Lý do duy nhất mà đô đốc Magellan thuyết phục được triều đình Tây Ban Nha bỏ tiền chi cho chuyến hải trình vòng quanh thế giới là lợi nhuận. Tuy con đường đi biển sang châu Á đã được khám phá bằng cách đi vòng xuống châu Phi, nhưng mất thời gian quá lâu (2-3 năm) và nhiều rủi ro (cướp biển, bão, thuế cao của các cảng ven bờ….). Thời điểm đó, các loại gia vị như quế và hạt tiêu có thể kiếm lời lớn ở châu Âu. Loại hạt tiêu thượng hạng nhất ngang với giá vàng. Tầng lớp thượng lưu thường tích trữ và chấp nhận hạt tiêu để thanh toán tiền thuê nhà và các khoản nợ khác. Một pound (tương đương 0,45 kg) hạt tiêu ngang với 3 tuần làm việc của một công nhân bình thường.
Dù lúc đó thuyết trái đất phẳng vẫn rất thịnh hành, nhưng lợi nhuận được kỳ vọng đã giúp lý thuyết quả đất hình cầu thắng thế trong vụ đánh cược này. 265 thủy thủ, sĩ quan và 5 tàu ra khơi, hướng về phía Tây mà đi. Chuyến hành trình gặp phải vô số trở ngại: thủy thủ nổi loạn, bão tố, thuyền cũ không thích hợp cho hành trình dài ngày….Nhưng vấn đề lớn nhất của Magellan là bản đồ. Châu Âu thời đó còn chưa vẽ xong bản đồ châu Mỹ, nên hạm đội của ông phải tự mày mò đi xuống phía Nam để tìm eo biển băng qua (ngày nay nó được đặt tên “eo biển Magellan” để tưởng nhớ)..
Qua eo biển, hạm đội Tây Ban Nha tiến vào đại dương mới mà trước đó chưa từng ai biết đến. Do vậy Magellan chỉ tích trữ lương thực đủ cho chuyến vượt Đại Tây Dương mà thôi (ông không ngờ là Thái Bình Dương rộng gấp đôi). Hệ quả là khi hết sạch bánh mì, người ta phải bắt chuột, rồi ninh những miếng da thuộc bọc đồ dùng để ăn cầm hơi, thỉnh thoảng lại có người chết đói phải ném xác xuống biển. Sau 3 tháng như vậy Magellan mới đến được quần đảo Philippines. Ông thiệt mạng trong một cuộc xung đột với thổ dân ở đây. Thuyền trưởng mới được bầu và vị này chỉ huy các tàu còn lại giương buồm về châu Âu, nhưng chỉ có Victoria đến được đích, còn đâu đều đã hư hỏng phải đốt bỏ hoặc để lại.
Ngày 6/9/1522, con tàu tàn tạ về đến cảng Tây Ban Nha với 18 thủy thủ kiệt sức, và 26 tấn gia vị các loại trong hầm. Số gia vị này dư dả bù đắp chi phí cho cuộc thám hiểm, nhờ vậy đã khuyến khích những chuyến hành trình tiếp theo của người châu Âu. Có bản đồ mới, các đội tàu dễ dàng đến được Philippines, quần đảo này trở thành thuộc địa quan trọng của Tây Ban Nha mãi đến cuối thế kỷ 19.
Tính ra tàu Victoria (3 cột buồm, nặng 85 tấn, 42 thủy thủ) đã di chuyển quãng đường hơn 68.000 km quanh trái đất, trong đó 35.000 km là vừa đi vừa mò mẫm. Nó được đại tu và còn phục vụ 15 năm nữa mới bị đắm trong một vụ tai nạn. Ngày nay có 2 phiên bản để kỷ niệm với tỉ lệ như thật của tàu Victoria, một ở Tây Ban Nha và một ở Chile.