Từ năm 1863 đến 1886, đê Văn Giang vỡ tới 18 lần. Vỡ đê, người dân chỉ còn cách đi xin ăn nên có câu thành ngữ “Oai oái như phủ Khoái xin ăn”.
Ca dao tục ngữ Hà Nội xưa cũng có câu: “Đông thành là mẹ, là cha/Đói cơm rách áo thì ra Đông thành”.Chợ Đông thành (tương ứng với các phố Hàng Than, Hàng Giấy, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào… bây giờ) là chợ lớn nhất Thăng Long có từ thời Hậu Lê. Chợ sầm uất, bán buôn đủ các mặt hàng. Ăn mày đến đây luôn được người bán hàng, người đi chợ cho vài chinh, gạo hay cơm. Không chỉ ở chợ Đông thành, Thăng Long còn có 8 chợ lớn khác nằm rải rác ở các phường.
Trong “Vũ Trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ viết: “Vào những năm lũ lụt hay mất mùa, dân đói ăn từ các nơi đổ về chợ xin ăn, trông rách rưới và thương tâm, người đi chợ không nỡ ngoảnh mặt đi qua”. Điều đó cũng cho thấy tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của người dân đất Kẻ Chợ.
Đến đời vua Tự Đức, ăn mày dồn về Hà Nội nhiều hơn. Ngoài nguyên nhân mất mùa, còn có nguyên nhân nữa là xã hội giai đoạn này phân hóa ngày càng sâu sắc, dân chúng ở quê đói kém, nợ nần buộc phải bán tư điền cho chức sắc trong làng. Không còn đất canh tác, không có nghề thủ công, họ chỉ còn cách đi ăn mày. Phillip Papine, tác giả của cuốn “Lịch sử Hà Nội” đã viết: “Không còn đất, một bộ phận nông dân trở thành kẻ làm thuê và lang thang ra thành phố xin ăn”.
Chiếm được Nam kỳ, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch đánh chiếm Bắc kỳ. Năm 1873, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, chiếm được thành rồi lại phải rút, nhưng họ cũng buộc vua Tự Đức phải ký hiệp ước cấp đất cho Pháp mở lãnh sự ở khu Đồn Thủy (nay là khu vực phố Phạm Ngũ Lão). Lại thêm quân Cờ đen quấy phá nên nông dân một số tỉnh bỏ ruộng, buôn bán cũng bị đình trệ làm kinh tế sa sút, nạn đói diễn ra ở nhiều nơi.
Trong thư gửi cho Chính phủ Pháp ngày 30-4-1876, Kergaradec, Lãnh sự của khu nhượng địa Đồn Thủy viết: “Cứ 5 ngày một lần, ăn mày ở thành phố và các vùng lân cận, một đội quân thực sự chen nhau ở Trường Thi (nay là Thư viện Quốc gia). Người ta cho từng người vào một và nhận được nửa cân gạo. Sau đó, cả 9 cửa cùng mở để mọi người đi ra. Tuy nhiên, chút gạo bố thí nhỏ nhoi đó vừa đủ một ngày nhưng người ta cũng chỉ phát cho người già, trẻ em, phụ nữ và người tàn tật. Những người đàn ông có vẻ kiếm sống được đều bị đám lính xua đuổi rất kiên quyết. Nhưng lần phát chẩn cuối cùng vẫn còn 22.000 người tới nhận”.
Năm 1882, thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, sau đó tiến hành bình định các tỉnh trung du và miền núi Bắc kỳ, trấn áp phong trào Cần vương. Chiến trận diễn ra ở nhiều tỉnh làm dân hoảng loạn bỏ quê ra Hà Nội. Trong hồi ký “Ở Bắc kỳ – Ghi chép và kỷ niệm” (Au Tonkin – Notes et souvenirs, xuất bản 1925), Bonnal (Công sứ Hà Nội 1883-1885) viết: “Hà Nội bị xâm chiếm bởi hàng nghìn người từ các tỉnh lân cận đổ về. Những toán đàn bà, trẻ con rách rưới bám theo binh lính của chúng ta khi đi dạo trong những phố buôn bán, nơi rất khó vạch ra lối đi ngay khi vung gậy xua đuổi. Quang cảnh của những sự khốn cùng ấy mới chỉ là đáng buồn nhưng khi gặp phải một toán quân hủi đến cản đường trong phố thì một người Âu kém tế nhị nhất cũng phải tháo chạy càng nhanh càng tốt. Người ta nhìn thấy họ nằm lăn ra trên những manh chiếu rách, chân tay vặn vẹo những tư thế kỳ cục, không còn giọng nói để cất lên lời xin bố thí”.
Đầu thế kỷ XX, ăn mày ngồi la liệt, bày biện đủ thứ hình ảnh đau khổ kêu khóc có bài ở Ô Cầu Dền vì Sở Cẩm không cho ăn mày vào nội thành. Tuy nhiên cũng có người trốn vào nhưng lại bị cảnh sát bắt đem ra cửa ô hay xua đi. Hà Nội phát triển về phía tây và phía nam, chính quyền không ngăn nổi ăn mày. Những năm 1920 đã xuất hiện “Ngõ ăn mày” ở gần Ô Chợ Dừa (nay là ngõ Đoàn Kết phố Khâm Thiên). Họ dựng lều sơ sài bên những vùng lầy lội và hồ ao đầy cỏ dại, ban ngày kéo nhau đi ăn xin, tối về ngủ. Năm 1945, lũ lụt, mất mùa, chiến tranh, quân Nhật bắt phá lúa trồng đay đã khiến dân chết đầy đường Hà Nội. Các hội thiện cùng chính quyền phải đi thu gom xác chết mang chôn ở nghĩa trang Hợp Thiện (nay là khu vực Nhà máy sợi Hà Nội ở phố Minh Khai).
Nguồn: Theo Dòng Sử Việt