Tháng 3.1410, Mộc Thạnh thay Trương Phụ lĩnh ấn “Chinh di tướng quân”, tiếp tục thực hiện việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nhân dân Đại Việt. Dù Trương Phụ đã rút quân, vẫn còn một lực lượng khá mạnh được để lại cho Mộc Thạnh. Quân Minh bấy giờ ở nước ta vào khoảng hơn 4 vạn quân, cùng với hàng vạn ngụy binh. Mộc Thạnh vẫn đủ lực lượng chiến đấu và tiếp tục cố gắng duy trì thế chủ động trên chiến trường. Về phía quân Hậu Trần cũng muốn chớp thời cơ Trương Phụ rút quân mà chiếm lại đất đai. Lúc này chiến tuyến giữa quân Minh và quân Hậu Trần vẫn ở thế đan xen vào nhau. Quân Hậu Trần không chỉ giữ thế phòng thủ vùng Thanh Nghệ. Các nhánh quân ta vẫn cố gắng bám trụ ở đồng bằng sông Hồng, đánh phá tuyến sau của Mộc Thạnh. Mũi tấn công của Mộc Thạnh đã tiến sâu vào Thanh Hóa, nhưng tại các vùng hạ lưu sông Hồng quân Hậu Trần vẫn hiện diện. Tháng 6.1410, lần lượt nổ ra những trận đánh lớn giữa ta và giặc.
Ngày 13.06.1410, quân Minh dưới sự chỉ huy trực tiếp của Mộc Thạnh đụng trận với quân Hậu Trần do vua Trùng Quang đế trực tiếp chỉ huy tại sông Ngu Giang (Nga Sơn, Thanh Hóa). Trận này quân Minh chủ động dùng thủy quân tấn công, quân Hậu Trần bị thua phải rút lui. Quân Minh truy đuổi đến Cổ Hoằng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Trận này quân Hậu Trần mất 3.000 quân, tướng Lê Lộng bị giặc bắt. Thế nhưng quân Minh vẫn không thể kiểm soát được vùng Thanh Hóa. Bên cạnh lực lượng quân Hậu Trần, còn có lực lượng nghĩa quân của Lỗ Lược tướng quân Đồng Mặc kiên cường chiến đấu, giết giặc rất nhiều. Đồng Mặc đánh bắt được tướng Minh là Tả Địch, vây bức khiến cho một tướng khác là Vương Tuyên cùng kế tự vẫn. Nhờ có sự tương trợ của nghĩa quân Đồng Mặc, quân Hậu Trần vẫn giữ vững được Thanh Hóa. Vua Trùng Quang đế thấy Đồng Mặc lập được công lớn, phong cho chức Phủ quản quận Thanh Hóa. Qua đó, việc hiệu lệnh cũng được thống nhất. Nghĩa quân của Đồng Mặc trở thành một bộ phận của quân Hậu Trần.
Ngày 14.06.1410, một cánh quân Minh khác dưới quyền chỉ huy của đô đốc Giang Hạo tiến đến Hạ Hồng (thuộc Hải Dương ngày nay) gặp phải quân Hậu Trần dưới trướng Nguyễn Cảnh Dị đón đánh. Trận này quân Minh đại bại, Nguyễn Cảnh Dị thúc quân đuổi theo quân Minh đến tận bến Bình Than, đốt phá thuyền trại quân Minh gần hết. Một nhánh quân Minh khác cũng thua to tại sông Tranh (Ninh Bình ngày nay), tướng giặc là Tô Toàn bị đâm chết tại trận. Các trận thắng này đã cổ vũ phong trào khởi nghĩa ở các nơi. Các cuộc khởi nghĩa lúc này có khác biệt lớn về khả năng chiến đấu. Bên cạnh nhiều cuộc khởi nghĩa có tổ chức lỏng lẻo, quân tướng không được trang bị và huấn luyện tốt, dễ dàng bị quân Minh đánh tan thì cũng xuất hiện một số cuộc khởi nghĩa có chiều sâu về tổ chức. Ở phủ Thái Nguyên có khởi nghĩa Ông Lão, ở Thanh Hóa có Nguyễn Ngân Hà, ở Thanh Oai có Lê Nhị đều là những nhân vật nổi trội trong đám hào kiệt, đủ sức đương đầu với quân Minh.
Vừa chiếm được một số lợi thế trên chiến trường, một lần nữa Trùng Quang đế và bộ chỉ huy nhà Hậu Trần thử dùng biện pháp ngoại giao, hy vọng rằng vua Minh sẽ bỏ việc đô hộ ở nước ta mà chuyên tâm lo việc biên phòng ở phương bắc chống lại các bộ tộc Bắc Nguyên. Trùng Quang chủ động lui quân về Nghệ An, tạm ngưng chiến và củng cố lực lượng. Hành khiển Nguyễn Nhật Tư và Thẩm hình viện sứ Lê Ngân được vua Trùng Quang giao trọng trách sang kinh đô Kim Lăng nước Minh bàn việc điều đình và cầu phong. Thế nhưng đáp lại thiện chí đó, vua Minh Chu Đệ đã nhẫn tâm cho bắt giết sứ giả. Qua đó một lần nữa thể hiện quyết tâm cướp nước ta của vị bạo chúa này. Việc điều đình thất bại, vua tôi nhà Hậu Trần hết sức căm giận sự ngang ngược của giặc, lại tiếp tục đẩy mạnh tiến công. Trên khắp các mặt trận từ Thanh Hóa trở ra, quân Hậu Trần cùng các lực lượng khởi nghĩa khác liên tiếp đánh phá các đồn trại quân Minh. Mộc Thạnh phải vất vả chống đỡ.
Khí thế quân dân ta dâng cao khiến cho quan tướng nước Minh phải tìm kế mua chuộc, dụ dỗ bên cạnh việc đánh phá, tàn sát. Thượng thư Hoàng Phúc nước Minh lúc này giữ chức Bố Chính ty trong bộ máy cai trị ở nước ta đã tăng cường cấp ruộng đất, tăng bổng lộc cho đám ngụy quan hòng khích lệ đám tay sai này ra sức phục vụ cho quân Minh. Đồng thời Hoàng Phúc cũng dâng sớ xin vua Minh nới lỏng chính sách cai trị ở “quận Giao Chỉ”, hòng giảm bớt sự chống đối trong dân chúng. Chu Đệ thấy tình hình đã nghiêm trọng, mà binh lực nước Minh bấy giờ phần nhiều tập trung ở phía bắc để đánh quân Bắc Nguyên, bèn chủ trương thi hành chính sách chiêu dụ, hòa hoãn.
Vua Minh xuống chiếu ân xá: “Giao Chỉ đã thuộc về Chức phương [tức thuộc bản đồ nước Minh] mà liền mấy năm chưa được yên nghỉ. Nghĩ thương dân ấy sau cơn khốn khổ, đặc cách ban ân khoan thứ, xót thương, ngõ hầu khiến cho triệu dân đều được thấm nhuần đức trạch.”
Lại dụ cho các quan lại cai trị và dân chúng nước ta rằng: “Người Giao Chỉ đều là dân của trời, đã vỗ về chúng, thì chúng đều là con đỏ của trẫm. Chúng nhất thời đi theo bọn giặc, nghe nói bị giết, trẫm thực thương xót trong lòng, sao lại nỡ để chúng như vậy? Vả lại, bọn gây tội ác chỉ có mấy đứa thôi, còn trăm họ nơi bãi biển, hang núi,bị chúng cưỡng bức, uy hiếp, hoặc giúp chúng lương thực, hoặc bị chúng đem theo làm giặc ở các nơi, đều là bắt đắc dĩ, bị chúng làm cho lầm lỡ chứ không phải là do bản tâm. Nếu biết hối hận sửa bỏ lỗi lầm, đều cho được đổi mới. Làm ác chỉ có mấy đứa, trăm họ không có tội gì. Trong đó, người nào hiên ngang dũng cảm, có kiến thức, có thể bắt được mấy đứa kia đem dâng thì nhất định sẽ ban cho quan to, tước cao. Còn bọn làm ác, nếu biết tẩy rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, thì chẳng những được khoan tha tội lỗi, lại còn chắc chắn được làm quan vinh hiển nữa”.
Đối với các ngụy quan, vua Minh càng ra sức mua chuộc bằng danh lợi, chức tước và xuống chiếu phủ dụ: “Các ngươi tài năng khôi kiệt, tư chất đôn hậu, sáng suốt nhìn xa, trước đã thành tâm gắng sức, tận trung với triều đình, nghĩ tới công lao của các ngươi, đặc ân thăng cho chức vụ vinh hiển. Nay nghe các ngươi biết làm tròn nghĩa vụ,ốc sức lập công, bắt giết bọn phản nghịch, giữ vững đất đai, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi vui mừng khen ngợi. hiện nay, bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi hãy lập thêm nhiều công, ra sức quét sạch bọn chúng để tiếp nối công tích trước đây. Ta đặc cách sai người sang úy lạo ban thưởng. Các ngươi hãy kính cẩn phục tùng mệnh lệnh ân sủng này”.(theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Đầu năm 1411, nhận thấy rằng những đòn tấn công của quân ta đã khiến quân Minh phải khốn đốn và thay đổi chính sách cai trị, nhà Hậu Trần lại một lần nữa kiên trì việc ngoại giao. Lần này, Mộc Thạnh đã nhân nhượng, để cho sứ bộ Đại Việt do Hành khiển Hồ Ngạn Thần, Thẩm hình viện sứ Bùi Nột Ngôn đem cống phẩm và thư cầu phong sang Kim Lăng. Thái độ của vua Minh lần này đã có chuyển biến khác trước. Hắn không còn ngang ngược bắt giết sứ giả, mà chuyển sang đem quan tước ra dụ dỗ. Vua Minh sai Hồ Nguyên Trừng, nguyên là Tả tướng quốc triều Hồ đã đầu hàng và đang làm quan cho Minh triều giả cách đến gặp sứ bộ hỏi han chuyện quê nhà, kỳ thực là ngầm dò la tin tức và làm thuyết khách cho nước Minh. Hồ Ngột Ngôn dao động, đem việc nước thổ lộ với Hồ Nguyên Trừng, lại nhận chức Tri phủ Nghệ An của vua Minh phong cho. Vua Minh cũng xuống chiếu phong cho vua Trùng Quang chức Bố chính sứ Giao Chỉ, Trần Nguyên Tôn làm Tham chính. Lại phong cho các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Hồ Cụ làm Đô chỉ huy, Phan Quý Hữu làm Phó sứ ty Án sát.
Chu Đệ lại cho người đem thư cho vua Trùng Quang dụ rằng: “Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.”(theo Minh Thực Lục)
Từ góc độ của vua Minh mà nói, đây đã là một sự xuống nước khá rõ ràng. Nhưng từ góc độ của vua tôi nhà Hậu Trần, việc vua Minh đem những chức tước ra chiêu dụ chẳng khác nào một sự sỉ nhục, và như vậy có nghĩa là việc điều đình đã thất bại. Bởi vì mục tiêu của nhà Hậu Trần là khôi phục lại nước Đại Việt cùng vương triều Trần, chứ không phải nhận lấy chức tước của vua Minh trong một “quận Giao Chỉ”. Việc Hồ Ngạn Thần đi sứ mà nhân chức tước của giặc, lại đem quân cơ tiết lộ đã bị sứ giả Bùi Nột Ngôn đi cùng trình báo lên với Trùng Quang đế. Vua hết sức bất bình, liền hạ lệnh bắt giam và đem Hồ Ngạn Thần giết đi. Qua đó, Trùng Quang đế đã thể hiện tinh thần quyết chiến đến cùng với quân Minh, hòng giành lại độc lập hoàn toàn cho Đại Việt.
Quốc Huy/Một Thế Giới