Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức, mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan ngày càng xấu đi, nhất là khi sức mạnh quân sự Đức gia tăng.
Hitler đã đề ra nhiều kế hoạch lớn, trong đó có việc bành trướng về phía đông, cụ thể là Ba Lan và Liên Xô.
Trước tình thế này, Ba Lan chủ trương liên minh với Pháp để chống lại Đức, thế nhưng Pháp lại tỏ ra thờ ơ.
Đây là lí do khiến Thủ tướng Ba Lan Jozef Pilsudski quyết định đàm phán với Đức, và ngày 26/1/1934, hai nước ký Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau; Ba Lan trở thành quốc gia đầu tiên thiết lập liên minh với nhà nước Đức Quốc xã. Bản Hiệp ước được coi là đã góp phần mở đường cho những bước đi tiếp theo của Hitler.
Năm 1938, sau khi ký với Anh-Pháp Hiệp ước Munich, Đức đem quân chiếm đóng Tiệp Khắc. Ngay sau đó, Ba Lan cũng đem quân vào vùng Teschen của Tiệp Khắc, vùng lãnh thổ mà họ đã có tranh chấp với Tiệp Khắc năm 1919. Đây là vùng lãnh thổ rộng gần 1.700km2 với 228.000 dân, trong đó có 133.000 người Séc.
Tuy nhiên sau đó, mối quan hệ giữa Đức và Ba Lan ngày càng xấu đi, nhất là khi sức mạnh quân sự của Đức ngày càng gia tăng. Đức muốn thiết lập một đường biên giới mới với Ba Lan nhằm đưa vùng Đông Phổ trở lại với nước Đức.
Vùng này vốn bị tách rời khỏi nước Đức bởi “Hành lang Ba Lan”, còn gọi là “Hành lang Danzig”-cung cấp cho Ba Lan lối ra biển Baltic, do đó chia phần lớn Đức khỏi Đông Phổ. Đức còn muốn giành quyền kiểm soát thành phố Danzig. Đây vốn là vùng đất của đế quốc Đức, nhưng do Đức thua trận trong Thế chiến I nên chuyển sang thuộc quyền quản lý của Hội Quốc Liên. Từ đầu thập niên 1930, các cuộc tranh chấp và xô xát diễn ra ngày càng thường xuyên giữa người Đức và người Ba Lan sống tại đây.
Đức liên tục đưa ra cho Ba Lan nhiều yêu sách về vùng Danzig trong đó có việc xây dựng một tuyến đường sắt nối Đông Phổ và phần còn lại của nước Đức, chạy ngang qua hành lang Ba Lan. Ba Lan từ chối các yêu sách này vì không tin tưởng vào Đức, cũng như lo sợ sẽ chịu chung số phận với Tiệp Khắc.
Mặt khác, Ba Lan biết rằng không thể đơn phương chống lại Đức nên đã cầu viện đến sự giúp đỡ của Anh và Pháp. Còn Anh-Pháp vào thời điểm đó vẫn tiếp tục đeo đuổi chính sách thoả thiệp với Đức nhằm tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.
Nhưng trước sức ép chính trị dữ dội cộng với những lo sợ trước sự bành trướng của Đức nên hai nước này đã quyết định cô lập Đức, bằng cách tạo ra một khối liên minh với Ba Lan, Latvia, Litva, Estonia, Romania, đồng thời tuyên bố về sự đảm bảo của cả Anh và Pháp đối với nền độc lập Ba Lan.
Hành động này của Anh-Pháp khiến Hitler vô cùng giận dữ, và mối quan hệ thân thiện giữa Đức và Ba Lan chính thức kết thúc vào ngày 28/4/1939 khi Đức tuyên bố xoá bỏ Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ký năm 1934.
Ngày 10/5/1939, Hiệp định tương trợ Pháp-Ba Lan được ký kết. Sau đó, ngày 25/8, Hiệp định tương trợ lẫn nhau giữa Anh và Ba Lan ra đời. Trong khi đó, cuộc đàm phán của Anh-Pháp với Liên Xô nhằm đối phó với Đức bị trì hoãn và kéo dài mà không thu được kết quả do sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các bên, đặc biệt là thái độ lừng chừng của Anh.
Trong tình hình đó, Đức rốt ráo tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Liên Xô. Kết quả, Hiệp ước không xâm phạm Xô-Đức được ký kết ngày 23/8 tại Moscow, trong đó Liên Xô chấp nhận vai trò trung lập trong cuộc xung đột Đức-Ba Lan. Đổi lại, Liên Xô được thu hồi vùng Tây Belarus, Tây Ukraina bị Ba Lan chiếm năm 1921 và được quyền có ảnh hưởng đối với Phần Lan, Estonia, Litva, Latvia, Bessarabia.
Ngày 29/8, Đức trao cho Ba Lan tối hậu thư với yêu sách đòi Danzig trở lại và xoá bỏ “Hành lang Ba Lan”. Chính phủ Ba Lan thẳng thừng từ chối. Ngày 30/8, hải quân Ba Lan tiến hành chiến dịch Peking, di tản hạm đội của mình đến Anh để tránh bị hải quân Đức bao vây phong tỏa.
Cùng ngày, Ba Lan ra lệnh tổng động viên quân đội. Tuy nhiên, dưới sức ép của Pháp vốn vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao, đã phải thu hồi lệnh trên mà không biết rằng Đức đã hoàn thành tổng động viên và tập trung quân để đánh vào Ba Lan.
Đêm 31/8/1939, một đơn vị quân Đức mặc sắc phục Ba Lan tấn công vào trạm phát thanh tại thành phố biên giới Gleiwitz thuộc Thượng Silesia rồi dùng tiếng Ba Lan loan báo “Thời điểm thanh toán người Đức đã đến”. Hitler ngay lập tức lấy cớ nước Đức bị tấn công, đã ra lệnh tấn công Ba Lan vào rạng sáng hôm sau, 1/9/1939.