Trang chủ Quân Sự Chiếc máy bay MiG-17 mang số hiệu 3020 và “phi công huyền...

Chiếc máy bay MiG-17 mang số hiệu 3020 và “phi công huyền thoại” tên Tuân của không quân Việt Nam

Bạn có biết tại một viện Bảo tàng Lịch sử Hàng không của Hoa Kỳ có một chiếc máy bay MiG-17 số hiệu 3020 của không quân Việt Nam?

Chiếc máy bay MiG-17 tại Bảo tàng Lịch sử Hàng không Hoa Kỳ chỉ là một chiếc MiG-17 khác được sơn lại đúng nguyên bản để trưng bày, trong khi chiếc MiG mang số hiệu 3020 thực sự đã bị bắn hạ.

Vậy vì sao Mỹ phải trưng bày một chiếc máy bay của không quân Việt Nam trong bảo tàng? Sở dĩ có điều này vì MiG 3020 gắn liền với một “phi công huyền thoại” có tên Tuân của không quân Việt Nam.

Chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 được trưng bày tại bảo tàng Mỹ.
Chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 được trưng bày tại bảo tàng Mỹ.

Trong một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ vẫn tin rằng đã có một phi công tên là Đại tá Tuân (Colonel Tomb), lái chiếc 3020 bắn hạ 13 máy bay Mỹ. Phi công này đã trở thành một huyền thoại được nhắc tới nhiều trong không quân Mỹ và đã nhận được sự tôn trọng từ chính kẻ thù của mình.

Câu chuyện bắt đầu trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ hay nghe lén radio của không quân Việt Nam, và cứ mỗi khi nghe lóm được cái chữ “Tuân” thì máy bay của Mỹ đều phải quay đầu.

Cơ quan tình báo Mỹ NSA từng thu thập nhiều thông tin, chủ yếu nghe lén radio: “NSA có thể nhận định từng cá nhân phi công Việt Nam qua những cái tên đặc trưng, họ lập nên những bộ hồ sơ cụ thể về các phi công này, nắm rõ những thông tin như tên, đơn vị, cấp bậc, số lượng chiến dịch đã tham gia, số lượng máy bay đã bắn hạ,…” nhờ đó họ phát hiện ra một phi công tên Tuân.

Cũng trong khoản thời gian đó, tình báo Mỹ có nhận được một bức ảnh của một chiếc MiG-17 số hiệu 3020 với nhiều ngôi sao ở mũi – tượng trưng cho số lượng máy bay đã bắn hạ. Mỹ cho rằng chiếc máy bay này thuộc về đại tá Tuân. Theo NSA thì Tuân là một nguy cơ lớn và họ luôn cảnh báo với các tướng cao cấp của Mỹ mỗi khi Tuân cất cánh.

Không quân Mỹ cho rằng Tuân đã bắn hạ tới 13 máy bay. Có nhiều chiến dịch phải huỷ bỏ giữa chừng chỉ đơn giản vì nghe lén được có chữ “Tuân” đâu đó qua radio liên lạc. Cái tên Đại tá Tuân dần trở thành nỗi khiếp sợ của không quân và phi công Mỹ. Truyền thông Mỹ gọi đó là một phi công huyền thoại của Việt Nam.

Đến ngày 10 tháng 5 năm 1972, một cuộc chạm trán giữa các máy bay MiG của Việt Nam và F-4 Phantom của Mỹ đã diễn ra. Chiếc MiG mang số hiệu 3020 cũng đã tham gia giao chiến. Sau cùng, các phi công Mỹ xác nhận đã bắn rơi được chiếc MiG 3020 tại Hải Dương. Các phi công Mỹ thừa nhận chiếc MiG được điều khiển bởi một phi công rất giỏi và cuộc giao tranh diễn ra rất khó khăn.

Các phi công Mỹ thừa nhận đã phải rất khó khăn khi chiến đấu với phi công lái chiếc MiG 3020.
Các phi công Mỹ thừa nhận đã phải rất khó khăn khi chiến đấu với phi công lái chiếc MiG 3020.

Tuy nhiên về phía Việt Nam khẳng định không có Đại tá Nguyễn Tuân nào hết. Cả phi công Nguyễn Văn Cốc và Phạm Tuân cũng khẳng định mình không phải là “Đại tá Tuân” được nhắc đến.

Tuy sự tồn tại của Tuân bị phủ nhận, nhưng chiếc máy MiG huyền thoại là có thật. Thông tin do tình báo thu nhập về chủ yếu nhờ nghe lén radio nên cái tên Tuân phải xuất hiện nhiều lần mới gây được sự chú ý.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra. Trong chiến tranh Việt Nam thì các phi công thường thay phiên dùng chung máy bay cho nên có thể đó là chiến công của nhiều phi công. Những ngôi sao trên chiếc MiG có thể không tượng trưng cho số lượng máy bay do một phi công bắn hạ, mà là số lượng máy bay được bắn hạ bởi chiếc MiG đó.

Cùng với việc chiếc Mig với số hiệu 3020 được xác nhận điều khiển bởi nhiều phi công, và trong số đó có hai phi công kỳ cựu là Nguyễn Văn Bảy và Lê Hải với nhiều lần bắn hạ được máy bay. Còn cái tên “Tuân” có thể là nhầm lẫn với Đại tá Đinh Tôn hoặc Phạm Tuân, nhưng hai người này lại không lái MiG-17.

Có một số ý kiến từ phía Mỹ cho rằng đó là một phi công Liên Xô đã bí mật tham gia cuộc chiến. Tuy nhiên Liên Xô phủ nhận việc phi công của họ tham gia chiến đấu cho không quân Việt Nam.

Bất luận thế nào, Đại tá Tuân có thể là nhầm lẫn hoặc tưởng tượng, nhưng chiếc MiG số hiệu 3020 cũng đã trở thành nỗi khiếp sợ của không quân Mỹ và câu chuyện về chiếc MiG huyền thoại này được lan rộng khắp thế giới.

Huyền thoại về chiếc MiG và Đại tá Nguyễn Tuân không kết thúc qua những câu chuyện kể suông mà được ghi nhớ lại một cách đầy tôn trọng: hiện tại ở Mỹ có một chiếc MiG-17 được sơn lại với số hiệu 3020 giống với nguyên bản và được trưng bày tại căn cứ không quân Wright-Patterson, bang Ohio. Ngoài ra, một mô hình của chiếc 3020 này cũng có mặt ở một bảo tàng hàng không ở San Diego