Trang chủ Kiến Thức Bạn có biết: Nguồn gốc thú vị của khái niệm “xỏ lá”,...

Bạn có biết: Nguồn gốc thú vị của khái niệm “xỏ lá”, “ba que”

Nguồn gốc của từ ba que xỏ lá là từ đâu?
Nguồn gốc của từ ba que xỏ lá là từ đâu?

I. BA QUE

– Dấu vết xa xưa nhất của từ “ba que” xuất hiện trong bài “Phú tổ tôm” của Trần Văn Nghĩa, một người sống dưới thời Minh Mạng (1820-1840). Tác giả kể tên nhiều trò cờ bạc, trong đó có ba que :

” Lạt nước ốc trò chơi vô vị : tam cúc, đố mười, đấu lình, bẩy kiệu, thấy đâu là vẻ thanh tao ;
” Ngang càng cua lối ở bất bình : xa quay, chẵn lẻ, dồi mỏ, ba que, hết thẩy những tuồng thô suất.
(Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, “Phú Việt Nam cổ và kim”, Văn Hóa, 1960, tr. 215).

– Thời Tự Đức, Trần Tấn (tức Cố Bang) nổi lên chống Pháp. Ông bị ốm và chết năm 1874. Có người làm bài Vè Cố Bang đánh Tây :

Lính Tây, triều mang súng,
Kèn thổi ” toét tò loe “,
Dưới cơn cờ ba que,
Quan Hồ Oai cưỡi ngựa
(Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỉ 19, NXB Văn Học, 1970, tr. 406).

II. XỎ LÁ

– “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của (1895) đưa ra một trò chơi gian lận gọi là “Xỏ lá” và kết luận “Quân xỏ lá là quân điếm đàng, lận mạt.”

– Từ điển Génibrel (1898) gọi “thằng xỏ lá” là thằng mưu mẹo, lừa dối.

– Năm 1906, Nguyễn Khuyến bị loà mắt, bị Chu Mạnh Trinh chơi xỏ, tặng cho một chậu hoa trà, thứ hoa có sắc nhưng không có hương. Nguyễn Khuyến ” Tạ lại người cho hoa trà ” bằng bài thơ ” Sơn trà ” trong đó có câu :

Tầm thường tế vũ kinh xuyên diệp
Tiêu sắt thần phong oán lạc dà
(Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi dà)

Hai câu thơ ý nói : Những trận gió to làm cho đài hoa rụng, ai cũng có thể biết được ; còn những hạt mưa nhỏ làm cho lá thủng, ít ai có thể trông thấy được, nên lại nguy hiểm hơn. (Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn Học, 1971, tr. 138 và 408).

– Nhà thơ Tản Đà từng làm bài bài vạch mặt Sở Khanh, Bạc Hạnh, có câu

“Bộ xỏ lá trông đà lộn ruột,
Sức thơ đào nghĩ lại non gan.”

– “Trời đất ôi ! Ngờ đâu con người thế, mà xỏ lá ba que !… (Phạm Duy Tốn, Con người Sở Khanh, Nam Phong, 1919).

III. XỎ LÁ BA QUE

Năm 1914, Phan Kế Bính biên soạn sách “Việt Nam phong tục”. Trong chương bàn về tính tình người Việt, ông chia đàn bà và đàn ông nước ta thành các hạng người: hiền phụ, lệnh phụ, xuẩn phụ và quân tử, thường nhân, tiểu nhân. Tiểu nhân là bọn tính tình gian giảo, phản trắc, (…), ăn trộm ăn cướp, xỏ lá ba que, đàng điếm, hoang toàng v.v. Như vậy,  thành ngữ “Xỏ lá ba que” chính là do Phan Kế Bính khai sinh.

Ngày nay, thành ngữ “Xỏ lá ba que” hay “Ba que xỏ lá” thường được dùng để chỉ chung:

– Bọn vô lại chuyên đi lừa người khác để kiếm lời (Nguyễn Lân)

– Bọn xảo trá, đểu giả (Hoàng Phê),

– Tụi gian lận (tricheurs), bất lương (malhonnêtes), theo Gustave Hue

Nguyễn Lân có giải thích chi tiết : “Ba que xỏ lá là một trò chơi ăn tiền trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Nhưng kẻ chủ trò vẫn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng ba que xỏ lá, hoặc thằng ba que, hoặc thằng xỏ lá”. (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989).

“Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) định nghĩa:

– Ba que là một cuộc đánh tiền bằng ba cái que của bọn keo hèn bày ra đánh ở đường ở chợ. Nghĩa bóng chỉ những người dối trá điên đảo.

– Xỏ lá là trò làm ra để lừa người ta mà kiếm tiền. Thường nói tắt là “xỏ” để trỏ người gian giảo, lừa gạt, bợm bãi.

* Ngoài ra còn 1 hướng khác lý giải thành ngữ này theo nguồn gốc từ tiếng Pháp.

Trong quá trình  cai trị, thực dân Pháp đưa bộ bài Tây vào nước ta. Một số trò cờ bạc mới bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt là trò Ba quân, có nơi gọi là Ba lá. “Ba lá là một cuộc đánh tiền, lấy ba quân bài tây đảo đi đảo lại, ai đặt tiền vào trúng quân ông lão thì được. Nghĩa bóng chỉ những đứa hèn hạ” ( Việt Nam tự điển, Khai Trí Tiến Đức). Cách chơi Ba quân hay Ba lá tương tự như trò Bonneteau của Pháp.

Ba quân hoàn toàn nhờ vào tài tráo bài của nhà cái và tài lừa phỉnh của cò mồi. Ba quân là cờ gian bạc lận của bọn đầu đường xó chợ. Ba quân hội đủ những tính xấu như gian lận, xảo trá, bất lương, đi lừa người khác để kiếm lời. Người xưa tránh không chửi “thằng ba quân” vì ba quân là quân đội của triều đình (Trung quân, Tả quân và Hữu quân). Ba quân được nói lái thành ba que. Tương tự như tụ tam nói trại thành tổ tôm, tam kết thành tam cúc…

Nói tóm lại, Ba que có khả năng cao gốc gác là trò cờ bạc Ba quân (bonneteau) của Pháp.

Lá cờ tam tài (ba màu xanh, trắng, đỏ) của Pháp bị gọi là cờ ba que. Cờ của bọn gian lận, tráo trở. Dùng trò cờ bạc của Pháp để chửi Pháp, các cụ xưa chơi chữ khá thâm.

Vào khoảng năm 1945, Huỳnh Thúc Kháng viết về Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (1916), có đoạn :

– Thế mà trừ một số ít – rất ít – đã hấp thụ học thuyết mới, xem cái ngôi “bù nhìn” đó không có giá trị gì…..Thường xuyên xưa nay mối lợi khiến cho người ta mờ trí khôn (lợi linh trí hôn), bọn thực dân Pháp mà các tay chính trị “xỏ lá” tự phụ là cao xảo cũng không khỏi vấp phải chỗ lầm to, ấy là tấn kịch: Đày vua cha Thành Thái mà lập con là vua Duy Tân lên thay. (Vương Đình Quang, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng, NXB Văn Học, 1965, tr. 173).

Huỳnh Thúc Kháng dùng kí hiệu ngoặc kép ” ” để nhấn mạnh hai từ bù nhìn và xỏ lá. Bù nhìn là tiếng Pháp épouvantail được Việt hoá. Do đó, có thể suy đoán rằng xỏ lá có nhiều khả năng cũng như thế. Tra từ điển “Robert và Larousse” của Pháp gọi tụi đáng khinh (méprisable), đáng ghê tởm (répugnant) ; bất chính (déloyal), bọn bất lương, gian dối (malhonnête) là salaud (xa lô). Xỏ lá vừa có nghĩa vừa có âm của salaud. Kết luận là, thằng salaud sang thuộc địa kiếm chác, bị Việt hoá thành thằng xỏ lá.

Nguồn: http://mythuat.proboards.com