Một người đàn ông Congo đang nhìn vào bàn tay và chân bị cắt đứt của con gái năm tuổi, bị giết chết và ăn thịt bởi nhân viên của Công ty Congo ABIR thuộc Bỉ. Lý do đơn giản là ông ta đã không nộp đủ thuế cao su. Người da trắng đã thuê những chiến binh của các bộ lạc ăn thịt người vùng thượng Congo làm dân quân, và họ sẵn sàng ăn thịt những kẻ chống đối để răn đe.
Nhà nước Congo Tự do là một quốc gia lớn ở Trung Phi, liên kết cá nhân với vương quốc Bỉ (tức có chung vua nhưng dùng luật pháp tiêng và xác định biên giới cụ thể cho mỗi nước). Cho đến giữa thế kỷ 19, Congo là trung tâm của khu vực Châu Phi còn giữ được độc lập, vì thực dân châu Âu ít khi tiến sâu vào lục địa mà chỉ tập trung khai thác vùng giáp biển. Nguyên nhân là do sự chống đối dữ dội của dân địa phương, những khu rừng nhiệt đới bao la với vô vàn đầm lầy, và sự hành hạ của bệnh sốt rét cũng như các bệnh khó chữa khác như bệnh “ngủ”. Theo tính toán của giới tư bản thì việc đầu tư khu vực này là quá tốn kém. Tuy nhiên năm 1876, vua Leopold II của Bỉ tổ chức một hội nghị địa lý hoành tráng tại thủ đô Brussels, ông ta mời những nhà thám hiểm nổi tiếng, nhà hảo tâm và thành viên của các hiệp hội địa lý tham gia vào “công tác nhân đạo” của người châu Âu ở vùng trung tâm châu Phi. Mục đích được đề ra “văn minh hóa” người dân bản địa. Tại hội nghị này, Leopold đã vẽ ra cái gọi là “Hiệp hội Châu Phi quốc tế” và được bầu làm chủ tịch.
Nhà thám hiểm nổi tiếng Henry Morton Stanley được thuê để khám phá Congo trong 5 năm, từ đó người Bỉ bắt đầu xây dựng đường sá, vẽ bản đồ giúp tàu hơi nước vào sâu trong nội địa và lập các trạm đóng quân. Trong quá trình này, Stanley đã ký nhiều hiệp ước với các tù trưởng địa phương và lãnh đạo bản xứ. Lóa mắt trước những món quà đẹp đẽ, rất ít người trong số lãnh đạo đó đủ thông thái để hiểu được mình đã ký kết cái gì, và về cơ bản thì những văn bản này đã chuyển giao cho vua Bỉ Leopold II hầu như tất cả chủ quyền khu vực. Christian de Bonchamps, một nhà thám hiểm người Pháp đi theo đoàn, đã viết trong nhật ký: “Những hiệp ước với các bạo chúa Phi châu nhỏ bé này, gồm bốn trang giấy mà họ không hiểu một từ nào”.
Leopold II đề ra một chiến dịch tuyên truyền và vận động hành lang khắp châu Âu, tuyên bố “Hiệp hội Châu Phi quốc tế” chỉ hành động vì lợi ích của dân bản xứ, không duy trì chế dộ nô lệ ở đây, và miễn thuế hàng nhập khẩu trong 20 năm cho mọi quốc gia . Kế hoạch này hoàn toàn thành công. Vào tháng 11 năm 1884, thủ tướng Đức Otto von Bismarck triệu tập một hội nghị 14 quốc gia để phân chia dứt điểm châu Phi. Khoảng 2.344.000 km vuông lãnh thổ Congo đã được trao cho vua Leopold II của Bỉ như tài sản cá nhân, để rồi từ đó ông ta lập ra Nhà nước Congo Tự do. Nó tồn tại như một vùng đệm giữa các thuộc địa của Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha; và nhanh chóng được quốc tế công nhận chủ quyền cũng như giữ vị thế trung lập.
Ngay sau khi nắm toàn bộ quyền kiểm soát Congo, Leopold II vứt luôn cái mặt nạ từ thiện và tiến hành khai thác thuộc địa thông qua lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên lúc đầu việc buôn bán ngà voi không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng và chính quyền thường xuyên phải trả những khoản nợ lớn. Đến năm 1890 thì nhu cầu cao su thế giới bùng nổ, Nhà nước Congo Tự do tăng cường tối đa bóc lột bằng cách cưỡng bức dân Congo đi lấy mủ cao su mọc hoang để xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ.
Theo một đạo luật ban hành và có hiệu lực trong năm 1891, trừ những phần đất mà trên đó có nhà ở hay ruộng vườn, toàn bộ đất đai Congo đều thuộc Nhà nước Congo Tự do. Dân phải đóng thuế bằng cách vào rừng cạo mủ cao su trên những cây dây leo (khác với loại cây cao su thân gỗ Hevea brasiliensis được trồng khắp thế giới) đem đi nộp. Lúc đầu không có công nghệ khai thác, người cạo mủ phải bôi cao su lên da mình rồi bóc ra khi nó khô, cứ như vậy từng mảng một và việc này gây ra cảm giác rất đau đớn. Mãi đến đầu thế kỷ 20 mới có công nghệ hứng mủ bằng máng và chậu. Công ty Congo ABIR (Compagnie du Congo Belge ) được cấp phép khai thác cao su tự nhiên trong Nhà nước Congo Tự do. Công ty này thu được lợi nhuận rất lớn vào cuối thập niên 1890, bằng cách bán một kilôgam cao su ở châu Âu với giá 10 franc trong khi chi phí khai thác chỉ là 1,35 franc. Lợi nhuận này đạt được bằng một hình thức bóc lột nặng nề, tàn bạo và man rợ chưa từng thấy.
Các công ty tư nhân mua lại quyền khai thác trong một vùng và hầu như được sử dụng mọi biện pháp để tăng sản lượng cao su. Không tồn tại cái gọi là quyền lợi của người lao động ở đây, dù chỉ 1 chút; pháp luật thực tế là mớ giấy lộn và không có chút tác dụng nào hết. Người da trắng thuê dân da đen có địa vị (capitas) để tổ chức và quản lý lao động địa phương, hỗ trợ họ là quân đội thuộc địa (Forrce Publique), tuyển dụng từ nhiều nơi, do các sĩ quan da trắng chỉ huy.
Mỗi khu vực, mỗi ngôi làng sẽ bị áp một mức thuế-tức hạn ngạch cao su phải giao nộp trong một khoảng thời gian nhất định, và hạn ngạch này thường cao đến mức phi lý. Nếu dân làng từ chối, họ sẽ bị binh lính đến đánh đập, bắt cóc để cưỡng ép thực hiện. Nhiều ngôi làng đã bị tiêu diệt chỉ vì chống đối hay không thể đáp ứng được hạn ngạch cao su quá lớn. Binh lính được yêu cầu chặt tay nạn nhân sau khi giết và mang về làm chứng (họ trang bị bằng súng đạn nhập khẩu châu Âu có giá đắt đỏ nên không được dùng săn bắn). Nếu một ngôi làng không nộp đủ cao su, sẽ có số tay bị chặt tương ứng với phần còn thiếu. Điều này đôi khi dẫn đến xung đột đẫm máu trong một địa phương, khi các làng tấn công lẫn nhau để lấy bàn tay đem nộp thay cao su. Sau này do nhu cầu nhân lực, binh lính chỉ bắt giam trưởng làng hay những nhân vật quan trọng để uy hiếp những người còn lại đi gom đủ cao su (hay tay người) còn thiếu. Thống kê tháng 7 năm 1902 có tổng cộng 44 nhà tù như vậy, với 3 đến 10 tù nhân chết mỗi ngày do điều kiện giam giữ khắc nghiệt (báo cáo của Sở bưu điện ở Bongandanga và Mompono).
Một mục sư người Đan Mạch đã ghi chép lại cảnh một ngôi làng bị xóa sổ vì dám chống đối mức thuế cao su: binh lính quấn lưới vào một nhóm 10 người, buộc đá và đẩy họ xuống sông. Phụ nữ bị hãm hiếp trước khi đóng đinh cùng con cái họ lên thập tự giá, đầu nam giới trong làng được cắm trên các cọc rào. Bàn tay bị chặt được thu thập và xếp đầy các giỏ. Một người lính nói với ông: “Đừng quá quan tâm đến điều này, họ sẽ giết chúng tôi nếu không mang cao su về. Tuy nhiên tay người có thể giúp giảm thời gian quân dịch, ủy viên hội đồng công ty đã hứa với tôi như vậy”.
Không phải mỗi bàn tay đều là một người chết, đôi khi binh lính rủ lòng thương và chỉ chặt tay nạn nhân đem về. Những bức ảnh chụp bàn tay người bị cắt đứt, đặt dưới chân sĩ quan châu Âu đã trở thành biểu tượng của Nhà nước Congo Tự do. Lính thuộc địa mang chúng đến các trạm thu thuế nộp thay cao su. Người ta lập nhóm đi tấn công bất kỳ ai họ gặp để chặt tay, thay vì vào rừng cạo mủ. Tay người đã trở thành một loại tiền tệ riêng ở Congo. Nếu một người lính nộp nhiều tay hơn đồng đội, anh ta sẽ được thưởng tiền và rút ngắn thời gian quân dịch.
Sự bóc lột và tàn bạo đó đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho Công ty Congo ABIR, và dĩ nhiên là Nhà nước Congo Tự do. Trong hai năm đầu tiên kể từ khi thành lập (1892-94) công ty này có tổng lợi nhuận là 131.340 franc, đến năm 1898 đã là 2.482.697 franc. Giá trị cổ phiếu ABIR đã tăng từ 1892 franc (năm 1892) lên 15.000 franc (năm 1903).
Theo thống kê trong 23 năm (1885-1908) vua Bỉ Leopold II cai trị Congo, ông ta đã tàn sát khoảng 10 triệu người châu Phi (15-20% dân số) bằng cách ra lệnh chặt tay, thiến, dìm chết đuối, bỏ đói khi cưỡng bức lao động thu hoạch cao su. Phần mỉa mai của câu chuyện này là Leopold II đã phạm những tội ác trên khi thậm chí không đặt chân vào Congo. Dưới sự quản lý của Leopold II, Nhà nước Congo Tự do đã trở thành một trong những vụ xì căng đan quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 20. Sự tàn bạo của nó lên đến độ mà tiêu chuẩn thực dân cũng không thể nào chấp nhận được. Đa số nhà thám hiểm, truyền giáo, nhà văn, phóng viên……từng đến Congo đều quay về gia nhập phong trào phản đối chế độ Leopold (trong số này có nhà văn Mỹ Mark Twain và nhà văn Anh Conan Doyle – tác giả tiểu thuyết Sherlock Holmes). Cuối cùng, nước Anh phải công khai yêu cầu quốc tế xem xét lại Hiệp định Berlin 1885 do đã trao quá nhiều quyền hạn và lãnh thổ cho vua Bỉ.
Áp lực quốc tế mạnh mẽ đã buộc Nhà nước Congo Tự do phải giải thể và sát nhập thành một thuộc địa của Bỉ năm 1908. Nhờ luật pháp Bỉ được áp dụng mà sự tàn bạo trong vấn đề thu hoạch cao su đã giảm đi (thực tế là do cao su mọc hoang đã bị khai thác cạn kiệt, còn cây cao su thân gỗ mới trồng thì chưa đến tuổi thu hoạch), y tế và giáo dục cũng được cải thiện hơn. Tuy nhiên xã hội Congo vẫn là xã hội thuộc địa bị bóc lột kiểu thực dân với mức độ phân biệt chủng tộc cao. Ngày 30 tháng 6 năm 1960, nước Cộng hòa Congo tuyên bố độc lập.
Cho đến nay, Bỉ chưa từng đưa ra lời xin lỗi về giai đoạn Nhà nước Congo Tự do.