Các chỉ huy Pháp đánh giá quá sai lầm khả năng hậu cần của QĐNDVN khi cho rằng với địa hình rừng núi quá hiểm trở, không có đường giao thông nên Việt Minh không thể nào có năng lực mang được các loại pháo cỡ lớn (lựu pháo 105 mm và pháo phòng không 37 mm) vào Điện Biên Phủ tham chiến mà chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi.
Các tướng Pháp ngạo mạn cho rằng xe vận tải Việt Nam không thể chạy tới Điện Biên Phủ được. Tuy nhiên, những người lính QĐNDVN khôn khéo tháo rời những chi tiết có thể tháo rời được một cách đơn giản và dễ dàng của khẩu pháo (như bệ pháo, tấm chắn, quy-lát pháo,…) rồi dùng sức người để vận chuyển đến trận địa.
Sau khi đến trận địa thì bộ đội lắp ráp những chi tiết này lại với nhau bí mật, nhanh chóng và cực kì chính xác. Bằng cách thức đơn giản đó, bộ đội Việt Nam đưa được thành công những khẩu lựu pháo 105 mm nặng tới 2,2 tấn (hay những cỗ pháo phòng không 37mm nặng 2,1 tấn) lên bố trí sâu trong các hầm pháo được lính công binh khoét vào rất sâu bên trong các lòng núi, sườn đồi.
Bộ đội Việt Minh đã xây dựng các trận địa pháo cực kì bí mật, an toàn nhưng lại rất nguy hiểm với quân Pháp. Từ trên cao, những trận địa này khống chế rất tốt lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại cực kỳ an toàn trước bom và pháo của đối phương.
Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của QĐNDVN được đặt chỉ cách mục tiêu chừng 5-7 km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa (lựu pháo 105 mm bắn hiệu quả hơn 11km) để mỗi phát đạn được bắn ra phải chính xác hơn, ít tốn đạn và sức công phá cũng cao hơn, thực hiện đúng nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” được đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra, từ nhiều hướng bắn chụm vào một trung tâm.
Ngược lại, pháo binh Pháp lại bố trí ở ngay giữa trung tâm, phơi mình trên trận địa, nhanh chóng trở thành mồi cho pháo Việt Minh ngắm thẳng vào phản pháo, bắn phá.
Việc sử dụng đạn pháo, cối trong chiến dịch phải rất tiết kiệm. Trước mỗi trận đánh có hiệp đồng binh chủng, số lượng đạn pháo và đạn cối đều phải được duyệt trước. Ngoài ra, các trung đoàn, đại đoàn muốn xin pháo (hoặc cối) bắn chi viện thì cứ từ 3 viên đạn phải được phép của Tham mưu trưởng chiến dịch kí duyệt, còn từ 5 viên đạn trở lên phải được đích thân Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp kí duyệt.
Bởi với dự trữ chỉ có khoảng hơn 10.000 viên đạn pháo 105mm và khoảng vài nghìn viên đạn cối các cỡ khác nhau, nếu bắn cấp tập theo kiểu “nã thẳng tay” như Pháp thì các khẩu pháo cũng như cối của Việt Nam sẽ hết sạch đạn chỉ sau vài ngày.
Bên cạnh đó, QĐNDVN lập trận địa giả để nghi binh – dùng những thanh gỗ sơn thui đen rồi sắp xếp lại thành những khẩu pháo giả, ghếch nòng lên. Khi trận địa thật khai hỏa thì chiến sĩ phụ trách nghi binh từ trong công sự chui ra rồi tung từ 1 đến 3 quả bộc phá loại nhỏ (mỗi quả chứa khoảng từ 2,5 đến 3 kg thuốc nổ) lên trên không thật cao. Xong xuôi, anh ta sẽ chạy thật nhanh ra khỏi khu vực đó.
Máy bay trinh sát Pháp sẽ nghĩ đó là pháo Việt Minh nên sẽ phát tín hiệu cho pháo binh và không quân Pháp tiến hành bắn phá tơi bời. Sau khi mất khoảng 80% bom đạn để đánh các “khẩu pháo” làm bằng gỗ trị giá vài đồng bạc lẻ của Việt Minh thì các chỉ huy Pháp mới nhận ra là mình đã bị Việt Minh lừa cho một vố đau.
Suốt chiến dịch, pháo binh QĐNDVN chỉ hỏng một pháo 105mm (Khẩu pháo này vốn đã bị hỏng hóc tương đối nhiều từ lúc Trung Quốc chuyển giao cho Việt Minh). Đây là một nguyên nhân làm cho pháo binh Pháp dù có các thiết bị phản pháo hiện đại vẫn bị thất bại.
Tướng Võ Nguyên Giáp về sau nhận xét: “Thực tế kinh nghiệm này của chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành truyền thống chiến đấu dùng thô sơ đánh hiện đại của quân đội ta trong suốt chiều dài chống Mỹ cứu nước”.
Tướng Paul Ély, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pháp giai đoạn đó, sau này nhận định: “Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin”.