Tổ tiên của người Chăm theo kiến thức phổ biến hiện nay là những cư dân thuộc nền văn minh Sa Huỳnh thời cổ đại. Cho đến khoảng đầu công nguyên, người Sa Huỳnh đã bước vào thời đại đồ sắt, với các thành tựu văn minh không hề thua kém người Đông Sơn. Tuy nhiên, điều khác biệt là trong khi những chủ thể của văn minh Đông Sơn đã cùng nhau chung sống trong một quốc gia thống nhất hàng trăm năm thì cư dân Sa Huỳnh chưa có một nhà nước chung. Họ sống trong các thành ấp riêng biệt trải dọc dải đất ven biển miền trung Việt Nam ngày nay.
Đến thế kỷ thứ III trước công nguyên, sự kiện nước Tần thôn tính lục quốc, kết thúc cục diện Chiến Quốc ở Trung Hoa và bắt đầu bành trướng xuống phương nam đã mở màn cho những biến động lớn trong khu vực tiếp sau đó. Ở Hoa Nam, hai viên tướng nước Tần là Nhâm Ngao và Triệu Đà với đội quân viễn chinh đông đảo và những vùng đất mới chiếm được ở xa trung tâm đế chế Tần đã tính đến chuyện cát cứ. Sau khi đế chế Tần sụy sụp và bị thay thế bởi đế chế Hán, Triệu Đà đã nhân cơ hội để thành lập một đất nước riêng cho mình là nước Nam Việt. Bằng những thủ đoạn ngoại giao và quân sự, nước Nam Việt cuối cùng thôn tính được nước Âu Lạc vào năm 208 TCN. Sau đó gần một thế kỷ, đến lượt Nam Việt bị nước Hán thôn tính vào năm 111 TCN. Nhà Hán sau khi dùng vũ lực xâm lược Nam Việt thì tiếp tục xua quân tiến sâu xuống phương nam, chiếm thêm những vùng đất của những cư dân thuộc nền văn minh Sa Huỳnh, vốn bấy giờ vẫn chưa lập quốc.
Những vùng đất phương nam cùng với đất đai bộ Việt Thường của nước Âu Lạc bị triều đình nước Hán gộp chung lại, đặt thành quận Nhật Nam có địa giới tương ứng với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay. Quận này gồm có 5 huyện là Tây Quyển, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, Tượng Lâm.
Chuỗi sự kiện này là những nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp thúc đẩy những cư dân Sa Huỳnh cổ đại tiến tới thành lập nhà nước. Ban đầu, vốn là những thành ấp nhỏ không thống nhất về lực lượng, họ dễ dàng bị quân xâm lược phương bắc đánh bại và phải chịu nằm trong vòng kìm tỏa của đế chế Hán. Khi không còn tự do, tổ tiên người Chăm đã cùng với tổ tiên người Kinh Việt và những dân tộc khác vùng lên kháng cự mạnh mẽ để thoát khỏi ách đô hộ phương bắc. Tuy nhiên do điều kiện địa lý khác biệt, hiệu quả của những cuộc đấu tranh đó cũng khác nhau nhiều.
Bấy giờ vào năm 40 sau công nguyên, Trưng nữ vương Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã lãnh đạo quân dân Lạc Việt dấy binh khởi nghĩa. Chẳng những khôi phục lại chủ quyền cho người Âu Lạc, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng còn được sự hưởng ứng của các tộc người láng giềng. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng”. Quận Nhật Nam đương thời tức là đất mà tổ tiên người Chăm cư trú. Sau khi Trưng nữ vương chiến thắng quân Hán thì giang sơn mà bà lập nên ngoài phần lớn vùng Lĩnh Nam (Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), đất đai Âu Lạc cũ còn bao gồm cả đất của người Chăm sinh sống. Đất nước mà Hai Bà Trưng lập nên, sử gọi là nước Lĩnh Nam, có kinh đô là Mê Linh (thuộc Hà Nội ngày nay). Đó là lần đầu tiên, người Việt và người Chăm cùng đứng chung một chiến tuyến, cùng chung một chính thể, một đất nước.
Tiếc rằng, cơ nghiệp của Hai Bà Trưng không được bền lâu do đế chế Hán thời kỳ này đang rất hùng mạnh, dưới sự cai trị của Hán Quang Vũ Đế là một bạo chúa cực kỳ quyết tâm bành trướng. Cuộc chiến không cân sức giữa quân dân Lĩnh Nam và đế chế Hán kết thúc sau 3 năm. Trên khắp một vùng rộng lớn, tướng Hán là Mã Viện tiến hành việc đàn áp và trả thù vô cùng tàn bạo. Sau khi cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng thất bại, các sắc dân Lĩnh Nam lại trở lại thân phận “dân hạng hai” dưới sự cai trị của Hán triều. Trong vòng kìm tỏa khổng lồ ấy, rải rác vẫn nổ ra những cuộc phản kháng nhằm giành lấy tự do, nhân phẩm và lợi ích chính đáng của các sắc dân. Một trong những cuộc phản kháng ấy là phong trào giành độc lập của quân dân huyện Tượng Lâm (bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay), thuộc quận Nhật Nam.
Ở quận Nhật Nam nói chung và huyện Tượng Lâm nói riêng thời kỳ này là địa bàn sinh sống của nhiều nhóm sắc tộc. Trong đó có người Âu Lạc cũ và người Chăm hai nhóm sắc tộc chính. Do là vùng đất ở xa trung tâm đế chế, vùng phía nam quận Nhật Nam thường xuyên là nơi xảy ra xung đột mà quân đội nước Hán không thể nào điều động đủ nhân lực để bình định hoàn toàn. Năm 100 sau công nguyên, 3000 quân dân Tượng Lâm nổi dậy đốt phá dinh thự các quan cai trị người Hán. Đến năm 137, nhân dân Tượng Lâm đứng lên khởi nghĩa, đánh chiếm huyện lị, giết chết quan đô hộ. Theo sử Việt, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này là Khu Liên. Thực tế, tên gọi Khu Liên này không phải chỉ một nhân vật cụ thể, mà là danh xưng của một dòng thủ lĩnh người Chăm đương thời.
Ngay sau khi biết tin, viên Thứ sử Giao Châu là Phàn Diễn đã điều động quân binh hai quận Giao Châu, Cửu Chân đông 1 vạn người tiến xuống đánh dẹp. Trong đội quân này có nhiều người bản địa bị bắt đi lính cho nhà Hán. Khi được điều động, đại bộ phận binh sĩ đã chống lệnh không tiến quân. Phàn Diễn cố gắng đốc thúc, binh sĩ không phục bèn làm binh biến bao vây phủ lị. Phàn Diễn bị dồn vào thế nguy, phải điều động những lực lượng quân người Hán đến để giải vây và đàn áp. Cuộc chiến của các binh lính địa phương tuy thất bại những đã góp phần chia lửa cho nghĩa quân Khu Liên. Phàn Diễn mải loay hoay với nội tình quận Giao Châu, không thể rảnh tay mà điều động quân đông đi cứu viện cho quận Nhật Nam.
Sang năm 138, thanh thế của nghĩa quân Tượng Lâm ngày càng mạnh. Vua nước bấy giờ là Hán Thuận Đế Lưu Bảo triệu đình thần bàn bạc, định phát binh bốn châu Kinh, Dương, Duyện, Dự cả thảy 4 vạn quân đi đánh. Có viên quan là Lý Cổ can gián, nói rằng: “… Người các châu Duyện, Dự phải đi xa muôn dặm, chiếu thư thúc bách, tất phải bỏ trốn. Nam Châu [tức chỉ Giao Châu, tên gọi phần lãnh thổ nước ta dưới thời thuộc Hán] thì trời nắng nực, ẩm thấp lại thêm lam chướng dịch lệ, 10 phần phải chết đến 4, 5 phần. Đường xa muôn dặm, quân lính mỏi mệt, đến lúc tới Lĩnh Nam thì đã không kham nổi chiến đấu. Quân đi mỗi ngày 30 dặm mà Duyện, Dự cách quận Nhật Nam hơn 9 nghìn dặm, phải 3 trăm ngày mới đến. Tính lương một người ăn mỗI ngày 5 thăng, thì phải dùng đến 60 vạn hộc gạo, đó là không kể lương thực của tướng lại và lừa ngựa. Đặt quân ở đấy, chết chóc tất nhiều, đã không đủ quân chống giặc, lại phải bắt thêm. Thế là xẻo cắt lòng bụng để chắp vá cho chân tay …” (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).
Vua Hán nghe theo lời bàn, thôi không điều quân ở xa mà dùng quân ở hai quận Giao Châu, Cửu Chân giao cho hai tướng giỏi là Chúc Lương, Trương Kiều đi đánh, kết hợp với các chính sách chiêu an, mua chuộc. Những dân người Hán ở Nhật Nam đều phải dời sang trú ẩn ở Giao Châu. Quan tướng người Hán bắt đầu dùng nhiều tiền bạc, đất đai để chiêu mộ chính những người Chăm đánh lại đồng bào của mình. Tình hình từ đó biến chuyển thuận lợi cho quân Hán. Tuy nhiên, những nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của các Khu Liên vẫn can trường chiến đấu suốt hàng thập kỷ, buộc quan quân nước Hán phải nhiều phen tăng viện nhưng vẫn không dẹp yên nổi.
Năm 190, nghĩa quân Tượng Lâm trở nên hùng mạnh. Khu Liên dẫn quân đánh chiếm quận lị, giết Thứ sử nước Hán là Chu Phù. Nước Hán bấy giờ phải bận rộn với những cuộc phản kháng ở khắp nơi. Những sắc dân phi Hán khắp vùng lãnh thổ Bách Việt, Âu Lạc cũ luôn chực chờ nổi lên khi có cơ hội. Điều đó buộc Hán triều phải duy trì quân đội rải rác khắp các xứ để phòng bị, buộc lòng phải chấp nhận bỏ mặc vùng đất xa xôi như Tượng Lâm. Sau khi đại thắng, nhân dân Tượng Lâm bấy giờ, chủ yếu là người Chăm, đã tôn Khu Liên làm vua. Huyện Tượng Lâm chính thức thoát khỏi vòng nội thuộc của đế chế Hán. Một quốc gia mới được hình thành với tên gọi Lâm Ấp.
Quốc Huy/Một Thế Giới