Cuộc chiến 71 năm trước diễn ra chỉ trong 3 năm nhưng gây ra thương vong lớn, với sự tham chiến của rất nhiều nước.
Trước năm 1950, bán đảo Triều Tiên bị đặt dưới ách đô hộ của đế quốc Nhật từ năm 1910 đến 1945. Khi Thế chiến Hai kết thúc và Nhật đầu hàng quân đồng minh, Liên Xô và Mỹ đã tiến vào bán đảo Triều Tiên để giải giáp quân Nhật. Theo thỏa thuận của Hội nghị Moscow 1945, Mỹ và Liên Xô sẽ thực hiện chế độ quân quản trên bán đảo Triều Tiên với thời gian 5 năm, Liên Xô ở miền Bắc, còn Mỹ ở miền Nam, sau thời hạn 5 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên tạm thời bị chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38.
Hai miền Triều Tiên thì quần chúng tự hình thành các “ủy ban nhân dân” nhằm chuẩn bị tiếp quản nước Triều Tiên sau khi được giải phóng. Từng quằn quại dưới sự cai trị hà khắc của Nhật nên người dân Triều Tiên rất khát khao độc lập. Ở miền Bắc, các “ủy ban nhân dân” có thái độ thân thiện với lực lượng quân quản Liên Xô. Tuy nhiên, miền Nam thì lại khác. Chế độ quân quản của Mỹ nhận thấy các yếu tố cánh tả trong các “ủy ban nhân dân” do quần chúng lập nên, và ra sắc lệnh giải tán các tổ chức này. Thay vào đó, Mỹ đã xây dựng một chính quyền lâm thời do Lý Thừa Vãn đứng đầu. Quần chúng lập tức tiến hành biểu tình hoặc vũ trang nổi dậy chống lại chế độ quân quản của Mỹ và chính quyền Lý Thừa Vãn. Lực lượng Mỹ và ông Lý Thừa Vãn trấn áp các cuộc biểu tình và nổi dậy này.
Lý Thừa Vãn cho rằng, 35 năm bị Nhật cai trị là đủ lắm rồi và không muốn có thêm một thời kỳ chiếm đóng nào nữa của ngoại bang. Họ phản đối chính chế độ ủy trị do Mỹ thực hiện. Kết quả, Mỹ rút ngắn thời hạn ủy trị và tiến hành tổng tuyển cử ở miền Nam vào năm 1948. Liên Xô phản đối và tẩy chay cuộc bầu cử này, cho rằng Mỹ phải tôn trọng thỏa thuận tại Hội nghị Moscow 1945.
Bất chấp sự tẩy chay của lực lượng cánh tả, cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ở Nam Triều Tiên vào tháng 5/1948. Quốc hội bầu ra Tổng thống vào tháng 7/1948 (Lý Thừa Vãn đắc cử). Tháng 8/1948 thì Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) ra đời.
Miền Bắc Triều Tiên đáp lại cũng bằng một cuộc bầu cử quốc hội, và tháng 9/1948, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thành lập, do ông Kim Nhật Thành đứng đầu. Trong năm 1948, Liên Xô rút khỏi Triều Tiên. Năm 1949, Mỹ cũng rút 500.000 quân khỏi bán đảo này nhưng để lại khoảng 500 sĩ quan và binh sĩ làm cố vấn, huấn luyện cho các lực lượng Hàn Quốc.
Cả hai chính quyền đều tự coi mình là hợp pháp duy nhất của bán đảo Triều Tiên và không công nhận lẫn nhau. Và cả ông Lý Thừa Vãn và Kim Nhật Thành đều có mong muốn thống nhất bán đảo Triều Tiên. Xung đột vũ trang nhỏ lẻ diễn ra dọc giới tuyến quân sự giữa quân đội hai miền. Nhưng chính quyền ông Kim Nhật Thành phản ứng nhanh hơn.
Ngày 25/6/1950, quân Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 tiến đánh Hàn Quốc. Với hỏa lực mạnh, cơ động cao, lực lượng đông, quân Triều Tiên nhanh chóng đột kích, chiếm thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ sau vài ngày khai chiến. Đến ngày 10/9, quân Triều Tiên gần như tràn ngập toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và dồn quân Hàn Quốc với một lực lượng nhỏ của Mỹ về khu vực Busan nằm ở cực nam bán đảo Triều Tiên.
Trước tình hình Hàn Quốc nguy ngập, Mỹ can thiệp một cách quyết tâm. Một mặt, Mỹ muốn bảo vệ đồng minh tại đây. Mặt khác, Mỹ lo phong trào XHCN lan rộng sang các nước khác, đặc biệt là Nhật gần đó mà Mỹ sử dụng làm đối trọng với Liên Xô trong chiến lược toàn cầu.
Ngay trong ngày 25/6/1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 82 lên án Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc và kêu gọi Triều Tiên rút quân ngay lập tức (Liên Xô lúc đó đã không thể phủ quyết nghị quyết này do Liên Xô tẩy chay Hội đồng Bảo an từ đầu năm 1950 để phản đối việc Đài Loan chứ không phải Trung Quốc được giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an).
Tiếp đó, Hội đồng vào ngày 27/6/1950 ra thêm nghị quyết 83, cho phép hỗ trợ (bao gồm hỗ trợ quân sự) cho Hàn Quốc đẩy lui Triều Tiên. Sang tháng 7/1950, Nghị quyết số 84 của Hội đồng Bảo an tiếp tục được ban hành, khuyến nghị tập hợp các lực lượng và nguồn lực trợ giúp dưới một bộ chỉ huy thống nhất do Mỹ lãnh đạo. Kết quả, dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc, Mỹ lôi kéo được 21 nước khác tham gia cùng mình tại chiến trường Triều Tiên. Trong tổng số 22 nước, ngoài Mỹ và Hàn Quốc thì có 15 nước thành viên Liên Hợp Quốc gửi quân sang trực tiếp chiến đấu, còn lại cung cấp trợ giúp hàng hoá. Tuy nhiên, quân Mỹ và Hàn Quốc vẫn là chủ đạo.
Sự tham chiến của lực lượng Liên Hợp Quốc làm thay đổi cục diện chiến trường. Quân Liên Hợp Quốc do Mỹ chỉ huy phản công đẩy lui quân Triều Tiên về phía Bắc vĩ tuyến 38 và gây thiệt hại nặng cho Triều Tiên. Trước thắng lợi này, Hàn Quốc mơ về khả năng thống nhất toàn bán đảo và đã cùng với quân Mỹ vượt vĩ tuyến đánh CHDCND Triều Tiên. Quân Liên Hợp Quốc chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng và đẩy quân đội ông Kim Nhật Thành về sát sông Áp Lục, ranh giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc.
Trung Quốc dù mới lập nước năm 1949, vẫn quyết định tung hàng trăm ngàn quân sang Triều Tiên để “kháng Mỹ viện Triều” – đây là điều quá bất ngờ với Mỹ. Sử dụng một số chiến thuật hợp lý và lợi thế quân đông, Trung Quốc giúp Triều Tiên đẩy lùi quân Liên Hợp Quốc về vĩ tuyến 38. Thừa thắng, liên quân Trung-Triều vượt vĩ tuyến, tái chiếm Seoul.
Chiến tranh Triều Tiên là một cuộc chiến diễn ra với tốc độ rất nhanh, quyền kiểm soát lãnh thổ thay đổi liên tục giữa hai bên (riêng Seoul của Hàn Quốc đã đổi chủ tới bốn lần).
Sau do, quân Liên Hợp Quốc thay đổi chiến thuật, tăng cường thêm vũ khí, nỗ lực cao để đẩy quân Triều Tiên và Trung Quốc trở về vĩ tuyến 38. Chiến sự sau đó giằng co quanh khu vực giới tuyến 38, và Hiệp định đình chiến được ký kết giữa các bên vào ngày 27/7/1953, kết thúc cuộc chiến.
Chiến tranh Triều Tiên còn có một đặc điểm đáng chú ý là suýt dẫn tới khả năng đụng độ lớn bằng vũ khí hạt nhân. Khi Mỹ bị thương vong lớn, bị đẩy lùi hoặc không đạt được mục tiêu tái chiếm trong trận chiến này, các tướng lĩnh và Tổng thống Mỹ nhiều lần tính đến phương án sử dụng bom hạt nhân cấp chiến thuật để giáng trả quân Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng Mỹ kiềm chế không sử dụng vũ khí hạt nhân do lo ngại xảy ra chiến tranh tổng lực với Trung Quốc và lớn hơn chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cũng như lo sợ áp lực của quốc tế.
Ở Mỹ và phương Tây, Chiến tranh Triều Tiên được nhắc đến với cái tên “Cuộc chiến tranh bị lãng quên” do nó xảy ra ngay sau Thế chiến thứ 2 và trước Chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Tuy nhiên, nó vẫn là một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu.
Theo phỏng đoán của một số sử gia, chiến tranh Triều Tiên có thể đã cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người với khoảng 70% là thường dân. Hơn 55.000 lính Mỹ cũng được tin đã bỏ mạng khi tham chiến.
Triều Tiên cáo buộc trong cuộc chiến, Mỹ đã tìm mọi cách hủy diệt nước này bằng các khí tài quân sự hiện đại nhất. Bình Nhưỡng ước tính, trung bình mỗi km2 đất của Triều Tiên bị ném 18 quả bom và đạn pháo. Số lượng bom thường và bom napalm dội xuống Bình Nhưỡng tương đương tổng dân số thành phố này năm 2018.
Một số thống kê ghi nhận, Triều Tiên phải hứng chịu tổng cộng 635.000 tấn bom trong 3 năm chiến tranh, khiến gần như mọi công trình bị san phẳng. Nếu con số này chính xác, quy mô ném bom của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong chiến tranh Triều Tiên lớn hơn nhiều so với ở Thế chiến hai, khi tổng cộng 503.000 tấn bom dội xuống mặt trận Thái Bình Dương.
Dù cuộc chiến đã chấm dứt cách đây 68 năm nhưng về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do hai bên chưa ký kết hiệp định hòa bình chính thức.