Tàu vận tải quân sự HQ-671 vốn là tàu C-41, hay tàu 641 có trọng tải 50 tấn, do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Việt Nam năm 1964. Tàu được biên chế về Đoàn 125 (trước là Đoàn 759) với nhiệm vụ vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Tàu có chiều dài 31,5m, rộng 5,8m, chiều cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m.
Tàu đã từng tham gia chiến dịch vận tải VT5 (1968 – 1969) với hàng chục chuyến, góp phần chuyển hàng nghìn tấn vũ khí hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào cảng Gianh (Quảng Bình) để Đoàn 559 tiếp tục vận chuyển theo đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam.
Từ tháng 2/1970 đến tháng 7/1971, tàu chờ 4 chuyến hàng vào chiến trường Nam Bộ. nhưng 3 chuyến phải hủy, quay lại giữa chừng do đối phương ngăn chặn, đeo bám. Chỉ có chuyến ngày 30/4/1970 là thành công, tàu được ngụy trang với số hiệu RS-05 đi theo tuyến mới, đưa được 58 tấn vũ khí, hàng hóa vào cập Hang Hố (Cà Mau) an toàn.
Tháng 7/1971, Tàu C-41 đổi số hiệu thành 641. Từ cuối năm 1971-1974, tàu làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa và bộ đội vào cảng Đồng Hới (Quảng Bình) và cảng Cửa Việt (Quảng Trị) để chuyển tiếp vào chiến trường miền Nam.
Trong cuộc Tổng tiến công công và nổi dậy Xuân 1975, Tàu làm nhiệm vụ chở người, vũ khí, hàng hóa tăng cường cho chiến dịch Huế – Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, Tàu được giao nhiệm vụ cùng với Tàu 673 chở lực lượng của Đoàn 126 Đặc công Hải quân ra tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tàu làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10/1978, Tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ chiến sĩ của đảo Phan Vinh bị sóng nước làm trôi dạt trong khi đang làm nhiệm vụ. Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng lớn, vượt qua sóng to, gió lớn, tàu đã tìm được cả 7 đồng chí và đưa về đơn vị an toàn.
Năm 1980, Tàu 641 được mang số hiệu HQ-671 và năm 1982, được biên chế về Hải đội 413 Vùng 4 Hải quân, làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu và vận chuyển hậu cần phục vụ các đơn vị trong Quân chủng Hải quân.
Đầu năm 1988, Tàu làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Cán bộ chiến sĩ Tàu HQ-671 không quản ngại hy sinh, bình tĩnh, dũng cảm, vững vàng vượt qua những khó khăn, gian khổ, sóng gió và sự bao vây khiêu khích của các tàu chiến Trung Quốc, cho tàu lao thẳng vào sát mép đảo, sẵn sàng làm bia chủ quyền, góp phần cùng đơn vị giữ vững đảo Đá Lớn. Sau đó, Tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Ngay sau sự kiện Trung Quốc bắn cháy và làm chìm 3 tàu vận tải của ta ở khu vực các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao (ngày 14/3/1988), mặc dù bị tàu của đối phương ngăn chặn, uy hiếp, song cán bộ chiến sĩ Tàu HQ-671 vẫn kiên quyết, kiên trì và dũng cảm, không sợ hy sinh, kịp thời có mặt ở khu vực xảy ra chiến sự để làm nhiệm vụ tìm kiếm, cấp cứu các cán bộ, chiến sĩ của ta bị nạn đưa về nơi an toàn. Sau hai ngày tìm kiếm, Tàu đã cứu được 41 đồng chí và 3 liệt sĩ đưa về đất liền.
Năm 2002, Tàu HQ-671 được biên chế về Hải đội 384 Cục Hậu cần Hải quân. Ngày 20/9/2011, nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, Tàu HQ-671 được đưa từ Hải đội 384 về trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận Tàu HQ-671 là bảo vật quốc gia.
Nguồn: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam