Trang chủ Kiến Thức Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng Việt – Thái và sự hình...

Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng Việt – Thái và sự hình thành của nước Lào hiện đại

Vương quốc cổ của người Lào mang tên Lan Xang (Lão Qua) vốn là một trong những vương quốc lớn của Đông Nam Á, bao trùm khắp nước Lào, một phần Thái Lan, và cả một phần của tỉnh Nghệ An thuộc Việt Nam ngày nay.

Năm 1471, người Việt lần đầu tiên tham chiến trên đất Lào. Lấy cớ là nước Bồn Man, một tiểu quốc thuộc Lan Xang, đã quấy phá đất Nghệ An, Vua Lê Thánh Tông chia quân thành 5 đạo, cùng với sức mạnh của hỏa khí tiến sâu vào nước Lào đến tận biên giới Miến Điện, chiếm được kinh đô của Lan Xang, biến Bồn Man thành một chư hầu của Đại Việt, đặt tên là vùng Trấn Ninh.

Trong 400 năm sau đó Lào là vùng tranh giành ảnh hưởng giữa người Thái, người Myanmar và người Việt. Cho dù Đại Việt xem Trấn Ninh là chư hầu nhưng vùng đất này vẫn có quyền tự trị lớn. Khi vương quốc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) ngày càng lớn mạnh, đất Trấn Ninh một mặt vẫn triều cống Đại Việt, mặt khác trở thành chư hầu của Xiêm La. Trong chiến tranh Xiêm – Tây Sơn, các tù trưởng vùng này đứng về phía Xiêm La. Năm 1791, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu mang 3 vạn quân sang thảo phạt, bắt được nhiều tù trưởng về xử tội.

Thời nhà Nguyễn, người Thái càng lúc càng lấn sâu vào đất Lào. Nước Lan Xang cũ đã bị tách ra thành nước Louangprabang và nước Vạn Tượng (Viên Chăn). Năm 1779, Louangprabang hoàn toàn lệ thuộc vào Xiêm La. Năm 1827, vua Anouvong của nước Vạn Tượng dấy binh chống lại người Thái. Xiêm La liền xâm lược Vạn Tượng, bắt giết được Anouvong, rồi thừa cơ tiến sát biên giới Việt Nam. Theo sử sách nhà Nguyễn, các tù trưởng người Lào lũ lượt xin sự bảo hộ của vua Minh Mạng. Năm 1833, chiến tranh Việt – Xiêm bùng nổ, mà chiến trường chủ yếu là … Lào và Campuchia.

Quân Xiêm chia thành 5 đạo tấn công suốt dọc biên giới phía Tây, kéo dài từ Hà Tiên đến Trấn Ninh. Quân Việt chống giữ và đánh trả, giành được chiến thắng lớn ở sông Vàm Nao (tỉnh An Giang), đuổi quân Xiêm về nước. Vua Minh Mạng không bỏ lỡ thời cơ sát nhập phần lớn lãnh thổ của Lào và Campuchia. Một loạt đơn vị hành chính mới được thành lập: Trấn Biên, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Tây Thành…

Khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, việc tranh giành ảnh hưởng ở Lào vẫn tiếp diễn. Chiến tranh Pháp-Xiêm năm 1893 (với sự tham gia của nhiều binh lính người Việt) lấy lại vùng Louangprabang cho Lào và sáp nhập vùng Sip Song Chu Thai (Sơn La, Lào Cai ngày nay) vào Việt Nam. Tuy nhiên người Pháp lại dựa vào địa hình mà cắt những phần đất vua Minh Mạng chiếm được trả lại cho Lào.

Như vậy, đó là câu chuyện về những hoạt động quân sự của Việt Nam trên đất Lào, từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19. Lịch sử can thiệp quân sự trên đất Campuchia cũng khá hoành tráng … nhưng để lần sau.