Trong lúc phần lớn lực lượng quân Đại Việt tập trung tiêu diệt đạo thủy quân Nguyên Mông rút theo ngả sông Bạch Đằng thì ở phía mặt trận trên bộ, hàng vạn quân ta bao gồm quân chính quy của triều đình và các đạo dân binh, thổ binh cũng đã bố trí thế trận truy kích khối quân kỵ bộ của Thoát Hoan trên đường rút chạy về nước. Trên toàn tuyến các cửa ải dài từ Vạn Kiếp đến ra khỏi địa phận nước Đại Việt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ, cắt đứt triệt để hành lang hậu tuyến của giặc. Giờ đây để có thể trở về, quân Nguyên không còn cách nào khác là vừa rút lui vừa phải chiến đấu để giành đường đi.
Trên đoạn đường qua ải Nội Bàng, quân Đại Việt mai phục dày đặc. Tại ải Nữ Nhi, quân ta đào hầm sỉa ngựa đón đánh kỵ binh giặc. Các cửa ải khác trên tuyến biên giới cũng đều bố trí phục binh và quân chặn cửa ải.
Ngày 8.4.1288, Thoát Hoan đem quân rút lui theo đường Vạn Kiếp, Lạng Sơn về nước. Quân Nguyên rút theo hai đường. Đường phía đông có A Bát Xích đem quân tiên phong đi trước, Thoát Hoan dẫn quân đi sau theo. Đường này quân Nguyên sẽ đi qua ải Nội Bàng, ải Nữ Nhi, ải Khâu Cấp (tức Lộc Bình, Lạng Sơn ngày nay) để về nước. Tích Đô Nhi dẫn quân theo đường phía tây, tức phải qua ải Chi Lăng, trại Vĩnh Bình để về. Dù đi theo đường nào thì trên mỗi bước đường quân Nguyên đều phải đánh đổi bằng xương máu.
Tích Đô Nhi đem quân theo đường hướng tây, chỉ đi được đến cửa ải Hãm Sa đã bị quân Đại Việt chặn đánh hàng chục trận, chịu thương vong đáng kể lực lượng. Nhận thấy không tiến lên được nữa, Tích Đô Nhi chuyển hướng cho quân theo hướng đông đến họp quân với Thoát Hoan để cùng rút lui. Về phía cánh quân Nguyên rút theo phía đông cũng chẳng dễ dàng. Thoát Hoan đem quân đến đoạn đường qua ải Nội Bàng thì lọt vào trận địa mai phục của quân Đại Việt.
Quân ta chờ cho giặc hành quân qua gần hết mới tung quân đánh cắt đôi đội hình, vây bức hậu quân của giặc mà tiêu diệt. Thoát Hoan sai Vạn hộ Đáp Lạt Xích, Lưu Thế Anh cố sức đánh mới giải vây được cho hậu quân. Quân Đại Việt vẫn đánh đuổi theo sau lưng quân Nguyên khiến chúng chết rơi rớt dọc đường. Thoát Hoan phải sai Vạn hộ Trương Quân cầm 3.000 tinh binh chặn hậu cho toàn quân còn lại rút lui.
Qua khỏi ải Nội Bàng, cánh quân của Thoát Hoan gặp lại cánh quân của Tích Đô Nhi từ đường phía tây quay trở lại, họp thành một đoàn để cùng rút lui. Trước, sau và hai cánh đoàn quân rút chạy của chúng đều có quân Đại Việt chực chờ đánh phá.
Trong lúc các tướng sĩ đang nức lòng đánh diệt giặc thì có chiếu chỉ của vua Trần hạ lệnh thôi không truy kích nữa, nhường đường cho Thoát Hoan dẫn đám tàn binh bại trận về nước. Hưng Đạo vương và vua Trần đã thống nhất rằng mặc dù quyết chí tổ chức truy kích khối quân bộ Nguyên Mông những đòn đau, tiêu hao thật nhiều lực lượng của chúng, thể hiện cho chúng biết sức mạnh to lớn của quân dân Đại Việt nhưng vẫn muốn chừa cho Thoát Hoan một con đường sống hòng tiện cho việc bang giao về sau. Toan tính này xuất phát từ thực tế rằng chính những lực lượng thủy quân Nguyên Mông mới là mối nguy hiểm lớn đối với Đại Việt, còn kỵ bộ quân Nguyên không có nhiều đất dụng võ ở chiến trường Đại Việt.Lại thêm đế quốc Nguyên Mông to lớn hơn Đại Việt hàng chục lần, tiềm lực cũng mạnh hơn nhiều lần. Nếu cứ thẳng thừng đối đầu thì sẽ dẫn đến chinh chiến liên miên, dẫu có mãi thắng trận cũng không phải là phúc cho dân.
Vua Trần Nhân Tông là người có tầm nhìn xa, chuộng hòa bình. Tuy nhiên việc chừa cho Thoát Hoan một con đường sống lại không phù hợp với ý nguyện của nhiều tướng sĩ Đại Việt thời bấy giờ. Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện là tướng chỉ huy các quân giữ ải căm hận quân Nguyên tàn hại sinh linh Đại Việt, bất tuân thượng lệnh. Ông vẫn cho quân tổ chức đánh diệt đám bại binh của Thoát Hoan. Quân Đại Việt dùng kế Hư trương thanh thế để dẫn địch đi theo đúng ý của mình. Trải dài từ ải Khâu Cấp đến ải Nữ Nhi, quân ta quân ta phô trương rầm rộ, đào hầm sỉa ngựa để đợi. Trước quân Nguyên cài gián điệp (nhiều khả năng là người sắc dân thiểu số vùng biên giới) vào hàng ngũ của ta. Nay gián điệp ấy lại theo về quân ta, báo tin tức sai lệch khiến cho đám du binh quân Nguyên tưởng lầm rằng ta có rất đông quân.
Chưa kịp hoàn hồn sau trận chiến tại Nội Bàng, Thoát Hoan lại nghe gián điệp báo về rằng quân ta “chia binh hơn 30 vạn, giữ cửa quan Nữ Nhi cùng núi Khâu Cấp, trải dài hơn trăm dặm chặn đường về”(theo Tân Nguyên sử). Đó chỉ là báo cáo sai lệch của gián điệp. Thực ra phần lớn quân chủ lực Đại Việt đã dồn về ven biển để đánh diệt thủy quân giặc, toàn tuyến biên giới trên bộ chỉ có khoảng vài vạn quân ta hoạt động. Thoát Hoan trúng kế phản gián, lệnh cho các quân theo đường Lộc Châu về Tư Minh. Đây là đoạn đường hẹp. Thoát Hoan cho hành quân gấp để nhanh chóng vượt qua biên giới, đội hình quân Nguyên do đó mà đứt đoạn, dàn mỏng theo dọc đường đi.
Quân Nguyên liên tiếp nhiều ngày đói ăn, lại phải căng mình chiến đấu nên sức lực đã cùng kiệt, tướng sĩ nhìn nhau thất sắc. Chưa qua được ải quan, giặc lại lọt vào trận địa mai phục mà quân Đại Việt dưới trướng Hưng Trí vương bày sẵn. Quân Đại Việt dựa vào địa thế núi cao, rừng rậm dọc đường để mai phục, dùng cung nỏ với mũi tên tẩm độc bắn vào đội hình hành quân của giặc. Quân Nguyên chết như rạ, xác nằm chồng lên nhau. Các tướng sĩ thân tín cố hết sức mà mở đường máu, lấy thân che chắn cho chủ tướng Thoát Hoan thoát khỏi tử địa. Tướng tiên phong mở đường của giặc là A Bát Xích trúng ba mũi tên độc, đầu cổ đều sưng vù, chết trên đường đi.
Ngày 19.4.1288, Thoát Hoan về đến châu Tư Minh nước Nguyên sau những nỗi kinh hoàng tột cùng mà quân Đại Việt đã cho hắn nếm trải. Đạo quân xâm lược hàng chục vạn tên hùng hổ vượt qua biên giới lúc đầu cuộc chiến giờ đây chỉ còn lại một nhúm quân tàn tạ, đói rách, thương tích đầy mình. Thoát Hoan phải hạ lệnh bãi binh ngay lập tức. Ái Lỗ đem quân bản bộ về Vân Nam. Áo Lỗ Xích đem đám tàn binh còn lại về bắc. Cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của Nguyên Mông chính thức khép lại. Lại thêm một thất bại ê chề dành cho những kẻ xâm lược hiếu chiến, và một dấu son mới được ghi vào trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
(còn tiếp)
Quốc Huy/Một Thế Giới