Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, chính quyền Washington quyết định đưa quân chiến đấu trên bộ vào miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc.
Sau khi đưa một đại đội máy bay F.105 vào Biên Hòa và một tiểu đoàn tên lửa phòng không MIM-23 Hawk vào Đà Nẵng, ngày 8/3/1965, đại đội đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đổ bộ lên bãi biển Phú Lộc (nay thuộc quận Thanh Khê). Đến chiều cùng ngày, tiểu đoàn 2 thuộc lữ đoàn nói trên được không vận từ căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là những đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên của Mỹ được đưa vào miền Nam, trực tiếp tham chiến.
Trước đó các nhân viên quân sự, binh lính cũng như cố vấn Mỹ chỉ làm nhiệm vụ đào tạo và chỉ huy mà không trực tiếp chiến đấu.
Ngày 14/4/1965, ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một tiểu đoàn tên lửa phòng không MIM-23 Hawk, 3 chi đoàn cơ giới, 2 phi đội máy bay phản lực, 1 đại đội pháo 155 ly và 203 ly thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 Mỹ tiếp tục đổ bộ vào Đà Nẵng, triển khai việc thiết lập vành đai bảo vệ căn cứ này.
Tổ hợp tên lửa đất đối không tầm trung MIM-23 Hawk do Công ty Raytheon phát triển đầu những năm 1950, bắn thử lần đầu năm 1956. Đầu những năm 1960, MIM-23 chính thức đưa vào phục vụ trong Quân đội Mỹ. Có thể nói, khi đưa sang Việt Nam, MIM-23 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại hàng đầu thế giới, tương đương với tổ hợp S-125 Pechora của Liên Xô.
Tổ hợp MIM-23 thường được trang bị 4 đài radar bắt mục tiêu – dẫn đường tên lửa, 6 bệ phóng (3 đạn tên lửa/bệ) và một số thành phần hỗ trợ khác. Đạn tên lửa MIM-23A dài 5,08m, đường kính thân 0,37m, sải cánh 1,21m, lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 54kg và trọng lượng phóng 584kg.
Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 2-25km, độ cao bay tối đa 11.000m, tốc độ hành trình Mach 2,4. MIM-23A lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động – công nghệ hiện đại nhất vào thời điểm đó.
Nguyên lý cơ bản khi tấn công mục tiêu, hệ thống radar mặt đất của tổ hợp sẽ phát sóng đến mục tiêu, các sóng phản xạ từ mục tiêu trở lại sẽ được radar đạn tên lửa bắt được. Sau đó, các tín hiệu sẽ chuyển thành lệnh để điều khiển tên lửa bám bắt và dẫn nó tới mục tiêu.
Tổ hợp MIM-23 được Mỹ triển khai nhằm bảo vệ các căn cứ Chu Lai (Đà Nẵng) và Tân Sơn Nhất (Sài Gòn). Mục tiêu chủ yếu là để đối phó với các máy bay chiến đấu Mig của Không quân Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên người Mỹ đã lo quá xa, số lượng Mig được Liên Xô viện trợ đều tập trung bảo vệ không phận miền Bắc, chúng cũng không đủ khả năng vươn tới các căn cứ này. Bởi thế tên lửa MIM-23 Hawk được mang sang Việt Nam cuối cùng chỉ phục vụ cho mục đích….trưng bày và ngốn tiền.