kiếm được cả đống tiền không thấy vết tích của những người Mỹ đâu cả. Một số người ( Mỹ ) khác thực tế đã dắt theo một số người, và có một người Mỹ bị bắt trong đại sứ quán bởi vì anh ta đang tìm cách kiếm thêm nhiều vé máy bay cho “gia đình” mình. Anh ta đã đi Guam đến 3 lần với nhóm người Việt Nam ( và đã trở lại Sài Gòn ) mà mỗi đầu người phải trả cho anh 2.000 USD ).
Một người Mỹ khác bỏ túi 6.000 USD từ chủ một cửa hàng dụng cụ thể thao để đưa tên người này vào danh sách điệp viên đặc biệt của CIA do anh tập hợp. Người đàn ông này thực ra chỉ có việc bán các cây tennis cho người Mỹ. Cuối cùng anh cũng thoát được., ra khỏi Việt Nam, cùng một túi bạc đô la và vàng. Có một chiếc xe chạy qua nhà anh, từ đó chạy tiếp đến một địa điểm bí mật khác, tại đây những điệp viên thực thụ được bốc lên máy bay trực thăng.
Đã từ lâu, người Mỹ đã thiết lập một kế hoạch di tản khẩn cấp nhưng thời gian biểu đã bị cuộc tiến công của Cộng sản phá hỏng. Họ cho rằng cho đến ngày 13/05 có thể bốc người di tản đi hết. Nhưng ngày 30/04 tất cả đã muộn màng, còn cả đống người quan trọng nhất của họ còn bị kẹt lại đây mà tương lai bị cuộc sống họ đang bị đe dọa thực sự.
Nhà số 7, đường Hồng Thập Tự, CIA đã thiết lập một đài phát thanh bí mật, làm như đó là cái loa của Việt Cộng, truyền bá những thông tin thất thiệt. Ví dụ như nói tướng Giáp đã chết năm 1972 và gần nhất là đưa tin có cuộc đảo chính ở Hà Nội và sự can thiệp của Trung Quốc vào Bắc Việt Nam. Trong số nhân viên của trung tâm CIA này, chỉ có một ít thư ký cùng với người Mỹ chuyển đi nơi khác, bởi vì những điệp viên quan trọng còn phải bảo đảm đài hoạt động đến phút cuối cùng không thể chạy kịp đến nhưng nơi mà máy bay cất cánh.
Khi tin mật hiệu “ mẹ muốn đón con về nhà “ được truyền đi qua làn sóng đài quân sự Mỹ vào ngày 29/04 mà một nhóm người Việt Nam và ngoại quốc được tuyển chọn chờ đợi từ lâu, thì trên nóc nhà tòa đại sứ có đông người đang chờ lên máy bay trực thăng, tại đây đã bị hàng trăm người Việt Nam khác vây chặt mà từ lâu họ đã biết đến kế hoạch này. Tại tòa nhà Liên hiệp Pháp, họ thu vé vào cổng mỗi người 1 đôla trước khi được bước lên cầu thang. Từ sân thượng khách sạn Caravelle người ta có thể nhìn thấy những ánh chớp tiếng nổ tại Tân Sơn Nhất và ánh đèn đỏ chớp tắt đột ngột, đường viền đen của những người nhảy lên máy bay.
Đêm ngày 29/04 và 30/04 thật đáng sợ. Chạy trốn đâu và như thế nào. Hàng ngàn người trong một Sài Gòn câm lặng cùng lúc bị ảm ảnh bởi một suy nghĩ như nhau. Thành phố trong thời gian dài đã biết sống dưới sự cai trị của những ông chủ khác nhau. Trong nhiều phương tiện nơi đây đã là một thành phố mãi dâm, làm nghề lau chùi giầy ủng cho binh lính, thậm chí bán vợ mình cho đội quân chiếm đóng. Một thành phố thực sự chưa bao giờ nếm trải chiến tranh, nhờ nó để sống và nỗi đau chiến tranh không hề đi qua họ. Thành phố này đang soi mình vào chặng cuối cùng. Sự kết thúc của một lối sống, của cách thức sống còn.
Nhiều năm trời, tuyên truyền của người Mỹ đã truyền bá hình ảnh “kẻ thù” khủng bố vô nhân tính. Những tranh áp phích mô tả sự ghê rợn từ cuộc sống dưới chế độ Cộng sản treo khắp nơi trong thành phố, và giờ đây những người Cộng sản – những Việt Cộng không thấy hình dáng, đang đứng trước ngưỡng cửa Sài Gòn. Những gia đình này cũng như ở khắp miền Nam Việt Nam, họ có những người thân, anh chị em, cha mẹ ở phía bên kia vĩ tuyến 17 hoặc ở trong vùng giải phóng. Nhưng những người này đã quên hay làm bộ quên rằng tất cả họ đều là người Việt Nam. Dù rằng sau năm 1954, tại Bắc Việt Nam đã xảy ra một chuyện gì đó, một chuyện huyền bí sợ hãi bị che đậy. Việt Nam khác là một thế giới xa cách, một phong cảnh trên mặt trăng. Đối với đa số người Sài Gòn, người Việt Cộng duy nhất mà họ có thể nghe thấy được chút gì, con người mà bộ máy tâm lý chiến của Thiệu giới thiệu trong dáng của một xác chết đã thối rữa nằm bên lề đường làng, hoặc người đại diện Việt Cộng “điển hình” trên những áp phích dán đầy đường. Đây là những con người đáng căm ghét, những người đã đốt nhà thờ, chùa chiền và sát hại dân thường.
Cả thế giới Sài Gòn nói về vị linh mục ở Ban Mê Thuộc hình như bị Việt Cộng chặt làm ba khúc sau khi giải phóng Tây Nguyên. Lúc bấy giờ không ai biết rằng về linh mục đã trở về thành phố còn nguyên vẹn sau đó mấy ngày.
“Tại đây sẽ còn nghiêm trọng hơn cả trăm lần so với ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968” , đó là lời nói thường xuyên của nhiều người. Chỉ một số người biết rằng đa số người thiệt mạng ở kinh đô cũ bị nghi ngờ do Cộng sản, thực sự là do bom đạn Mỹ giết chết, mà Việt Cộng đã chôn cất trong những cái mộ tập thể cùng với đồng đội đã hy sinh.
Theo ý kiến của người ta, ban chỉ huy hành quyết đi khắp thành phố để tìm cho ra những người là vật hy sinh của họ. Và có người còn cố tìm cho ra ý do để lo sợ mình sẽ bị phát hiện. Những người Công giáo miền Bắc chạy trốn Cộng sản di cư vào Nam năm 1954 lo sợ họ sẽ bị cưỡng bức đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh trở ra Hà Nội.
Những cô gái trẻ tưởng rằng sẽ bị ép buộc lấy thương binh Việt Cộng. Một người thông dịch viên Việt Nam mà người ta nghĩ là tay chân của cảnh sát theo dõi hoạt động của phóng viên nước ngoài tin chắc anh ta sẽ không sống sót nổi khi Cộng sản tiếp quản thành phố. Sáng ngày 29/04, anh đổi tất cả số tiền tiết kiệm được, tổng cộng là 1,2 Piaster, thành 200 USD và trình một văn thư do cựu Tổng thống Hubert Humphrey ký tên. Bằng cách đó, anh đi qua được trạm gác binh lính hải quân tại đại sứ quán Mỹ và bước lên một máy bay trực thăng.
Nhiều người cũng làm theo cách đó, họ ấn vào tay lính thủy đánh bộ – được gọi là những người không bị mua chuộc – một nắm tiền đô la. Lý lẽ tuyên truyền của Mỹ về sự tắm máu đã để lại những dấu vết mạnh mẽ, ngay cả trong giới cac nhà báo ngoại quốc. Một số cho rằng thực tế đơn giản về màu da trắng đủ làm cho chúng ta gặp bao rắc rối, khó khăn. Tất nhiên một số có nhiều lý do để lo sợ về số phận của mình. Khi tôi tìm cách gải thích cho bạn đồng nghiệp người Anh của tôi rằng tôi có thể ở lại đây vì tôi không chia sẻ những lý do can thiệp của Mỹ, vì thế tôi không lo sợ và cũng không có ý nghĩ chạy đi. Anh ta ngạc nhiên nhìn và hỏi tôi : “Anh chưa bao giờ làm gì cho người Mỹ hay sao ? Anh chưa bao giờ chuyển tiếp thông tin cho họ hay sao ?”
Khi ánh bình minh ló dạng vào sáng 30/04 tại Sài Gòn, thành phố chìm ngập trong cơn hoảng loạn. Những đám mây đen khổng lồ từ từ bay qua mái nhà san sát như một cái bể, tiến thẳng ra biển, như có cơn dịch hạch quét sạch 3 triệu người dân ở đây. Những con chuột to đùng đang bò trên những đống rác nằm cạnh lề đường. Chỉ có mấy chiếc xe jeep với binh lính vũ trang hướng nóng súng vào những căn nhà đóng chặt cửa. Họ chạy trên những đại lộ vắng vẻ. Trong lúc đó rất nhiều dân thường Việt Nam co cụm lại, lo sợ những giờ khắc tiếp theo. Hàng trăm quân trinh sát Việt Cộng và cán bộ chính trị đã thâm nhập vào thành phố, ẩn náu từ ngày 27/04 để chuẩn bị hành động trong trường hợp khước từ đầu hàng.
Những giờ phút chậm chạp trôi qua càng làm cho người ta mất hết tinh thần. Trong những giờ phút quỷ quái này, một số lính bị Mỹ bỏ lại bắn vu vơ và hôi của trên đường phố, một số tự kết liễu mạng sống mình. Tôi cùng quan sát một anh cảnh sát gác trước tòa nhà hạ viện bị bỏ lại bước xuống bậc thềm sau khi nghe tướng Minh tuyên bố đầu hàng, đến trước bức tượng to lớn màu xám xịt mà Thiệu dành cho người “chiến sĩ vô danh”, trong tư thế nghiêng người, liền bắn một phát đạn vào đầu. Một người lính trên xe Honda đi qua lấy khẩu súng ngắn của người chết, một kẻ khác giật lấy đi chiếc đồng hồ của anh.
Mấy phút tiếp theo xuất hiện một chiếc xe jeep với lá cờ khổng lồ nửa xanh, nửa đỏ, ngôi sao vàng của Mặt trận Giải phóng trên đường Tự Do. Mấy tiếng đồng hồ sau đó, có những chiến sĩ du kích trẻ tuổi đứng gần đó mà ai cũng nghĩ là Việt Cộng, trong quân phục chiến khu – họ bị vây giữa một rừng người vui vẻ, náo nhiệt và tò mò, họ vuốt ve và đặt nhiều câu hỏi với các chiến sĩ. Họ đến từ 5 hướng khác nhau và đi theo sau đoàn xe tăng chiếm dinh tổng thống. Đa số họ đi bộ, đi trong cuộc hành quân dài với những dàn súng phóng lựu và rocket trên vai, lương khô và nồi niêu trên tay. Sau một giấy phút đầu tiên bất ngờ, không sao tin được, niềm vui phấn khởi đã tràn ngập dòng người chào đón những anh chàng vừa đến.
Buổi tối, các chiến sĩ giặt phơi quần áo trên hàng rào dinh của Thiệu trước kia. Những chiếc xe tăng – bụi đất đỏ còn bám đầy – cùng những khẩu pháo cao xạ đang nghỉ ngơ, còn mang những cành cây xanh ngụy trang trên mình, đứng trước những cây cao tại quảng trường trước nhà thờ Đức Bà. Hàng ngàn anh lính trẻ Việt Cộng ướt đẫm mồ hôi cắm trại tại trung tâm thành phố, nấu cơm canh trên những cái bếp tạm thời, lòng đầy niềm vui, làm như họ vẫn đang ở giữa rừng sâu.
Người đầu tiên mà tôi nhìn thấy đứng sau chiếc xe jeep với ngọn cờ ở phía trước vừa đi dọc con đường Tự Do. Tôi chạy về hướng dinh tổng thống, tại ngã tư Gia Long có hai chiếc xe vận tải Molotov có trang bị súng đại liên, chở đầy binh sĩ mặc quân phục màu xanh, đầu đội nón sắt, ngăn cấm không cho tôi đi. Tôi còn biết gì nữa, tôi nên làm gì, những hình như tôi đã vẫy chào, và họ cũng vẫy lại. Tôi còn nhớ những khuôn mặt cười rạng rơ đáng ngạc nhiên mà họ nhìn về phía tôi.
Tôi nhảy lên chiếc xe vận tải thứ hai, có ai đó bắt tay tôi và ra hiệu tôi nên cúi đầu vào trong. Tất cả đều còn rất trẻ với bảng tên màu trắng trên nón của họ có dán khẩu hiệu hàng ngày “Ăn một nửa, làm việc gấp đôi, để hoàn thành Chiến dịch Hồ Chí Minh!”.
Vừa đến trước Bộ Quốc phòng, họ nhảy xuống xe, và tôi cùng đi với họ. Ở giữa sân có một viên đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa đứng cạnh cột cờ, ông chĩa lên đầu mình khẩu súng ngắn trên tay phải. Trước khi ông tự sát, các chiến sĩ Giải phóng đã kịp giật khẩu súng khỏi tay ông ta ở giây phút cuối cùng. Không có một tiếng súng nào. Tôi đã nhìn thấy khẩu súng bị văng ra. Các chiến sĩ Giải phóng đã giữ chặt ông ấy lại trong lúc đó ngọn cờ đỏ – xanh ngôi sao vàng được kéo lên ngay trung tâm.
Ngay trước mặt nhà thờ Đức Bà, chiếc xe jeep của một viên chỉ huy cảnh sát của Thiệu đâm đầu vào gốc cây nổ tung. Những người ngồi trên xe đã chĩa súng ra. Trên cần ang-ten họ đã cột một cái áo trắng làm dấu hiệu đầu hàng. Ngồi hút thuốc, tâm trạng bối rối, họ chờ đợi bị bắt hay bị bắn.
Nhưng không ai để ý đến họ. Các chiến sĩ Giải phóng đi qua và mỉm cười. Lính Việt Nam cộng hòa vứt hết quân phục và chạy loanh quanh trong chiếc quần cụt trên người. Họ vẫy chào các xe tăng. Ngày đầu tiên và những ngày giải phóng tiếp theo không hề diễn ra một vụ hành quyết nào, không có gì chứng tỏ có hành động trả thù. Ngay trong ngày giải phóng nhiều gia đình người Sài Gòn đã có khách đến thăm, là những người thân, bạn bè cũ mà cả thời gian dài họ không có dịp gặp nhau.
Cha mẹ con cái bị thất lạc. Bạn tôi, anh Cao Giáo khi trở về nhà đã tìm thấy tại cửa nhà mình một mảnh giấy có ghi địa chỉ. Tại đây anh đã già đi, và bây giờ anh tìm lại được người em trai của mình mà từ 1954 anh không hề gặp mặt.
Một người thợ may kể lại sau đó mấy ngày tại Biên Hòa, khi quan sát Việt Cộng đi qua tiệm may của anh, bỗng dưng anh nhận ra người bác của mình.
Trong quán bar ở Long Thành, tôi gặp một binh sĩ Việt Nam Cộng hào dán một bức hình Hồ Chí Minh trên áo của mình. Đó là hình mà cha anh – một sĩ quan quân giải phóng vừa trở về cho anh.
Mỗi gia đình đều có một chuyện tương tự để kể cho nhau nghe. Ngay anh nấu bếp cho thương gia Mỹ, vào sáng 30/04 còn ngồi khóc sụt sùi và tuyệt vọng, mấy ngày sau đó đã tỏ ra yên lòng khi tôi có dịp gặp lại anh trên đường phố sau ngày giải phóng. Anh nhận được một bức thư của người anh trai – người đã tiến vào Đà Nẵng cùng quân Giải phóng.
Trong mấy tiếng đồng hồ, một rào cản của sự không hiểu biết và ngờ vực nhau dựng lên trong 30 năm trời giữa Bắc và Nam Việt Nam đã tan vỡ. Những Việt Cộng cho đến giờ không nói năng đã nhanh chóng trở thành con người mà ai cũng biết được : người con trai của bác láng giềng, là người anh trai của mình – một người Việt Nam như bao người khác. Và như vậy không dùng danh xưng Việt Cộng nữa. Nhà báo nước ngoài gọi chiến sĩ giải phóng là những người thanh niên nhỏ nhằn màu xanh. Những cô gái bar với giọng Mỹ bồi đã học được ở lính Mỹ tên gọi những chiến sĩ ấy một cách ngắn gọn : “Hồ Chí Minh”. Mỹ Linh, cô gái điều hành một quán nhạc discothec với hai, ba cô gái khêu gợi và hàng tháng trả 1.000 đồng Nam Việt Nam tiền bảo kể cho sĩ quan cảnh sát đã kể rằng : “Hồ Chí Minh không ưa nhạc Mỹ ; Hồ Chí Minh không ưa các cô gái ; nhưng chỉ ưa số 1”. Sau ngày giải phóng có một số lính giải phóng bước vào quán bar của cô. Cô mời họ uống bia miễn phí. Ngày hôm sau, Mỹ Linh kể : “Hồ Chí Minh trở lại và mang đến cho tôi 10 kg gạo”.
Từ vựng Việt Nam được phong phú thêm một từ mới, đó là “bộ đội”. Bộ đội đã trở thành một phần của hình ảnh Sài Gòn mới. Bộ đội trong bộ quân phục màu xanh lá cây, bộ đội hải quân trong bộ quân phục thủy thủ màu trắng và xanh nước biển của chiến hạm Potemkin, người ta gặp họ đi dạo khắp nơi trong thành phố. Họ đi từng đôi, tay nắm tay, đi xe bus, đi thăm các khu di tích trông không khác khách du lịch. Trong nhà hát, họ vỗ tay hoan hô một dàn nhạc Việt Cộng biểu diễn bản nhạc van-xơ của Strauss.
Hoặc họ đi dạo theo kiểu người Ấn Độ, đi trên đường phố Sài Gòn, họ tìm cách lần theo dấu vết những người sĩ quan và binh lính trước đây chưa chịu ra trình diện và giao nộp vũ khí, theo lời kêu gọi của chính quyền mới.
Bộ đội đi vào các biệt thự và căn hộ của những người đã chạy theo Mỹ. Bộ đội tiếp quản khách sạn Continental, nơi tôi đã lưu trú hai tháng ròng.
Trong nhận thức của người dân không còn tồn tại ý nghĩ về sự khủng bố xuất phát từ con ma Việt Cộng nữa. Người ta không sợ bộ đội khủng bố. Họ là những người thanh niên có kỷ luật, ngây thơ và mộc mạc của đất nước. Những kẻ đầu cơ bán cho họ những chiếc đồng hồ có 12 chữ số gắn chất dạ quang, hai lớp vỏ dày, và không có hiệu Pilot, đồng hồ chữ số 12 tiếng, chỉ ngày, thứ trong tuần, tự động – họ thét lên với giá trên trời, không lường nổi.
Thanh thiếu niên đường phố Sài Gòn mượn xe đạp của anh bộ đội, nói để chạy một vòng, và đã biến mất không hề thấy mặt họ nữa. Chỉ còn anh bộ đội đứng đó, anh mới nghĩ tới ý nghĩa của từ “ăn cắp”.
Một sự sợ hãi mới tràn ngập một giai cấp nhất định trong xã hội Sài Gòn. Nó liên quan đến tác phong sinh hoạt của anh bộ đội, một sự nhắc nhở thường xuyên về lối sống mới mà một thành phố gái mãi dâm như Sài Gòn còn phải học nhiều.
Bộ đội là biểu tượng của một giai cấp mới lên nắm chính quyền thông qua cuộc cách mạng. Hầu như đây là một giống người mới – về sinh lý. Trong 30 năm chiến đấu ở chiến khu, ho trở nên khác đi : Họ gầy gò, nhợt nhạt, thấp lùn, rắn chắc.
Sài Gòn dần dần đã trở lại như nó vẫn thế : là trung tâm của một xứ nông nghiệp. Màu sắc, biểu tượng, tập quán của chế độ cũ và lối sống cũ đã biến mất. Những quan niệm đạo đức mới hình thành thông qua sự hiện diện giản dị hàng ngày của anh bộ đội.
“Sài Gòn” ngày càng mất dạng, cứ mỗi ngày người ta học tập để trở thành “thành phố Hồ Chí Minh”.
(Dịch từ nguyên bản tiếng Anh, của Hubert Gaethe và Ingrid Reinke)
Theo Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0 ( Borries Gallasch )