Trang chủ Ngày này năm xưa Ngày này năm xưa (11/6/1963): Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.

Ngày này năm xưa (11/6/1963): Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu.

Để cứu nguy Phật giáo khỏi nạn diệt vong, vào ngày 25-5-1963, Ban Trị sự TW Tổng hội Phật giáo Việt Nam triệu tập 11 giáo phái và hội đoàn Phật giáo, thành lập ra Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, do TT.Tâm Châu làm chủ tịch, dưới sự chứng minh tối cao của HT.Thích Tịnh Khiết.

Trong suốt hơn hai nghìn năm hiện diện trên quê hương, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam phải đối diện với những đe dọa và thách thức trầm trọng như trong gần bốn mươi năm giữa thế kỷ thứ 20. Đó là giai đoạn mà Phật giáo phải chịu tác động của 3 cuộc khủng hoảng lớn.

Ảnh: Hoà thượng Thích Quảng Đức
Ảnh: Hoà thượng Thích Quảng Đức

Thứ nhất là nội lực của Phật giáo bị suy kiệt sau gần 100 năm bị “nhiệm vụ khai hoá” của thực dân Pháp gạt ra khỏi vai trò phên dậu văn hóa của dân tộc.

Thứ hai là cùng đồng hành với dân tộc trong cao trào chống ngoại xâm nên đã hy sinh gần cạn kiệt nguồn vốn trí tuệ, thân mạng và cơ sở vật chất trên cả ba miền đất nước.

Thứ ba là sau ngày đất nước qua phân vào năm 1954, trong khi Phật giáo tại miền Bắc gần như hoàn toàn tê liệt vì hậu quả của chiến cuộc thì tại miền Nam, trong nỗ lực chập chững hồi sinh, Phật giáo lại phải đối mặt suốt gần một thập niên với một chính sách đàn áp, tiêu diệt có hệ thống của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Chính quyền Ngô Đình Diệm với vị Tổng Giám mục “quyền huynh thế phụ” đầy tham vọng đạo cũng như đời, thật ra chỉ là một công cụ để thừa kế và triển khai một cách dai dẳng và không khoan nhượng, sách lược xâm thực văn hóa của chủ nghĩa thần quyền ngoại bang, suốt gần 600 năm khắp nơi trên thế giới.

Phật giáo Việt Nam trở thành đối tượng bị nhắm đến đầu tiên, liên tục và hung hãn trong suốt 8 năm cai trị của chế độ Ngô Đình Diệm, một chế độ mà nhiệm vụ chính trị của tập đoàn lãnh đạo đã làm cho họ không còn chọn lựa nào khác, không còn cách hành động nào khác hơn là phải tiêu diệt Phật giáo. Cho nên trong suốt 8 năm, Phật giáo đã bị kỳ thị, đàn áp, khống chế, thậm chí bị tiêu diệt trong hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt quần chúng cũng như công quyền tại miền Nam. Từ luật pháp đến chính trị, từ giáo dục đến an ninh, từ kinh tế đến thương mãi, từ nông nghiệp đến xã hội, từ quân đội đến hành chính … và đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo thì chính quyền dùng đủ mọi biện pháp để khống chế và tiêu diệt đến tận cùng.

Trong bài viết này, phân tích các nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu trong bất bạo động của Phật giáo Việt Nam và đại nguyện tự thiêu vì chánh pháp của Bồ tát Thích Quảng Đức. Trên cơ sở này, phân tích khái quát về ý nghĩa tự thiệu của Bồ tát Thích Quảng Đức, để từ đó, mỗi người tự rút ra cho mình các bài học nhập thế, phụng sự nhân sinh.

Bồ tát Thích Quảng Đức tên thật là Lâm Văn Tuất (林文戌),[1] còn gọi là Nguyễn Văn Khiết (阮文㓗) sinh vào giờ Tý, ngày Rằm tháng 9 Mậu Tuất (29-10-1898) tại Khánh Hòa. Đứng trước cảnh chính quyền toàn trị Ngô Đình Diệm gây nhiều bất công xã hội, tạo ra  bất bình đẳng tôn giáo, bách hại Phật tử, cấm treo cờ Phật giáo thế giới trong ngày đại lễ Phật đản, Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát tâm đại bi, thiêu thân vì chánh pháp vào lúc 11 giờ ngày 20 tháng 4 (nhuần) Mậu Ngọ (11-6-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt.[2]

Một người theo Tin Lành giáo tại Hoa Kỳ, Mục sư Donald Harrington đã tường thuật rất xúc động về bản chất và ý nghĩa của việc Bồ tát Quảng Đức tự thiêu, như ngọn lửa soi sáng lương tâm chính quyền độc tài toàn trị Ngô Đình Diệm và những người chủ trương chiến tranh thực dân mới ở miền Nam Việt Nam:

“Cách đây hơn hai tuần, vào ngày 11.6.63 Hòa thượng Thích Quảng Đức đã ngồi thiền trên đường nhựa nóng. Trong tay Hòa thượng cầm một xâu chuổi 54 hạt và bắt đầu niệm Phật. Trên chiếc áo cà sa của Hòa thượng thì đã tẩm ướt đầy xăng. Tất cả Tăng Ni lùi lại, kính cẩn, kinh sợ. Khách bộ hành nhận thấy một biến cố phi thường gì sắp xẩy ra nên tất cả đều dừng lại chờ đợi.

Với vẻ yên lặng, bình thản trên khuôn mặt, Hòa thượng Quảng Đức niệm lớn: “Nam Mô A Di đà Phật”. Thế rồi Người bật một que diêm và ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân thể nhưng Người không hề rên la hay lay động. Người ngồi thẳng trong mười phút, thân hình chìm trong lửa đỏ, và khi lửa tàn, Người nằm xuống bất động…

Người ta có thể tự hỏi sự khủng khiếp và niềm phẫn hận nào đã có thể khiến cho một người của “Tình Thương” của “Hòa Bình”, quyết chí tự thiêu?…  Nếu sự tuyệt vọng hoàn toàn và chán đời cực độ đã đưa con người trên đời nầy đến chỗ tự tử, thì một lý tưởng cao cả nhất và lòng yêu đời nồng nàn nhất một đôi khi cũng đã sản xuất những người tử đạo quả cảm nhất trong lịch sử… Hòa thượng Quảng Đức hy sinh đời mình bằng cách tự thiêu để thức tỉnh lương tâm của Tổng thống Diệm và lưu ý cho toàn thế giới..

Người đã chịu đựng sự đau đớn của tia lửa hồng đang đốt da thịt nhưng không một lời kêu than. Người gởi mấy lời của Người cho Tổng thống Diệm, và cho đến nay ông Diệm vẫn chưa chịu nghe hay chú ý. Nhưng dù sao tiếng nói ấy vẫn là tiếng nói của tình thương, tiếng nói mà trong thâm tâm của nó chứa đưng sự giải thoát của miền Nam Việt Nam. Người đã để lại một bóng đen sĩ nhục lên sự huy hoàng mà Giáo hoàng Gioan đã mang lại cho Giáo hội Thiên Chúa. Người đã làm và Người phải làm, cho mỗi người Hoa Kỳ đi tìm linh hồn của Người và cho chính phủ Hoa Kỳ biết rằng, trừ phi chính phủ Sài Gòn thực thi ngay quyền bình đẳng tôn giáo cho Phật giáo đồ và tự do cho dân chúng Việt Nam, tất cả mọi viện trợ của Hoa Kỳ đều phải chấm dứt ngay…

Ngọn lửa ấy có thể thành một tia hy vọng cho những người từ lâu bị áp bức bởi người ngoại quốc hay bởi ngay chính đồng bào của họ…”[3]

Để thực hiện đại nguyện tự thiêu, bảo vệ chánh pháp, Bồ tát Thích Quảng Đức đã nhờ TT. Thích Đức Nhuận giúp đánh máy và đọc bản thảo Đơn xin tự thiêu ký ngày 27-5-1963. Đơn xin tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức khẳng định năm nguyện vọng Phật giáo và phương pháp bất bạo động là tinh thần đấu tranh chân chánh của Phật giáo Việt Nam như sau:

“Tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh là Thị Thủy, pháp tự là Quảng Đức, tu sĩ Giáo Hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703 cấp tại Quận Tân Bình ngày 21 tháng 2 năm 1962, hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng:

1) Năm nguyện vọng tối thiểu nghi trong Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín đồ Phật giáo là phản ảnh tinh thần chân chánh của Phật giáo Việt Nam.

2) Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.

3) Triệt để tuân theo và ủng hộ các cấp lãnh đạo Phật giáo.

Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân này nếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản Tuyên Ngôn là phản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.

– Phật giáo Việt Nam bất diệt !

– Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ.

Và xin quý Thượng tọa chấp thuận chuyển tới toàn thể tín đồ lời nguyện ước cuối cùng của tôi: Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự giác, tự nguyện, bền chí với sứ mạng duy trì chánh pháp, bảo vệ lá cờ Phật giáo.”[4]

Mặc dù không được Giáo hội Tăng già Việt Nam chấp nhận,[5] Bồ tát Quảng Đức vẫn thầm lặng theo đuổi đại nguyện tự thiêu trên tinh thần vô ngã, vị tha. Những ngày cuối đời tại Chùa Ấn Quang, Bồ tát tham thiền nhập định, đọc tụng Kinh Pháp Hoa, ôn lại tấm gương của Bồ tát Dược Vương dùng hỏa quang tam-muội để đốt thân cúng dường chánh pháp.

Trong Lời nguyện Tâm quyết,[6] Bồ tát Thích Quảng Đức thể hiện lòng từ bi đối với vận mạng của Phật giáo: “Tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong.” Hành động của Bồ tát Quảng Đức một mặt “nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật” mặt khác nhằm mục đích “hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.” Từ trong thâm tâm, ngài mong cầu mọi việc tốt lành đến với tổng thống Ngô Đình Diệm, “Cầu nguyện Phật Trời gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt” và mong ông “nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”. Đối với quê hương, dân tộc và đạo pháp, Bồ tát Quảng Đức mong cầu: “ơn Phật gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt; mong hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức Tăng Ni, và Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác; và cuối cùng là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.”

Thông thường “lửa” trong Phật giáo tượng trưng cho “tham ái” như trong kệ Pháp Cú 146: “Cười sao được, sướng vui sao nỗi/ Khi lửa tham (pajjalite)[7] cháy rụi thế gian/ Tối tăm giăng phủ trời đêm/ Sao không nỗ lực tìm đèn sáng soi?”[8] Lửa rực đỏ từ thân Bồ tát Thích Quảng Đức suốt 7 phút đã trở thành “lửa từ bi” như nhà thơ Vũ Hoàng Chương[9] đã mô tả qua bài thơ bất hũ mang cùng tên. Ngọn lửa từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức có khả năng soi sáng lương tâm như ngọn đuốc trí tuệ. Bằng ngọn lửa từ bi, trái tim từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức trở thành “xá lợi trái tim” đầu tiên và duy nhất về thể loại này, bất diệt với thời gian, biểu tượng của tình thương chiến thắng bạo tàn, trí tuệ chiến thắng gian nguy.

Chú thích: 

[1] “Tuất” thường được phiên âm sai lầm là “Tức” hay “Tất”. Sai lầm trong trường hợp 1 có thể xem trong Bách khoa mở Wikipedia tại địa chỉ: http:/en.wikipedia.org/wiki/Thich_Quang_Duc.  Về sai lầm 2 có thể tham khảo các sách viết về Bồ tát Quảng Đức tại Việt Nam, tiêu biểu như Lửa thiêng nhiệm mầu – Lược sử Phật giáo đồ đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của nhiều tấc giả, xuất bản tháng 12-1963, được GHPGVN TP.HCM tái bản tháng 5-2013, tr. 111.

[2] Nay là ngã tư CMT8 – Nguyễn Đình Chiểu, nơi UBND thành phố HCM làm và tôn trí tượng đài của Bồ tát Thích Quảng Đức bằng đồng, ghi nhận công đức của Người cho đạo pháp và dân tộc.

[3] Được thuyết giảng tại một thánh đường ở New York vào ngày 30.6.63. Trích theo Bùi Kha, Ngọn lửa Quảng Đức qua miêu tả của báo nước ngoài. Tháng 5 năm 2013.

[4] Quốc Tuệ (biên tập). Phật Giáo Việt Nam 1963. Saigon, 1964, tr. 94-96.

[5] TT. Thích Tâm Giác, Phó Trị sự Trưởng của Giáo hội Tăng già Việt Nam, trong thư trả lời, đã không chấp nhận cho Bồ tát Quảng Đức tự thiêu: “Với quyết tâm bảo vệ Phật pháp, Đại đức nguyện hiến xã thân này bằng cách thiêu đốt thân xác để phản đối chính sách bất bình đẳng tôn giáo với nhà cầm quyền và nêu tỏ thái độ hy sinh vì đạo cao cả mà mình đã tôn thờ. Giáo hội rất thông cảm trước ý chí cao đẹp ấy. Nhưng trên nguyên tắc pháp lý (Luật Phật đã định cũng như luật pháp thế gian), Giáo hội không thể chấp nhận điều nguyện thiêu đốt thân xác của Đại đức được. Vậy xin Đại đức hoan hỷ và cầu chúc Đại đức vô biên an lạc.”

[6] Bằng chữ Nôm được Bồ tát viết ngày 04-06-1963 tại chùa Ấn Quang. Bài này thường được phiên âm sai là “Lời nguyện tâm huyết” với một vài từ thay đổi, so với nguyên bản chữ Nôm.

[7] Trong tiếng Pali, “pajjalite” có nghĩa đen là “bốc cháy”. Trong ngữ cảnh của Kinh Pháp Cú, nó có nghĩa là “bốc cháy bởi lửa tham” (burning with fires of passion). Tham khảo Sớ giải Kinh Pháp Cú, kệ 146.

[8] Thích Nhật Từ dịch. Nguyên tác Pali như sau: “Ko nu haso kimanando/ niccam pajjalitesati/ andhakarenaonaddha/ padipamna gavesatha.” (Dhammapada 146).