Trước khi đến Việt Nam, lính Mỹ đã được học một khóa thời lượng 5 tiếng về các loại bẫy mà người Đức và người Nhật từng sử dụng trong thế chiến II. Nhưng rồi, họ nhanh chóng nhận ra phần lớn kiến thức đó đều vô dụng ở dải đất bé nhỏ hình chữ S này.
I. Lỗ/khe bí mật
Các hình họa trích trong sách hướng dẫn của quân đội Mỹ về địa đạo Củ Chi.
Ảnh đầu tiên là một du kích đang đâm lính chuột cống (tiếng Anh: Tunnel rat) bằng mũi lao tẩm độc từ một lỗ bí mật khi anh ta chui xuống địa đạo. Ảnh thứ hai là một du kích đang quan sát 2 lính Mỹ từ một khe bí mật, với 2 dây mìn trong tay.
Tất nhiên đây chỉ là món khai vị, càng vào sâu trong địa đạo thì cạm bẫy kiểu này càng nhiều và càng nguy hiểm. Lính Mỹ khi vào địa đạo luôn được dặn phải kiểm tra kỹ hai bên vách, nền đất và cả trần địa đạo nữa. Bất kỳ chỗ nào cũng có thể tồn tại khe/lỗ bí mật được trát bùn ngụy trang, từ đó sẽ có đủ thứ tuôn ra: đạn, lựu đạn, tên, lao, rắn độc…..
II. Bẫy cần bật
Nó chỉ là 1 đoạn tre uốn cong, một đầu gắn chông nhọn. Khi dẫm hoặc vướng vào dây bẫy (ẩn dưới lá khô, bụi cây….. rất khó phát hiện), đoạn tre bật thẳng vào ngực hay bụng nạn nhân với một lực đủ mạnh để các mũi chông đâm xuyên ra đằng sau (nếu trúng phần bụng mềm). Bẫy này hoàn toàn bằng tre, dây thừng và chỉ tốn công bố trí.
III. Chông thò
Trong chiến tranh Việt Nam, không nhiều loại bẫy được lính Mỹ đặt cho tên riêng. Vietnamese souvenir – “Kỷ niệm Việt Nam” là một trong số đó, phía du kích thì gọi là Chông thò.
Đây là vũ khí tự tạo mang tính chất công nghệ. Trong hố sâu có chông sắt cắm chéo, phía trên có một tấm ván tròn có dây dù kéo căng, nối với những mũi đinh sắt dài sắc nhọn. Khi lính Mỹ dẫm chân lên cái hố được ngụy trang kỹ càng bằng lá khô, cỏ hoặc đất, chân bị thụt xuống và kéo theo cả tấm ván mỏng, một cơ chế truyền lực sẽ khiến những chiếc đinh sắt từ 4 bên đâm xuyên vào đùi và bắp, cổ chân anh ta. Không có cách nào kéo người bị thương khỏi hố, trừ khi đào bới xung quanh để lôi cả hệ thống đó lên rồi gỡ ra.
Loại này không làm nạn nhân chết nhưng chắc chắn bị tổn thương hoàn toàn phần chân, đơn vị anh ta sẽ phải nhanh chóng khiêng về quân y viện để lấy đinh ra. Những chiếc đinh này thường được tặng lại lính Mỹ làm kỷ niệm, do đó có cái tên Vietnamese souvenir. Đó là ở tình huống lạc quan, còn bi quan là xung quanh hố bẫy có các ổ hỏa lực phục sẵn. “Việt Cộng” sẽ không nhắm vào người dính bẫy mà mục tiêu là tất cả những đồng đội anh ta đang chạy đến cứu, đẩy lính Mỹ vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
IV. Bẫy tên chìm
Mũi tên thép có ngạnh (và bôi chất bẩn như phân hay nước hiểu) được du kích đặt trong ống tre tựa vào bờ dốc và phóng ra bằng một cơ chế đàn hồi của dây cao su. Bên trên ngụy trang kỹ (trong hình vẽ, có thể thấy cả cỏ mọc). Lính Mỹ đi qua vướng vào dây và được…… trải nghiệm cảm giác mạnh.
V. Chông hom
Chông hom (còn được gọi là Bẫy cá-Fish trap) là loại chông bố trí dưới nước, chỉ Việt Nam mới có. Cấu tạo rất đơn giản gồm 1 khung sắt và 1 tấm đá hoặc bê tông đúc, dưới đáy có mũi sắt nhọn thò lên.
Rẻ và dễ chế tạo, chông hom thường được mang ra thả dưới ruộng nước hoặc bãi bùn lầy bên sông. Rong rêu và bùn sẽ tạo thành lớp ngụy trang tự nhiên. Lính Mỹ lội nước đến, nhảy từ máy bay trực thăng hoặc từ xuồng chiến đấu xuống và……..
Các mũi nhọn xiên chéo trên vành bẫy có tác dụng gây vướng víu, khiến nạn nhân không thể nhấc chân lên. Đồng đội anh ta sẽ phải kéo cả người lẫn bàn chông lên, dùng tay bẻ các mũi này gập vào thì mới rút chân ra khỏi bẫy được. Hiệu ứng tâm lý gây ra là rất lớn, sẽ không lính Mỹ nào dám bước vào khu vực đó nữa trừ khi họ có máy dò kim loại đi đằng trước. Nhưng nếu làm như vậy thì tốc độ cả đơn vị sẽ vô cùng chậm, du kích Việt dù đánh không lại cũng dư dả thời gian để rút lui.
VI. Bẫy tổ ong
Tổ ong vò vẽ trưng bày trong Bảo tàng quân sự Việt Nam, số đăng ký BTQĐ 1020/ĐB-568 có 4 tầng đựng trong thùng dầu hỏa, có nắp gỗ đậy ngoài của du kích Huỳnh Văn Trung (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre).
Sáng sớm ngày 29/10/1962, hai trung đội VNCH cùng cố vấn Mỹ tiến vào vàm Lân Hương (xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) càn quét, gom dân lập ấp chiến lược. Từng nhóm theo đội hình chiến đấu tiến theo con đường cái vào làng, đặt súng máy bắn từng đợt ra phía trước để “quét sạch du kích”. Tốc độ di chuyển rất chậm vì tại huyện Mỏ Cày hệ thống bẫy như đạn nổ, bãi mìn, quả chông, hầm chông được du kích giăng đặt chằng chịt.
Những lần trước còn thấy bóng người, hôm đó thì cả làng hoàn toàn vắng lặng. Khi tiến sâu vào trong thì nhóm lính này bị ong vò vẽ bay ra từng đàn tấn công, phải bỏ phần lớn vũ khí chạy thẳng về bốt. Trước đó mấy chục tổ ong đã được bọc cẩn thận rồi bí mật đem đặt trong những bờ bụi dọc đường (mà phán đoán chắc chắn quân đi càn sẽ qua), nắp đóng mở từ xa bằng hệ thống tinh vi các sợi cước nhỏ. Du kích chỉ việc ra nhặt súng ống, băng đạn vứt lại. Những trận chống càn khác thu được phần nhiều là súng trường, súng tiểu liên, nhưng vụ này thì có thêm cả súng liên thanh và súng cối.
3 lính VNCH bị thương nặng do lúc chạy dẫm phải bẫy chông và chông chìm cắm dưới kênh rạch xung quanh, 29 trường hợp bị ong đốt, có người lên cơn sốt, bị tháo dạ. Riêng cố vấn Mỹ bị đốt nhiều nhất, phải dùng máy bay trực thăng chở ngay về bệnh viện Sài Gòn. Hãng A.P bình luận: “Việt Cộng dùng cả côn trùng để đánh ta!”.
VII. Bẫy chông xiên
Đây là loại bẫy thứ hai được lính Mỹ đặt tên riêng: “Venus Fly Trap”. Đặc trưng của nó là các mũi chông đa phần được bố trí xiên, sắc như dao và đều có ngạnh (bôi chất độc hoặc chất bẩn). Ai xui xẻo dẫm phải là xác định ngồi xe lăn hay chống nạng suốt phần đời còn lại, do tổn thương nặng bàn chân và bắp chân.
VIII. Bẫy dưới gạch, đá
Mọi cục đá cỡ nắm tay trở lên quanh căn cứ Mỹ, hay trong khu vực Mặt trận giải phóng miền Nam kiểm soát, đều có thể đang chèn lên một quả lựu đạn như thế này.
Rất khó để phát hiện vì vẫn cục đá đấy, vẫn vị trí đấy hôm nay đi vấp phải không sao, nhưng qua 1 đêm thôi là đã có thể “si tình” mà “kết hôn” với mìn hay lựu đạn rồi. Chốt lựu đạn thường được chỉnh lại để nổ nhanh hơn (từ 4-5s xuống còn 2s hay nổ ngay lập tức).